ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là loại chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển.
ChatGPT là một sản phẩm của AI (trí thông minh nhân tạo) với kho kiến thức rộng lớn. Thời gian gần đây, nó khiến thế giới "phát sốt" vì quá thông minh. ChatGPT có thể trò chuyện, tạo văn bản, tạo ra những hình ảnh và video mới. Thậm chí, truyền thông quốc tế cho hay ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì.
ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là trả lời nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Điều đó khiến nhiều người cho rằng với sự thông minh này trong tương lai AI có thể thay thế cho cả bác sĩ.
Trải nghiệm hỏi đáp về sức khỏe trên ChatGPT
Để trải nghiệm xem ChatGPT có thể giải đáp các vấn đề liên quan đến sức khỏe hay không và độ chính xác như thế nào. Chúng tôi đã thử đưa ra một vài câu hỏi liên quan đến bệnh ung thư, đây đều là những vấn đề sức khỏe nhiều người quan tâm.
Trải nghiệm cho thấy: ChatGPT trả lời các vấn đề khá nhanh, đúng trọng tâm và mạch lạc.
Trải nghiệm hỏi đáp về sức khỏe trên ChatGPT. Chatbot trả lời khá nhanh.
Chưa bàn đến việc đúng hay sai về mặt kiến thức, trong quá trình trả lời câu hỏi loại chatbot này liên tục bị lỗi vì lý do quá tải. Do đó đối với những trường hợp cần hỏi đáp kiến thức sức khỏe khẩn cấp như sơ cứu như thế nào, dấu hiệu nào cần đi viện... thì chúng tôi đánh giá là chưa thực sự an toàn và hiệu quả nếu như người bệnh quá trông chờ vào chúng.
Bác sĩ đánh giá thế nào về tính ứng dụng của ChatGPT đối với sức khỏe?
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi (Bệnh viện Việt Đức) đánh giá về ChatGPT như sau: "Tôi đã đọc một số câu trả lời của ChatGPT về vấn đề ung bướu, tôi thấy nó khá đúng, dễ hiểu, thông tin rất đơn giản.
Tất nhiên nó không hoàn toàn thay thế được bác sĩ. Thật ra về mặt chuyên môn, thì cứ có đủ dữ liệu là có thể đưa ra chỉ định. Tuy nhiên, việc điều trị nhiều khi lại là một 'nghệ thuật', nghĩa là kết hợp từ kiến thức chuyên môn đến các vấn đề tâm sinh lí xã hội. Mà máy móc thì làm gì có tình cảm đâu!.
Với tôi, thì việc dùng AI cũng giống như giai đoạn Internet mới bùng nổ. Mọi người đều có quyền tự do tìm hiểu, nhưng tất nhiên phải có chọn lọc. Bây giờ có AI thì cũng vậy, vẫn phải có chính kiến bản thân chứ. Tôi vẫn thích nói chuyện với con người hơn cái máy".
Trả lời về câu hỏi mọi người có nên sử dụng loại chatbox này để hỏi đáp các vấn đề liên quan đến bệnh, thậm chí là nhờ nó kê đơn thuốc, hay là cho lời khuyên về sức khỏe không. Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi cho hay: "Chatbox nói chung chỉ để tham khảo, chứ điều trị, kê đơn nó là sức khỏe, quyền lợi bản thân mà lại để máy điều trị thì hơi rủi ro".