Trong trường lớp, thứ tất cả chúng ta được học chính hàng tá những lý thuyết hàn lâm trên giấy. Học và đọc nhiều lý thuyết, người trẻ dễ nảy sinh sự “ảo tưởng” rằng bản thân am hiểu, thông thuộc cách thức vận hành của mọi thứ.
Tuy nhiên, thực tế luôn khác xa với những thứ chúng ta được học trên sách vở. Công việc thực tiễn luôn phát sinh vô vàn biến số khác xa với lý thuyết mà trong một số trường hợp, chỉ có sở hữu nền tảng kinh nghiệm làm việc dày dặn, chúng ta mới có thể giải quyết chu toàn được.
Người nắm trong đầu nhiều lý thuyết thường dễ dàng “mạnh miệng” hô hào những thông điệp đao to búa lớn, mang tầm vóc lớn lao. Tuy nhiên, khi được hỏi về chi tiết cụ thể để có thể thực hiện những kế hoạch vĩ mô như vậy thì lại ấp úng, ậm ừ.
Chúng ta chỉ thật sự hiểu rõ một vấn đề khi bản thân biết ngọn nguồn câu chuyện cũng như cách thức cụ thể để vận hành vấn đề mình đặt ra. Bàn về câu chuyện cụ thể, vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân vừa có bài chia sẻ mang tên: “CỤ THỂ LÀ SAO EM?”
“Ngồi phản tư hành trình Việt Nam vừa qua, có lẽ câu hỏi mà tôi hỏi nhiều nhất, hỏi từ người lớn đến người nhỏ, từ người làm thuê đến người làm chủ, từ các bạn học sinh, sinh viên đến những bạn đã lao một quãng vào đời, là câu "cụ thể là sao em?"
Môi trường này, xã hội này, chương trình giáo dục này, một cách toàn diện, nhất quán và có hệ thống, đã và đang tạo ra những con người có khả năng phát biểu đanh thép về những điều to lớn mơ hồ khiến người làm Đông Tây các kiểu như tôi bỗng hoang mang về năng lực của bản thân. Cho nên, nghe mãi, nghe mãi, vẫn không hiểu, bèn rón rén hỏi, "cụ thể, ví dụ bây giờ bắt đầu làm, thì mình làm gì em?".
Các bạn ạ, cuộc đời này vốn phức tạp, thế giới này đang trong thế trận biến hóa khôn lường, và tương lai vẫn cứ nhơn nhơn bất định. Thế nên, có lẽ cách tốt nhất để vững vàng bước tới là suy nghĩ thật cụ thể, nói năng thiệt cụ thể, và làm việc vô cùng cụ thể. Khái niệm to tát mơ hồ, xin gởi lại kiếp sau.
Cuối cùng, ý em là sao? Cuối cùng, cụ thể là sao? Cuối cùng, cụ thể là mình sẽ làm gì? Nếu có thể bắt đầu từ câu hỏi cụ thể ấy, chắc mớ bòng bong mơ hồ ta thả rong bên đời sẽ lui cui tự tìm ngõ trốn đi.
Cụ thể là sao em?”.
Thật vậy, câu chuyện mang tên cụ thể là thứ vô cùng quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là dân công sở. Một thông điệp lan man, dông dài sẽ khiến người nghe rối trí, tốn thời gian, thậm chí dễ dàng dẫn đến những sai lệch trong việc hiểu vấn đề.
Thứ chúng ta cần chính là sự khúc chiết, gãy gọn, rõ ràng và cụ thể để thông điệp được hiểu một cách chuẩn xác nhất. Qua đó, công việc sẽ được tiến hành một cách trơn tru, năng suất hơn, hạn chế những sai sót do hiểu lầm gây nên.
Và để rèn luyện được sự cụ thể trong công việc, trước tiên dân công sở cần hiểu một cách đúng đắn nhất vấn đề mà bản thân muốn truyền tải. Sau đó, hãy thử giải thích vấn đề này một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, làm sao mà một đứa trẻ cũng có thể hiểu được.
Tiếp theo, hãy lược bỏ những ý không đáng có, những thông điệp làm câu chuyện trở nên dài dòng, lê thê và khó hiểu. Bên cạnh đó, đừng quên tránh sử dụng những từ ngữ đa nghĩa vì sẽ dễ gây hiểu lầm. Cuối cùng, sau khi thông điệp đã được truyền tải, đừng ngần ngại yêu cầu đồng nghiệp diễn giải vấn đề lại một lần nữa xem họ đã hiểu đúng hay chưa.