Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang khiến nhiều doanh nghiệp ở phía Nam đặc biệt là TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn. Để duy trì được việc kinh doanh trong bối cảnh phòng chống dịch được đặt ra làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ để cứu đứa con tinh thần của mình. Cùng với phương châm "an toàn là trên hết", các doanh nghiệp không phân lớn nhỏ cùng tìm đường "vượt bão" đại dịch bằng cách chuyển đổi sao cho phù hợp với thời cuộc. 

Thông tin hệ thống karaoke iCool bán đồ ăn sau sau hơn 4 tháng ngừng hoạt động mới đây đã khiến người ta không khỏi xôn xao; iCool vốn dĩ là hệ thống karaoke có tiếng ở TP.HCM, cách chuyển đổi này có phần lạ lẫm với rất nhiều người quen gọi "karaoke iCool".

iCool chuyển sang bán bún thịt nướng và đồ ăn văn phòng

Karaoke chuyển qua bán... bún thịt nướng, đồ ăn văn phòng 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện karaoke iCool - chị Đinh Hoàng Thùy Dương cho biết bán đồ ăn mang đi chính là cách doanh nghiệp này "vượt bão" tạm thời vì tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, hệ thống karaoke iCool chỉ hoạt động chưa đến 2 tháng. 

"Chính xác là iCool đã nghĩ đến việc này từ tháng 3 năm ngoái, ở đợt dịch thứ 3. Trước khi có chỉ thị, iCool thời điểm đó nhập hàng về rất nhiều, sau đó Chỉ thị được ban hành, cả hệ thống bị tồn hàng cho nên lúc đó iCool mới quyết định bán online. 

Tình hình khả thi một chút khi hướng này có thể là hướng cầm cự tạm thời cho bên các quán, một số món signature của hệ thống được khá nhiều người ưa thích. Sau đó quán chuyển sang bán thêm một số món khác như mì, nui, cơm, đến đợt dịch thứ 4 này thì bán bún thịt nướng". 

Trong suốt 2 tuần nay, khi UBND thành phố cho phép hoạt động bán hàng trở lại, cứ 4 giờ sáng là một quán trong hệ thống iCool tọa lạc trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) lại sáng đèn, trong đó có khoảng 4 - 5 nhân viên, đầu bếp đang hì hục sơ chế đồ ăn, chuẩn bị cho món bún thịt nướng mở bán vào sáng mỗi ngày ở địa điểm này. 

Bún thịt nướng của iCool gây bất ngờ bởi nó chỉn chu hơn là những gì người ta tưởng, bao gồm thịt, chả, đậu phộng, dưa chua, rau sống,... được đóng hộp và chuẩn bị riêng phần nước chấm đi kèm đũa, khăn giấy. 

Phần bún thịt nướng được đánh giá cao của iCool

Theo chị Dương, ngoài bún thịt nướng bán mỗi sáng, iCool Phan Xích Long còn nhận order đồ ăn văn phòng như sụn gà rang muối, tôm xóc muối Hong Kong, đậu hũ xóc tỏi ớt, mì, nui, cơm... là những món từng nằm trong thực đơn của karaoke iCool.

Nếu trước đây giá bán các món này ở karaoke cao vì phí dịch vụ thì nay nó đã giảm xuống hơn phân nửa để phù hợp với giá mặt bằng chung của các món đồ ăn mang đi. 

Các món signature của iCool cũng được mở bán vào dịp này...

Hệ thống karaoke iCool sở hữu 20 mặt bằng đắc địa với hơn 600 nhân viên nay chuyển qua bán đồ ăn văn phòng để cầm cự, bất ngờ nhất chính là phần menu!  - Ảnh 4.

ICool còn mở bán cơm văn phòng

Hệ thống karaoke iCool sở hữu 20 mặt bằng đắc địa với hơn 600 nhân viên nay chuyển qua bán đồ ăn văn phòng để cầm cự, bất ngờ nhất chính là phần menu!  - Ảnh 5.

1 phần đồ ăn của iCool

Gồng gánh cho 20 mặt bằng đắc địa cùng với 600 nhân viên đã ngừng việc 4 tháng!  

Ảnh hưởng đến doanh thu, doanh nghiệp có thể cầm cự được nhưng câu chuyện về sức khỏe của bộ máy, tinh thần của nhân viên là yếu tố đặt ra một bài toán khác sau bài toán lãi hay lỗ của doanh nghiệp. 

Theo chị Thuỳ Dương, bán đồ ăn mang đi thật ra không cầm cự được nhiều, như muối bỏ biển, nhưng đó như một phương án giữ chân nhân viên theo tình thế "lấy ngắn nuôi dài". 

Toàn hệ thống iCool có hơn 600 nhân viên, nay nơi mở cửa bán bún thịt nướng chỉ sử dụng khoảng 4 - 5 người

"Tính phương án tiết kiệm nhất, iCool chỉ mất 2 - 3 triệu/ tháng vận hành mà trong khi toàn hệ thống iCool có hơn 600 nhân sự, nếu không tạo công ăn việc làm thì các bạn bỏ đi mất", chị Thuỳ Dương nói. 

Hệ thống karaoke iCool đang trụ trên 20 mặt bằng đắc địa trong đó có 18 mặt bằng tại TP.HCM và 2 mặt bằng ở tỉnh. Ngoài tiền thuê mặt bằng, đại diện hệ thống karaoke này cho biết họ còn phải lo lương cho khối văn phòng (kế toán, hành chính nhân sự, bảo vệ), bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc, chi phí điện nước, hỗ trợ nhân viên,...

"Trong thời gian qua hệ thống phải vay mượn nợ rất nhiều để giải quyết bài toán chi phí, riêng Ban Giám đốc iCool đang cố gắng để giữ được 20 đứa con chứ không muốn mất đi đứa con nào nên phải cầm cự, còn nước còn tát", chị Dương chia sẻ.