Thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn, bạn sẽ làm gì? Nếu thừa rau dưa củ quả, có khi bạn cũng tặc lưỡi đành đổ đi. Nhưng thừa thịt thừa cá, hầu như ai cũng giữ lại. Tất nhiên rồi, sinh ra cái tủ lạnh để bảo quản đồ ăn thức uống kia mà.
Nhiều người sẽ cất thịt cá đã nấu chín còn thừa vào tủ lạnh để ăn cho bữa sau bằng cách dùng màng bọc thực phẩm bọc lại. Ăn ngay sau bữa kế tiếp thì không ai nói làm gì. Nhưng vì tiếc rẻ, nhiều mẹ nội trợ vẫn giữ lại, có khi đĩa thịt có vài miếng mà cứ lay lắt mang ra mang vào, vài hôm liền mới ăn hết.
Không có gì phải lo lắng, bởi chúng ta có màng bọc thực phẩm. Đồ ăn còn thừa sau mỗi bữa chỉ cần bọc kín bằng màng bọc thực phẩm vậy là quá ổn, cất vào tủ lạnh là yên tâm sử dụng cho bữa sau. Bữa sau không hết, chúng ta lại quay vòng bảo quản trong tủ lạnh bằng màng bọc thực phẩm... Cứ thế, bạn vừa tiết kiệm thức ăn vừa yên tâm đồ ăn đảm bảo chất lượng.
Nhiều người đang nghĩ như vậy. Tiết kiệm thức ăn thì đúng rồi. Thế còn đồ ăn có đảm bảo chất lượng hay không? Chuyên gia khẳng định không có gì đảm bảo đối với thức ăn chín để tủ lạnh ăn ròng rã từ bữa này sang bữa khác.
Thức ăn còn thừa để tủ lạnh - Nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn, dễ ngộ độc, lâu dài có thể gây ung thư
Theo CDC (Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ), thức ăn thừa càng để lâu trong tủ lạnh càng tạo nhiều cơ hội cho vi khuẩn phát triển.
Thức ăn thừa cũng chứa chất bảo quản tương tự như thực phẩm đóng gói để tránh hư hỏng và ô nhiễm, sau khoảng 2 giờ để bên ngoài là nên vứt bỏ chứ không tùy tiện để ăn từ ngày này sang ngày khác. Khi được bảo quản trong tủ lạnh, thức ăn thừa cũng nên tiêu thụ hết trong ngày, tránh reo rắc mầm bệnh cho mọi người.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thói quen bảo quản thịt chín hay đồ ăn chín nói chung trong tủ lạnh nhằm tránh lãng phí có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Quá trình bảo quản này có thể khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn, do trong tủ lạnh thường để rất nhiều loại thực phẩm sống - chín, sản phẩm chế biến rồi, sản phẩm sơ chế rất dễ bị nhiễm chéo vi khuẩn. Không sớm bị ngộ độc thực phẩm thì thói quen ăn uống này cũng khiến bạn sớm bị ung thư.
"Một số đồ ăn thừa như rau chín, trứng rán thịt, trứng đúc thịt, canh cua… không nên lưu lại trong tủ lạnh qua đêm vì sẽ sinh ra chất độc gây hại cho cơ thể. Các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, cá nếu để lâu trong tủ lạnh rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập", ông Thịnh cho hay.
Màng bọc thực phẩm sẽ biến thành mầm bệnh nếu không dùng đúng cách
Nhiều người tự tin cho rằng dùng màng bọc thực phẩm thì yên tâm hoàn toàn với món ăn nấu chín để tủ lạnh cũng cần thay đổi nhận thức. Theo ông Thịnh, ngay cả loại màng bọc thực phẩm được sản xuất bằng nhựa PE vốn được đánh giá là có chất lượng đảm bảo cũng không nên lạm dụng vì vẫn có nguy cơ thôi nhiễm ra thực phẩm.
Chúng ta nên dùng hết sau khi để thực phẩm vào tủ lạnh 1-2 lần, hạn chế tối đa để thực phẩm qua đêm. Việc lôi ra rồi lại bọc màng bọc thực phẩm bỏ vào dùng nhiều lần sau còn khiến vi khuẩn sản sinh nhanh, lúc này không chỉ là khả năng thôi nhiễm mà còn chính thực phẩm cũng bị vi khuẩn xâm hại.
"Màng bọc PE dạng mềm, trong suốt từng được ca ngợi trong an toàn thực phẩm thì đến bây giờ liệu có còn tuyệt đối an toàn hay không, câu trả lời là không", chuyên gia khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, để hạn chế tối đa những rủi ro từ việc sử dụng màng bọc thực phẩm, người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm của thương hiệu có uy tín, đã đăng ký, kiểm tra chất lượng với cơ quan quản lý.
Ngay cả với màng bọc thực phẩm uy tín, chất lượng cũng cần hạn chế dùng bọc thức ăn khi còn quá nóng. Hạn chế bọc thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Đặc biệt nghiêm cấm bọc màng khi quay thịt trong lò vi sóng. Và tất nhiên cần hạn chế tối đa việc bảo quản thịt chín cũng như đồ ăn thừa nói chung trong tủ lạnh để tránh bệnh mãn tính như ung thư về lâu dài.