Khung giờ làm việc của dân công sở là như nhau, đều đặn 8 tiếng/ngày; tuy nhiên, trong 8 tiếng đồng hồ ấy, một số cá nhân lại biết tận dụng một cách triệt để, để hoàn thành được nhiều công việc hơn những người khác. Mấu chốt của vấn đề vốn nằm ở thứ gọi là "năng suất làm việc".
Khoa học đã thống kê và chứng minh rằng trung bình một nhân viên lãng phí 2,1 giờ làm việc mỗi ngày, đồng nghĩa với việc cứ 11 phút làm việc, chúng ta lại bị xao lãng bởi email, Facebook, "buôn chuyện",... để rồi sau đó mất tới 25 phút để tái tập trung vào công việc.
Trong một thế giới đầy biến động và có nhiều thứ gây nhiễu, chị em công sở vô cùng dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy xao nhãng rồi quên đi công việc chính khiến năng suất đi xuống. Nói về yếu tố gây nhiễu thì có khá nhiều; tuy nhiên, chuyên trang Business Insider đã tổng hợp và liệt kê những lầm tưởng chị em công sở hay mắc phải khi đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động.
1. Ngủ dậy muộn
Thông thường, nếu thức dậy sớm, chị em sẽ có nhiều thời gian để làm những công việc cá nhân như nấu bữa sáng cho chồng con, tập thể dục trước khi đến công sở. Tuy nhiên, việc thức dậy sớm có thể tạo thêm sự mệt mỏi cho một số người, từ đó khiến cả ngày làm việc hôm đó không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Theo Chris Bailey, tác giả cuốn sách "The Productivity Project" việc thức dậy lúc 5:30 sáng và đi ngủ từ 09:30 thật sự khó khăn. Chris tự nhận mình là một "cú đêm" và chỉ cảm thấy tràn đầy năng lượng, tập trung, sáng tạo vào thời điểm mọi người đã ngủ say. Đồng hồ sinh học mỗi người một khác, cho nên chúng ta không nên áp dụng một cách vô tội vạ những mẫu số chung làm gì.
2. Có thời gian làm việc ít hơn đồng nghiệp
Giáo sư Robin Ely đến từ Đại học Harvard đã tiến hành nghiên cứu và kết luận: Mặc dù dành nhiều thời gian cho công việc nhưng điều này chỉ phần nào chứng minh chị em là người chăm chỉ chứ về cơ bản, hiệu suất vẫn không cao. Do đó, Robin đã thử cắt giảm thời gian làm việc của mình từ 9 giờ một ngày xuống còn 8 giờ và nhận ra hiệu suất làm việc không hề thay đổi.
3. Để bàn làm việc bừa bộn
Một nghiên cứu khoa học được tiến hành vào năm 2015 cũng đã chỉ ra, con người ta có xu hướng làm việc tốt hơn trong môi trường bừa bộn. Tình trạng lộn xộn khiến đầu óc chúng ta có khả năng xác định mục tiêu và sắp xếp thứ tự mục tiêu rõ ràng hơn. Mặc dù vậy, đừng chủ quan mà bày biện bàn làm việc như cái chợ; bởi lẽ, việc này không những tạo ấn tượng xấu cho sếp mà còn làm phản tác dụng.
4. Không chịu dọn dẹp hòm thư điện tử
Laura Vanderkam - tác giả của nhiều cuốn sách bàn về cách quản lý thời gian và làm việc hiệu quả cho biết, thành công và sự gọn gàng của hòm thư điện tử chẳng có mối quan hệ gì với nhau. Cô khẳng định việc kiểm tra từng lá thư sẽ tiêu tốn của chúng ta rất nhiều thời gian cũng như năng lượng.
Tốt nhất nên chọn lọc trong hòm thư những nội dung "khẩn cấp" rồi trả lời và mặc kệ số còn lại. "Nếu chúng thật sự cần thiết, người gửi sẽ tìm cách gọi lại hoặc gửi thêm tin nhắn thôi", Laura chia sẻ.
5. Bị stress
Chúng ta thường tìm mọi cách để né tránh stress và căng thẳng. Tuy nhiên theo nhà tâm lý học Kelly McGonigal, stress có thể có lợi cho dân công sở. Việc chúng ta stress về một vấn đề, dù là công việc hay gia đình, chứng tỏ bản thân thật sự quan tâm đến vấn đề đó. Chỉ cần suy nghĩ chậm lại và bình tĩnh tìm cách tháo gỡ vấn đề là được.
6. Hay trì hoãn
Trong một vài trường hợp, việc trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, điều này không đúng. Theo giáo sư Adam Grant, tác giả cuốn sách "Originals", Steve Jobs là người rất hay trì hoãn, nhưng ông lại rất thành công.
Vậy chắc chắn có một mối liên hệ giữa hai yếu tố này. "Thời gian Steve Job trì hoãn một việc nào đó sẽ được dùng để tư duy theo nhiều hướng khác nhau; từ đó, giúp ông đưa ra nhiều ý tưởng mới và thoát khỏi lối mòn tư duy truyền thống", Adam cho biết.