Củ sen là một trong những nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Củ sen có vị thanh mát, giòn ngọt, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn giải nhiệt như nộm (gỏi) củ sen, chè củ sen, canh hầm củ sen...
Củ sen chứa lượng lớn sắt nên có tác dụng bổ huyết. Nó cũng giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa, chất polysaccharide và polyphenol có tác dụng phòng chống ung thư.
Theo Đông y, củ sen tươi vị ngọt tính hàn, thanh nhiệt, làm mát máu; còn được dùng để chữa trị bệnh lao phổi, cầm máu cho người hay bị chảy máu cam. Với người lo lắng, mất ngủ hay thần kinh căng thẳng, nước củ sen tươi có tác dụng an thần. Trong khi đó, củ sen chín có lợi cho lá lách và dạ dày, thích hợp cho người già, bổ dưỡng đối với trẻ nhỏ.
Củ sen 7 lỗ và củ sen 9 lỗ loại nào ngon hơn?
Nếu hay mua củ sen về chế biến, người tiêu dùng sẽ nhận thấy củ sen có loại 7 lỗ, có loại 9 lỗ và không khỏi thắc mắc củ sen 7 lỗ và củ sen 9 lỗ loại nào ngon hơn. Thực rế, hai loại này có hương vị và cách chế biến khác biệt, thích hợp cho các món ăn khác nhau.
Củ sen 7 lỗ còn được gọi là củ sen đỏ. Vỏ của nó có màu nâu vàng, bề ngoài dày và ngắn. Sau khi cắt ra, bạn sẽ nhìn thấy bảy lỗ bên trong, khi ăn sống sẽ có vị đắng chát.
Củ sen 7 lỗ thường có các đốt to tròn, ngắn hơn và lớp vỏ hơi sần sùi. Khi cắt đôi ra, bạn sẽ thấy thịt củ có màu hơi vàng hoặc đỏ.
Củ sen 7 lỗ chủ yếu mọc ở ao hồ, hàm lượng tinh bột cao, hàm lượng nước thấp nên khi ăn sẽ cho cảm giác rất mềm và dẻo. Khi cắt củ sen này, các sợi tơ giữa 2 miếng cắt có thể kéo dài ra.
Nhìn chung, củ sen 7 lỗ ăn không có độ giòn nên thích hợp dùng để nấu canh, hầm lấy nước dùng.
Trong khi đó, củ sen 9 lỗ có vỏ ngoài màu trắng bạc, vỏ mịn màng, thuôn dài. Nếu cắt ra, bạn sẽ thấy phần ruột rất trắng, sáng.
Củ sen 9 lỗ có hàm lượng tinh bột thấp, khi ăn có vị giòn ngọt nên rất thích hợp cho các món salad, xào hoặc muối chua.
Củ sen 7 lỗ và củ sen 9 lỗ loại nào ngon hơn? Câu trả lời là tùy thuộc vào món mà bạn định chế biến. Nếu chọn đúng thì loại củ nào cũng ngon.
Về giá trị dinh dưỡng, cả hai loại củ sen không có sự khác biệt, chúng rất giàu protein, vitamin C và B1 và các muối vô cơ như canxi, photpho, sắt.
Cách chọn mua củ sen tươi ngon
Để mua được củ sen tươi ngon, bạn cần lưu ý các yếu tố sau:
Màu sắc
Củ sen tươi ngon tự nhiên sẽ có vỏ ngoài màu vàng kem nhạt, vẫn còn vết bùn đất lấm lem. Bạn không nên mua những củ sen có vỏ ngoài màu trắng vì đây có thể là củ đã bị ngâm hóa chất.
Đốt củ sen
Khi mua củ sen, bạn nên chú ý chọn mua những củ sen có các đốt to tròn và ngắn vì những củ như vậy sẽ có độ béo bùi, hương vị thơm ngon hơn.
Hơn nữa, bạn cũng nên chọn những củ sen có khoảng cách giữa các đốt dài, khoảng cách càng dài thì sen càng chín, khi chế biến sẽ mau chín, có độ mềm và không bị sượng cứng.
Vỏ ngoài
Quan sát bên ngoài củ sen, nếu thấy củ sen tròn đầy đặn, không có vết xước hay lõm thì đó là củ sen ngon.
Ngoài ra, nếu mua củ sen tươi, bạn nên chọn những củ còn dính một chút bùn ẩm trên vỏ. Những củ sen có vỏ ngoài sạch, trắng có thể là loại đã bị xử lý, sẽ không bảo quản được lâu.
Các lỗ trong củ sen
Đối với những củ sen đã cắt đôi, bạn nên lưu ý chọn những củ có các lỗ lớn. Lỗ khí càng to thì củ sen càng chứa nhiều nước, khi nấu ăn sẽ mềm, bùi và thơm ngon hơn.
Những người không nên ăn củ sen
Tuy tốt cho sức khỏe nhưng có những người được khuyến cáo không nên ăn củ sen.
Người dễ bị tiêu chảy không nên ăn củ sen sống
Củ sen sống là loại thực phẩm có tính giải nhiệt nên đối với những người có cơ thể khô nóng, ăn củ sen sống là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư nhược, lạnh bụng và người bị tiêu chảy nếu ăn củ sen sống sẽ làm nặng thêm các triệu chứng trên, lại khó tiêu hóa.
Bà bầu không nên ăn củ sen
Củ sen đặc biệt thích hợp cho người già và trẻ nhỏ, phụ nữ và trẻ em, người ốm yếu, nhất là những người sốt cao, nôn ra máu, cao huyết áp, bệnh gan, chán ăn, thiếu máu do thiếu sắt, suy dinh dưỡng. Nhưng củ sen có tính lạnh nên các bà bầu không nên ăn.
Ngoài ra, do củ sen giàu tinh bột nên người tiểu đường không nên ăn nhiều. Củ sen nhiều chất xơ, người bị chứng kích thích đại tràng, chướng bụng và viêm loét đại tràng nên tránh ăn.