Một cụ ông ở Giang Tô (Trung Quốc) được phát hiện là đã mang theo người trước khi chết số tiền 210.000 NDT (khoảng 730 triệu đồng). Sự việc khiến nhiều người không khỏi xót xa trước sự thật đáng buồn về cuộc đời của ông.
Nhiều người ví von cha mẹ như một cây đại thụ, che chở cho con cái trong suốt quá trình trưởng thành. Nhưng đến một ngày, khi cây đại thụ ấy cần được chăm sóc, con cái cũng nên đáp đền công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Chữ "Hiếu" luôn là một nét đẹp truyền thống của người Á Đông. Tuy nhiên trong xã hội, không phải bậc làm cha, làm mẹ nào cũng có được sự đền đáp từ thế hệ sau. Đôi khi, cha mẹ vất vả nuôi nấng con cái, cho con những điều kiện tốt nhất, mong con "thành rồng", "thành phượng", nhưng đến khi về già, họ mới ngỡ ngàng nhận ra mình không có ai nương tựa.
Ông Đào, một người đàn ông ở Giang Tô, là cha của hai cậu con trai và là ông nội của những đứa cháu kháu khỉnh. Vợ ông mất sớm, để lại ông một mình gà trống nuôi con. Ai cũng nghĩ, với hai cậu con trai, ông sẽ có một tuổi già an nhàn, vui vầy bên con cháu.
Nhưng sự thật phũ phàng, khi vợ ông mới mất, các con còn nhỏ, ông phải một mình nuôi hai đứa trẻ. Thế rồi, các con ông cũng dần trưởng thành. Khi các con dựng vợ gả chồng, ông Đào chia đều ruộng vườn, nhà cửa cho hai con, với mong muốn các con có cuộc sống sung túc.
Còn bản thân ông, dù tuổi đã cao nhưng vẫn phải lặn lội nhặt rác kiếm sống. Công việc vất vả nhưng ông vẫn luôn lạc quan, tự nhủ bản thân còn sức khỏe, còn có thể kiếm tiền để các con không phải lo lắng.
Ngày qua ngày, ông Đào âm thầm làm việc, chắt chiu từng đồng để dành dụm. Suốt hơn mười năm trời, ông sống trong một căn phòng chật hẹp, ăn uống kham khổ.
Khi sức khỏe không còn như trước, ông muốn đến ở cùng con. Trong một bữa cơm gia đình, ông hỏi dò con cháu, nếu ông đến ở có vấn đề gì không, bởi nếu nói thẳng muốn về ở hẳn, các con sẽ bất ngờ và khó xử. Niềm vui đoàn tụ chưa kịp trọn vẹn thì ông phải đối mặt với sự thật phũ phàng: cả hai người con trai đều không muốn đón ông về ở cùng, họ tỏ thái độ khó chịu ra mặt.
Ông không ngờ rằng, bản thân đã vất vả nuôi nấng các con khôn lớn, giờ đây lại không được chào đón trong chính ngôi nhà của mình. Nhìn lại những năm tháng nhọc nhằn nuôi con, ông không khỏi chạnh lòng. Nghĩ đến những ngày tháng lam lũ, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ vì các con, ông vừa giận vừa tủi. Hai người con, không ai muốn ông ở lại nhà. Ông quay về căn phòng cũ.
Có lẽ vì quá đau buồn, sức khỏe ông Đào ngày càng yếu đi. Ít lâu sau, ông qua đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông còn cố gắng tự sửa soạn lại cho bản thân. Ông mua một bộ khăn liệm, tự mình mang rồi qua đời. Người hàng xóm phát hiện sự việc và báo cho các con ông. Khi nhìn thấy ông lão ăn mặc chỉnh tề, họ liền đưa ông đến lò hỏa táng với hy vọng nhanh chóng hỏa táng và tổ chức tang lễ.
Nhân viên nhà hỏa táng ấn nút, nhưng anh ta nhìn thấy những tờ tiền màu đỏ bay ra từ người ông. Anh ta vội dừng việc hỏa thiêu và lôi thi thể ra để kiểm tra. Anh phát hiện trong quần áo của ông lão có một lượng lớn tiền mặt, phần lớn đã bị cháy xém.
Sau khi hoàn tất thủ tục hỏa thiêu, nhân viên nhà hỏa táng thông báo sự việc cho hai người con trai của ông Đào. Nghe xong, hai người con trai vô cùng bất ngờ. Họ vội vã trở về căn phòng trọ của cha, và tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm 210.000 NDT. Nhưng khi đến ngân hàng kiểm tra, tài khoản đã hoàn toàn trống trơn, bởi toàn bộ số tiền đã được ông Đào mang theo vào lò hỏa thiêu.
Những người hàng xóm khi biết chuyện thì trách hai anh con trai: "Nếu còn chút lương tâm lau người cho bố lần cuối, chẳng phải có thể tìm được số tiền giấu dưới tấm vải liệm sao?".
Cha mẹ có thể vì con cái mà không ngại khổ cực, vậy cớ sao khi cha mẹ già yếu, con cái lại nỡ lòng ruồng bỏ? Câu chuyện về ông Đào để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả về chữ "hiếu". Báo hiếu không cần làm việc gì lớn lao, quan trọng là khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm của con cái dành cho mình. Cha mẹ dành tất cả tình cảm, cuộc sống cho con nhưng đâu cần nhận lại nhiều, chỉ cần biết con cái quan tâm đến mình thôi là hạnh phúc lắm rồi.
Theo Sohu