Cúm A là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp, thường do nhóm virus A là nguyên nhân gây bệnh chính. Cúm A lây lan tương đối nhanh và thường diễn biến phức tạp hơn ở trẻ em. Nếu trẻ nhỏ mắc cúm A thì có khả năng cao sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh và những biến chứng nguy hiểm của cúm A
Thường thì cúm A sẽ có biểu hiện lâm sàng là sốt, nhức đầu, đau mình mẩy, hắt hơi, chảy nước mũi. Tuy nhiên nếu có sốt cao hoặc không được xử trí kịp thời thì cơ thể sẽ mất nước, li bì, rối loạn điện giải, thậm chí một số trẻ còn có biểu hiện co giật. Sốt do cúm A sẽ đi kèm các triệu chứng như viêm họng nhẹ, đôi khi sẽ hắt hơi, ho. Cảm giác nghẹt mũi kéo dài vài ngày,... Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan.
Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính.
- Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
- Cúm A có thể kéo các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
- Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.
- Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.
- Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.
Làm gì để không bị lây nhiễm cúm A?
Sốt do cúm A hoàn toàn có thể lây lan nhanh chóng giữa người với người, đặc biệt là thời gian lây sang trẻ em còn nhanh hơn vì sức đề kháng của trẻ còn yếu.
Con đường lây lan chủ yếu của sốt do cúm thường là qua đường nước bọt hoặc dịch nhầy mũi khi người khỏe tiếp xúc với người bệnh khi họ ho và hắt hơi. Các dịch cơ thể của người bệnh có chứa virus nhóm A và xâm nhập sang cơ thể người khác. Chúng sẽ phát triển cực kỳ nhanh chóng để tiếp tục gây bệnh cho cơ thể khỏe mạnh.
- Để phòng bệnh cúm cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.
- Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang.
- Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…
- Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng.
-Tiêm vaccine phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.