Ngày 11/1, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cho biết các đoàn thanh tra, kiểm tra đang trong quá trình lấy mẫu thực phẩm trên thị trường để xét nghiệm. “Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm trả kết quả sớm, ưu tiên kết quả các đoàn thanh tra kiểm tra gửi để nếu không đạt phải thông báo ngay để dừng sản xuất, thu hồi sản phẩm. Kết quả ban đầu chúng tôi thấy các số mẫu đa số đạt, chưa phát hiện sản phẩm gửi về trung ương không đạt. Nếu không đạt đoàn cũng chủ động thu hồi sản phẩm”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Trong đợt thanh, kiểm tra mới đây tại các cửa khẩu đối với mặt hàng có nguồn gốc động vật các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các lò mổ, cơ sở chứa sản phẩm đông lạnh cũng phát hiện một số sản phẩm hết hạn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chỉ tiêu an toàn vi sinh và chỉ tiêu khác đã bị cơ quan chức năng dừng lưu thông thu hồi và có thể bị tiêu hủy thời gian tới.

Đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm

Để đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân khi mua và sử dụng bất kì sản phẩm nào thì việc đầu tiên phải xem nguồn gốc xuất xứ, tiếp đó sử dụng, bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

“Rất nhiều trường hợp hạn còn nhưng bảo quản sai, ví dụ yêu cầu bảo quản lạnh nhưng người tiêu dùng không bảo quản lạnh dẫn đến tình trạng hạn sử dụng còn nhưng biến chất, khi ăn có thể bị ngộ độc”, ông Phong nói.

Chuyên gia cảnh báo dịp Tết, lễ hội phía Bắc thời tiết hay có mưa xuân ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng các hạt dẻ dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe. Phía Nam dịp Tết nhiệt độ cao dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ dẫn đến tình trạng bị ôi thiu, mốc hỏng…

“Đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Chúng ta xác định chơi tết nghỉ xuân không như ăn Tết thời bao cấp nên chúng ta lưu ý hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất để đón Tết vui vẻ, ý nghĩa về văn hóa và đảm bảo sức khỏe”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Phòng tránh ngộ độc rượu, bia

Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…

TS. Nguyễn Quốc Anh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo phòng tránh ngộ độc rượu bằng cách: hạn chế uống rượu bia, chỉ uống có điều độ những sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ.

Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, các loại rượu chưng cất thủ công. Bởi lẽ những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.