Đối với giáo viên, cảm lạnh cũng là một phần của công việc. Vì vậy, khi Jeanine Pucci, bị ho vào đầu mùa thu năm 2013, cô cho rằng mình đã lây bệnh từ một trong những học sinh trong lớp.

Tuy nhiên, trận ho dường như không biến mất. Sau khoảng 2 tháng ho dai dẳng và do bạn bè giục giã quá nhiều, cuối cùng cô đã đến một phòng khám đa khoa để khám. Tại đây cô được chụp X-quang ngực và phát hiện thấy một khối lạ trên phổi.

Cứ tưởng ho dai dẳng là bệnh nghề nghiệp, nữ giáo viên sốc khi biết nguyên nhân kinh khủng hơn nhiều - Ảnh 1.

Một bác sĩ tại phòng khám sau đó nói với cô rằng cô bị ung thư phổi giai đoạn IV và đã lan đến xương. Tin tức, được đưa ra chỉ vài ngày trước Lễ Tạ ơn. Đây thực sự là một điều gây sốc vì không những căn bệnh đã phát triển ở giai đoạn rất nặng mà còn vì Pucci không phải là người hút thuốc.

"Tôi đã tránh xa thuốc lá cả đời. Tôi thậm chí không thể nhìn vào cái gạt tàn. Tôi thậm chí chưa bao giờ thử một điếu thuốc", cô nói.

Ung thư phổi - bệnh không phải chỉ gặp với người hút thuốc

Thật không may, trường hợp của Pucci không phải là duy nhất: 16.000-24.000 người Mỹ không hút thuốc chết vì ung thư phổi mỗi năm và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ không hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới không hút thuốc, mặc dù lý do vẫn còn chưa rõ ràng. Nếu ung thư phổi ở những người không hút thuốc được coi riêng là 1 loại ung thư thì theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nó sẽ được xếp hạng trong số 10 bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở đất nước này.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu phát triển các xét nghiệm từ hơi thở và máu, nhưng hiện tại không có phương pháp tiêu chuẩn để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu. "Trên thực tế, hầu hết các chẩn đoán ung thư phổi sớm đều là tình cờ", tiến sĩ Albert Rizzo, trưởng khoa chăm sóc phổi tại Bệnh viện Christiana ở Newark, Del biết. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT) vì những lý do khác và ung thư được tìm thấy trong quá trình này.

"Đó là lý do tại sao cần có những sàng lọc ung thư phổi cho một người có nguy cơ cao là điều vô cùng quan trọng, nếu không, chúng ta không có cách nào sàng lọc những người không có triệu chứng", anh nói.

Cứ tưởng ho dai dẳng là bệnh nghề nghiệp, nữ giáo viên sốc khi biết nguyên nhân kinh khủng hơn nhiều - Ảnh 2.

Phương pháp sàng lọc điển hình là chụp CT hàng năm. Những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn bao gồm những người trong độ tuổi từ 55-80 có tiền sử hút thuốc hoặc ung thư phổi trong gia đình. Tiếp xúc với khí radon, amiăng, crom, niken và khói thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ ở một người. Yếu tố dân tộc và giới tính cũng được xếp vào nhóm danh sách này. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, phụ nữ da trắng và nam giới da đen có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với các nhóm chủng tộc khác.

Nhưng đối với những người không có nguy cơ cao, các triệu chứng dường như quá đỗi bình thường đến nỗi nhiều người không nhận ra, chẳng hạn như ho khan hay đau lưng giống như triệu chứng của Pucci. "Điều này có nghĩa là nhiều bệnh nhân không đến thăm bác sĩ của họ ngay lập tức. Vào thời điểm một bệnh nhân nhận được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, điều đó thường có nghĩa là ung thư đã ở giai đoạn phát triển", bác sĩ Rizzo nói.

"Một người ho dai dẳng mà không rõ nguyên do thì nên đi khám sớm bởi vì một triệu chứng như thế không nên bỏ qua", ông nói thêm.

Có thể điều trị nhưng chỉ trong một thời gian

Ung thư phổi của Pucci có đột biến gen ALK, có nghĩa là có một protein bất thường chỉ đạo các tế bào ung thư phân chia và lây lan. May mắn thay, đột biến này có thể được điều trị bằng thuốc ngăn chặn protein truyền tín hiệu đến các tế bào. Nhưng cũng thật không may, hiện tại chỉ có hai phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm vào đột biến gen ALK và bệnh nhân có thể phát triển đề kháng với chúng theo thời gian.

Cơ thể Pucci đã kháng thuốc lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2014. Gần đây cô bắt đầu dùng loại thuốc khác và khối u của cô đã giảm đáng kể. Cô hy vọng sẽ có thêm 8-10 tháng nữa trước khi phát triển đề kháng với lần điều trị thứ hai và hy vọng trong thời gian thêm đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra cách khác để nhắm tới mục tiêu đột biến gen ALK.

Trong khi đó, Pucci sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về bệnh ung thư phổi. Cô đang tham gia tổ chức LUNG FORCE Walk tại thành phố New York vào ngày 16 tháng 5 năm 2015, với tư cách là đội trưởng. Cô cũng thường xuyên kêu gọi phụ nữ hãy chủ động bảo vệ sức khỏe phổi của mình.

Cứ tưởng ho dai dẳng là bệnh nghề nghiệp, nữ giáo viên sốc khi biết nguyên nhân kinh khủng hơn nhiều - Ảnh 3.

40% người Á châu mắc bệnh ung thư phổi không do hút thuốc

Tuy những người hút thuốc có nguy cơ bị bệnh cao hơn, ai cũng có thể bị ung thư phổi - ngay cả người không hút thuốc. Thật vậy, theo số liệu năm 2015 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, 40% người Á châu mắc bệnh ung thư phổi không do hút thuốc. Đó là vì ung thư phổi gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác, như ngửi khói của người hút thuốc, khí radon và đột biến gen.

Các triệu chứng của ung thư phổi là gì?

Các dấu hiệu của ung thư phổi có thể dễ lầm với triệu chứng của bệnh cúm hoặc viêm phế quản, vì vậy quý vị phải rất cẩn thận đối với tình trạng sức khỏe của mình. Quý vị càng biết sớm về ung thư phổi càng tốt. Nếu bạn là người Á châu từ 55 tuổi trở lên, bạn cần nói chuyện với bác sĩ nếu thấy có những triệu chứng sau đây:

- Ho dai dẳng mà không bớt

- Ho dai dẳng và có ho ra máu

- Xuống cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân

- Bị thiếu sinh lực bất thần, hoặc luôn luôn có cảm giác mệt mỏi

Các loại ung thư phổi

Ung thư phổi có thể được chia thành 2 loại, loại ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer, SCLC) và loại ung thư phổi tế bào không nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer, NSCLC). Loại NSCLC là loại thường hay xảy ra nhất—85% tất cả các trường hợp chẩn đoán ung thư phổi đều thuộc loại NSCLC. Hai loại ung thư phổi này được điều trị bằng những phương pháp khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải xác định xem quý vị bị loại ung thư phổi nào.