Vàng chưa cầm trong tay đã lỗ nặng

Sau chuỗi ngày tăng liên tiếp, liên tục lập kỷ lục mới, ngày 13/3, thị trường trong nước chứng kiến sự đảo chiều liên tục của giá vàng . Chỉ trong vòng một ngày, giá vàng được điều chỉnh giảm hơn 2 triệu đồng.

Vào cuối giờ chiều 13/3, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn còn 78,2 - 80,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu còn 67,88 - 69,38 triệu đồng/lượng.

Như vậy, nếu khách mua vào đầu giờ sáng thì cuối ngày lỗ kép hơn 4 triệu đồng/lượng vì chênh lệch giá và vàng giảm.

Nhiều nhà đầu tư mua vào thời kỳ giá cao nhất vào sáng 12/3. Anh Nguyễn Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua 10 lượng vàng miếng SJC với giá 82,25 triệu đồng/lượng. Lúc mua, anh Huy kỳ vọng giá vàng tăng lên 95 triệu đồng/lượng anh sẽ chốt lời. Thế nhưng, khi giá vàng giảm, anh “sốc” vì chỉ trong 2 ngày anh mất 40 triệu đồng. Anh Huy vẫn quyết giữ vàng đợi tăng giá trở lại.

Cú ‘quay xe’ đột ngột của giá vàng và bài học lỗ kép chưa bao giờ cũ - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư mua vàng nhẫn lỗ nặng dù chỉ nhận được phiếu hẹn sau 1 tháng lấy vàng.

Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nhận giấy hẹn vàng nhẫn sau 1 tháng khi mua từ 4 lượng vàng trở lên.

Anh Dương Quốc Minh (ở quận Hai Bà Trưng) mua 7 lượng vàng nhẫn với giá 68,88 triệu đồng/lượng cách đây 1 tuần chia sẻ: “Với giá vàng giảm mạnh như vậy, tính đến thời điểm hiện tại tôi tạm lỗ 7 triệu đồng. Tôi tin giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trở lại sớm dù tôi vẫn đang cầm giấy hẹn lấy vàng vào ngày 2/4 tới”.

Còn chị Minh Hoa (ở quận Long Biên) mua 15 lượng vàng nhẫn ngày 12/3 với giá 71,3 triệu đồng/lượng. Chỉ sau 1 ngày, chị Hoa tạm lỗ hơn 51 triệu đồng dù ngày 10/4 chị mới nhận được vàng.

Nên ngồi yên?

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý gia sản FIDT - phân tích, nhìn lại lịch sử thị trường vàng, năm 2012 là đáy của suy thoái, giá vàng tăng lên mức 43 triệu đồng/lượng.

Nhưng sau khi kinh tế ổn định, xu hướng hồi phục từ năm 2014, giá vàng tạo đáy ở vùng giá 36 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, giá vàng mới bật tăng trở lại mức giá 43 triệu đồng/lượng.

Như vậy, nếu ai đó mua vàng vào năm 2012 thì phải giữ trong 7 năm, mới quay lại được mức giá vốn. Chẳng hạn, bỏ 300 triệu đồng mua vàng, sau 7 năm họ không được thêm xu nào.

Theo ông Huấn, nếu nhìn vào câu chuyện phục hồi kinh tế vào năm 2026, giá vàng bắt đầu chu kỳ giảm và đi ngang. Do đó, vị chuyên gia tài chính cho rằng không tăng mua vàng thời điểm này vì có thể “đu đỉnh” bất kỳ lúc nào trong chu kỳ lên tới 10 năm.

Ông Huấn khuyến nghị, thời điểm này có thể giữ vàng nhưng cũng không nên mua thêm. Trong danh mục đầu tư, vàng không nên chiếm quá 15% tỷ trọng.

Còn theo một chuyên gia tài chính , những lúc giá vàng lên "cơn điên", bài học ngồi yên chứ đừng nhảy vào ôm không bao giờ là cũ.

Nhận định về xu hướng giá vàng, vị chuyên gia tài chính cho rằng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có lộ trình giảm lãi suất thì giá vàng không thể giảm, vẫn “neo” ở mức cao.

“Sự biến động về chính trị, xung đột trên thế giới còn căng thẳng, giá vàng vẫn đang được ủng hộ. Cùng với đó, lãi suất đang quá thấp và sẽ duy trì trong thời gian dài, kênh đầu tư chứng khoán chưa hút được dòng vốn lớn của đông người dân. Còn bất động sản đang nằm trong vùng suy thoái buộc người dân bỏ tiền mua vàng. Do đó, giá vàng khó giảm trong năm 2024”, ông Huấn nhận định.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, hiện giá vàng thế giới đang quanh mốc 1.160 USD/ounce và có khả năng tăng lên 2.200 USD/ounce. Theo đó, giá vàng trong nước sớm phá kỷ lục cũ.