Ngày hôm qua (11/7), một người dùng mạng có nickname là Nguyễn Thị Ngọc D. đã đăng tải hình ảnh về 1 chàng trai khuyết tật đáng thương bị ngất do quá đói và kiệt sức. Cùng với những hình ảnh chụp chàng trai được nhiều người giúp đỡ, chị D. còn đăng tải dòng status khá dài kể lại câu chuyện đáng thương của chàng trai khổn khổ. Theo đó, chị cho biết ,chàng trai tên Tống Văn Phong quê ở Nam Định. Do bị mất ví, mất giấy tờ mà lại không có ai thân thích ở Hà Nội nên anh đi lang thang khắp nơi đã 4 ngày nay. Thậm chí, do quá đói mệt nên Phong đã ngất xỉu bên đường. Do thương xót cho tình cảnh của anh, nhiều người đã xúm vào cho anh đồ ăn, tiền mặt để giúp anh có lộ phí về quê.

Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 1
Chị D. đăng tải thông tin cùng hình ảnh về chàng trai tên Phong đáng thương - (Ảnh chụp màn hình).

Nguyên văn dòng status được chị D. đăng tải có nội dung: "Chiều nay trên đường đi làm về, ghé qua chợ mua bó rau, thấy rất đông người đang đứng bàn tán xôn xao, ở giữa vòng vây là một anh thanh niên với bộ dạng gầy gò, bàn tay bị khuyết tật. Mình không hiểu sự tình thế nào, hỏi cô bán hàng thì được biết anh thanh niên tên Tống Văn Phong, quê Nam Định, ở quê không có việc làm nên anh ra Hà Nội mong tìm được 1 công việc để làm, phụ giúp gia đình. Đang trên đường đi tìm việc thì bị bọn đạo chích móc mất ví. Mất ví, mất giấy tờ, lại không có người thân thích ở Hà Nội, anh cứ đi, vừa đi vừa hỏi han xem có ai thuê làm gì thì làm nhưng đi đến đâu xin việc cũng bị từ chối vì người ta nhìn thấy bàn tay khuyết tật của anh nên ai cũng ái ngại. 4 ngày nay cứ lang thang khắp nơi, chiều nay vì đói quá nên đã ngất ở đường, nhiều người thấy tội nên mua đồ ăn cho anh, rồi hỏi han gia cảnh, ai cũng tội nghiệp, người cho gói bánh, người cho tiền, mong giúp anh có lộ phí đi đường. Khi mình hỏi anh, thế bây giờ anh định tiếp tục đi tìm việc hay về nhà? Anh rưng rưng nói với giọng không còn tròn chữ nữa: Thôi về làm ruộng với bố thôi!".

Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 2
  
Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 3
Mới đây, Phong được người dân giúp đỡ, cho tiền - (Ảnh: Facebook).

Ngay sau khi được đăng tải, đoạn status của chị D. đã thu hút sự chú ý từ phía bạn bè và người quen của chị. trên Facebook. Một số người tỏ ra thương cảm cho số phận kém may mắn của chàng trai trẻ và liên tục để lại những bình luận như "Đời nó nghiệt ngã thế đấy bạn ơi, đã khó rồi lại còn bị chó cắn... thương cho anh ấy và buồn cho cuộc đời" hay "Khổ thân anh này quá! Về nhà cho lành thôi!"...

Tuy nhiên, ngay sau đó, 1 người dùng mạng đã nhanh chóng nhận ra anh chàng này và cho biết thời gian trước đây, anh cũng từng xuất hiện trên mặt báo vì bị ngất do quá mệt và đói. Trước lời nhận xét này, chị D. đã nhanh chóng tìm kiếm trên mạng và phát hiện, quả thực, trước đây, vào năm 2012, Phong từng được báo chí đưa tin do ngất vì đói.

Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 4
Phong cũng từng ngất đi vì đói và được mọi người giúp đỡ - (Ảnh: Internet).

Theo nội dung bài báo, vào 1 ngày cuối tháng 10/2012, người dân tại khu vực Thái Thịnh 1, Hà Nội đã bắt gặp cậu thanh niên gầy gò, mặt giơ xương, chân tay bé tí dù cậu cao trên 1,7m đi lang thang và bị ngất. Những người chứng kiến kể lại, khi đang lê bước đi, tự dưng cậu ta ngã xuống đất, rồi bị cả chiếc ba lô to đùng đè lên lưng. Sau đó, cậu thanh niên được dìu vào ngồi bên lề đường, lưng dựa vào tường.

Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 5
  
Cư dân mạng vạch mặt thanh niên khuyết tật giả "ngất vì đói" để... xin tiền 6
Hình ảnh chàng trai có tên Phong từng được người dân cứu giúp xuất hiện trên mặt báo vào năm 2012 - (Ảnh: Internet).

Mỗi người một tay, một chân, người thì chạy đi mua bánh đút cho cậu ăn, người vội vàng đi pha nước đường cho cậu uống. Thậm chí, ai qua đường cũng dừng lại cho tiền Phong để cậu có lộ phí trở về nhà. Theo tìm hiểu, chàng trai cho biết cậu tên là Tống Văn Phong, sinh năm 1985 (địa chỉ đội 2, xã Nghĩa Minh, Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, có bố là Tuấn, mẹ là Bình).

Vào thời điểm đó, câu chuyện về chàng trai được người dân hết lòng cấp cứu khi bị ngất do đói đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Ai cũng bày tỏ sự cảm thương cho số phận chàng trai khốn khổ, đồng thời thể hiện sự cảm phục trước lòng tốt của người qua đường.

Một độc giả cho biết: “Sau khi đọc xong bài viết về hoàn cảnh của anh Phong, tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho anh ấy. Bên cạnh đó, tôi cũng rất cảm động trước hành động của người dân tại khu phố. Những lúc này mới thấy hết tình cảm của mọi người. Mong phóng viên tiếp tục đưa thông tin về anh Phong để mọi người biết thêm thông tin và hoàn cảnh của anh Phong. Hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái hơn thế nữa”.

Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo về trường hợp của chàng trai khuyết tật được đăng tải, nhiều người dùng mạng đã đồng loạt lên tiếng vạch mặt sự thật, cho rằng Phong đang lợi dụng lòng tốt của mọi người để kiếm tiền. Liên tiếp những phản hồi cho biết Phong thường xuyên dùng cách thức "ngất vì đói" ở những địa điểm đông người qua lại khác nhau để lợi dụng lòng tốt của người dân, kiếm chút tiền và đồ ăn.

Nhiều cư dân mạng thời điểm đó tỏ ra vô cùng bức xúc và cho rằng "Thử hỏi xã hội bây giờ mọi người có thể tin điều gì? Chỉ vì đồng tiền mà lừa lọc lòng tốt của bao nhiêu người, những điều tôi viết ra mong mọi người hãy cảnh giác”.

2 năm sau khi trường hợp của chàng trai tên Phong gây xôn xao cộng đồng mạng, mới đây, Phong lại "tái xuất" với chiêu trò cũ và lừa gạt, lợi dụng được lòng tốt của người dân. Mà đơn cử trong đó là trường hợp của chị D. khi chị hoàn toàn tin tưởng và ra tay giúp đỡ chàng trai trẻ tội nghiệp. Chính chị D. sau khi biết mình bị lừa đã bức xúc: "Trời trời, bị lừa rồi, chiều nay mình còn rút 50k cho anh í, anh í bắt tay, cảm ơn rối rít sau đó còn bảo: khi nào chị về quê em chơi. Bài bản như thế này thì ai mà chả thương hại. Xã hội, thật giả không biết đâu mà lần".

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều lúc, thật khó để có thể phân biệt được thật giả, đúng sai một cách hoàn toàn chính xác. Nhiều người khi gặp hoàn cảnh thương tâm đã không tiếc tiền chi ra, với mong muốn giúp đỡ họ vơi bớt phần nào khó khăn. Nhưng thực tế, nhiều khi việc cho tiền không đúng chỗ lại vô tình là một hành động tiếp tay cho kẻ xấu mưu lợi bởi đằng sau những số phận đáng thương kia lại là cả một câu chuyện dài, có khi là những màn kịch được tạo dựng khéo léo để lấy nước mắt, xin sự bố thí của người qua đường. Bởi vậy, mọi người cần phải thật tỉnh táo mỗi khi gặp những hoàn cảnh đáng thương, muốn rút ví cho tiền.