Vào mùa hè, một bát canh cua đồng kết hợp với những loại rau tươi ngon như rau ngót, rau đay, rau dền… chắc chắn là sự lựa chọn hoàn hảo cho mâm cơm gia đình. Không chỉ được dùng để nấu canh, cua đồng còn được dùng để chế biến đa dạng các món ăn như miến cua đồng, bánh đa cua, cháo cua đồng, bún riêu cua, cua đồng rang… đều rất ngon miệng.
Cua đồng xứng đáng được mệnh danh là "thuốc quý" bởi chúng chứa nhiều canxi, glucid, sắt, phosphor, protid, cùng các axit amin quý báu như lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threoninne và trytophane. Trong Đông y, cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có công dụng bồi bổ sức lực, tán huyết, bổ gân xương, tăng lực, nâng cao sức dẻo dai.
Những thực phẩm đại kỵ với cua đồng
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), cua đồng bổ dưỡng là vậy nhưng có thể sinh độc nếu kết hợp cùng những thực phẩm dưới đây.
- Mật ong: Cua đồng cũng là thực phẩm đại kỵ nấu chung với mật ong. Nguyên nhân là do cua đồng thuộc tính hàn, mật ong thì đại nhiệt, nếu ăn chung sẽ tạo thành phản ứng kích thích hệ tiêu hóa, gây tình trạng tiêu chảy, nặng hơn là dẫn đến ngộ độc thực phẩm, cực kỳ nguy hiểm.
- Khoai tây, khoai lang: Gia đình bạn tuyệt đối không nên nấu khoai tây, khoai lang cùng cua đồng vì 2 loại củ này có chứa một lượng lớn axit phytic còn cua thì lại giàu canxi, kết hợp sẽ làm tăng nguy cơ kết sỏi, tạo thành sỏi thận, nguy hiểm hơn là gây suy thận, viêm thận.
- Các loại quả giàu vitamin C như cam, bưởi, lê… ăn cùng với cua đồng sẽ tạo thành chất kết tủa, gây tổn hại hệ tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.
- Cá chạch: Cua và cá chạch kỵ nhau, nếu lỡ ăn cùng nhau rất dễ gây ngộ độc cấp dẫn tới nôn mửa, tụt huyết áp…
- Dưa bở, dưa lê: Đây là 2 loại quả tính hàn, nếu ăn chung với cua vốn cũng là thực phẩm tính hàn sẽ gây lạnh bụng, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy.
- Nước trà: Chuyên gia khuyên không nên dùng nước trà để chế biến cua. Đồng thời trong và sau khi ăn canh cua khoảng 1 tiếng cũng không nên uống nước trà. Vì khi vào cơ thể trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí còn dẫn đến đau bụng đi ngoài.
Lưu ý khi ăn canh cua đồng
- Cua đồng vốn có tính hàn, hạn chế sử dụng cho những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm.
- Theo lương y Vũ Quốc Trung, những người dị ứng với cua thì không nên ăn canh cua đồng vì có thể gây sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu. Ngoài ra, những người bị hen, bị gút, bị đau bụng tiêu chảy cũng nên hạn chế ăn món này.
- Không nên chọn cua đã chết để nấu canh. Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn.
- Cua cần được nấu chín. Những con cua sống chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh như sán lá phổi, nếu đi vào cơ thể sẽ tấn công lá phổi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Thực tế, đã có không ít trường hợp được ghi nhận phải nhập viện điều trị do tiêu thụ sán lá phổi.
- Cua đồng không nên nấu đi nấu lại nhiều lần vì không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể thịt cua bị biến chất, gây độc.