Cái nghiệp diễn hài, chọc cho người ta cười tưởng dễ như ăn kẹo nhưng cũng hay bị người ta vặn vẹo lắm chứ chẳng chơi. Muốn bền với nghề này ngoài cái tài ra còn cần cái duyên nữa, không phải cứ cố là được đâu. Như có những người vừa bước chân vào làng hài, trước đó chưa từng là diễn viên, cũng chưa là gì cả, thế mà chọc được cho cả làng cười, hay lắm giáo sư Cù Trọng Xoay!

Nhớ một dạo, mà dạo gì nữa, cũng phải 3,4 năm có lẻ rồi, chương trình Thư giãn cuối tuần trở lại phát sóng trên VTV3 với “cái vỏ” mới. Trước giờ hài vẫn là món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc tinh thần của ta, khổ một nỗi quanh đi quẩn lại vẫn thế, tiếng cười có phần nhàn nhạt, nhưng dân tình vẫn ngước cổ hóng xem sao.

Mà quả thật là lạ, lạ từ cái tên “Hỏi xoáy, đáp xoay”, nghe mấy thứ vần vần bao giờ cũng thấy lọt tai hơn là mấy câu trúc trắc, hẳn là có thêm chút cảm tình. Anh dẫn chương trình là Xuân Bắc, à ừ, gương mặt quen nhưng may mà chưa cũ, song chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ! Còn có điều mới mẻ hơn…

Rồi dân tình thấy xuất hiện một "ông" lạ hoắc trên tivi, đầu tóc như của thời những năm bảy mấy, cặp kính cận to đùng, mặt mũi… lơ nga lơ ngơ đúng kiểu giáo sư nhiều chữ. Hóa ra là giáo sư thật, lại còn tên Cù Trọng Xoay! Cái tên thì rõ khác người, thế mà chưa nói câu gì, chỉ mỗi cái tên với mặt thôi đã đủ khiến người ta che miệng cười. Được!

Vậy mà được thật, không, thậm chí còn trên cả được ấy chứ, khi giáo sư Xoay ấy đã trở thành một hiện tượng gây bão thời bấy giờ. Chẳng vì scandal, cũng chẳng phải vì ngoại hình lung linh hay cái gì to tát, cứ thế là bác “nổi”, “nổi” vì có quá quá nhiều người khâm phục và yêu mến cái sự hay ho, cái duyên của bác mỗi khi làm người ta cười.

Mỗi tập “Hỏi xoáy, đáp xoay” chỉ vẻn vẹn chưa đầy chục phút, nhưng rất nhanh chóng, hình ảnh ông giáo sư với cặp kính cận to đùng và những phát ngôn bất hủ đã chiếm được cảm tình của đại đa số những người ngồi trước tivi. Chương trình chỉ đơn thuần là cuộc hỏi đáp qua lại, tung hứng dí dỏm giữa Trần Xoáy (Xuân Bắc) và giáo sư Xoay về đủ thứ trên đời, thậm chí có những điều tưởng như vô cùng ngớ ngẩn nhưng không ai nhịn được cười. Cũng vì trước giờ giáo sư thì có nhiều, thâm thúy cao siêu cũng không thiếu nhưng chưa từng có vị nào lại vừa hài hước, “uyên thâm”, sâu cay như GS. Xoay.

Có lẽ vì “đến từ Đại học Bôn Ba”, “chuyên nghiên cứu lĩnh vực tổng hợp” nên vốn sống của giáo sư có phần sâu rộng và sát “sít sìn sịt” với cuộc đời thế ư? Bác Xoay là một kẻ tức cười! Khuôn mặt tức cười, dáng vẻ tức cười, lối nói chuyện tức cười, cách dùng từ dù để diễn giải hay châm biếm cũng rất tức cười. Nhưng cái giáo sư Xoay mang lại không phải kiểu hài ăn xổi, cười cái rồi quên. Bác Xoay khéo léo đặt những điều tưởng như vô nghĩa cạnh những vấn đề đáng nói, móc nối những thứ cực sâu cay vào những điều mà ai sống hời hợt cũng phải gật gù khen bác đúng. Như chính giáo sư quan niệm: “Thư giãn rộng hơn việc chỉ dừng lại cười vui. Nội dung chương trình lúc thì nhảm nhí, lúc thì nghiêm túc, lúc thì triết lý, lúc lại rất ngây ngô khiến khán giả ở nhiều độ tuổi đều xem được” .

Tiếng cười của giáo sư đem đến có một nét văn minh riêng, và thực sự mới mẻ. Không cần những lời đao to búa lớn, đạo lý, giáo điều, với tinh thần “ đôi khi nói lên những điều khiến người ta trăn trở, người ta bức xúc và tìm một hướng giải quyết khác cho nó cũng là một cách giúp mọi người thư giãn” , Cù Trọng Xoay đã tự tay viết kịch bản, tự tung hứng với chính mình, rồi cũng tự truyền tải những mẩu chuyện đó đến người xem bằng một phong thái tưng tửng và rất… xoay!

Hồi đó, hiếm có ai được như Cù Trọng Xoay. Khi những nhân vật có tên tuổi khác, được xếp hẳn hạng sao, vẫn chưa đông fan trên mạng xã hội thì GS. Cù Trọng Xoay đã trở hữu hơn một triệu like cho Fanpage. Một con số quá sức ấn tượng, chứng tỏ bác chẳng phải dạng vừa! Hồi đó, cũng chỉ có những câu nói bất hủ của giáo sư mới đủ sức kéo nhiều người đặc biệt là sinh viên, học sinh ngồi trước tivi đều đặn như thế.


Fanpage của giáo sư có hơn 1 triệu người like

Và cũng chính sức ảnh hưởng cực lớn của nhân vật Cù Trọng Xoay đã khiến người ta gần như quên béng đi đây chỉ là một nhân vật hư cấu do Đinh Tiến Dũng thủ vai. Đến nỗi giờ thấy mặt Đinh Tiến Dũng ở đâu thì mọi người vẫn chỉ gọi anh bằng cái tên giáo sư Xoay đầy thân mật.

Tốt nghiệp chuyên ngành Cây trồng của trường ĐH Nông nghiệp I, Đinh Tiến Dũng dường như chẳng có chút gì liên quan nghệ thuật. Thế nhưng cái duyên hài bắt đầu “bén” lấy anh trong một lần đóng tiểu phẩm, từ đó anh bắt đầu tham gia viết kịch bản cho khá nhiều chương trình lớn nhỏ, trong đó có Gặp nhau cuối năm và chuyên mục “Hỏi xoáy, đáp xoay” này.

Tự mình nhận vai giáo sư Xoay với ngoại hình “ngộ chữ” ngơ ngơ, trong lúc đang nhận được rất nhiều sự yêu mến và ủng hộ của khán giả xem truyền hình thì anh quyết định rút lui vì thấy mình không còn… hài được nữa. Từ đó đến giờ cũng ngót nghét gần 2 năm, nhưng cái tên Cù Trọng Xoay vẫn khiến người ta “nghe thấy là cười” và khó ai quên được hình ảnh “ông giáo sư” diễn hài ấy. Bản thân Đinh Tiến Dũng cũng vẫn là người được giới trẻ cực kỳ mến mộ.

Vậy mới nói, hài nếu chỉ dừng lại ở việc cười một cái là quên thì nhạt lắm! Muốn chọc cho người ta cười, muốn khiến người ta nhớ mình thì bắt buộc phải đào sâu tìm tòi và hoạt động thật nghiêm túc. Như giáo sư Xoay một thời khiến người ta cười nghiêng ngả, đi ra khỏi tiết mục hài rồi vẫn mãi là một hình ảnh cho dù dùng tẩy để xóa cũng khó mà mờ được trong đời sống giải trí của không hề ít người thời nay…