Thanh lấy chồng 3 năm nhưng chưa có con. Vợ chồng cô cũng chạy chữa khắp nơi mà tin vui chưa tới. Sang năm thứ 4, Thanh cùng chồng đến viện để nhờ can thiệp y khoa để sinh em bé. Và thật may mắn, sau lần đó, vợ chồng cô đã có thai.

Cùng khoảng thời gian đó thì em gái chồng cô là Hằng cũng có thai. Cả nhà ai cũng vui lắm vì gia đình sắp được đón thêm 2 thành viên mới. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Hằng xin về nhà ở với lý do nghén nhiều, cần được ở gần mẹ đẻ để bà chăm sóc. Mọi sự khó chịu, ngột ngạt bắt đầu phát sinh.

Cùng bầu bí nhưng mẹ chồng Thanh chỉ chăm sóc cho con gái còn phận làm dâu như Thanh bị bà bỏ bẵng. Ngay từ khi mới bầu, bà nói với Thanh rằng: "Con thích ăn gì thì ăn, mẹ không biết con ăn gì đâu mà nấu nướng, mua bán nhé!". Câu nói tưởng chừng là quan tâm nhưng thật chất lại là sự phủi trách nhiệm, không liên quan của bà mẹ chồng đối với nàng dâu.

Tưởng bà vụng về không biết chế biến các món bổ dưỡng cho bà bầu nên nói vậy, hóa ra bà nào có vụng. Con dâu thì bà nói như vậy nhưng cô con gái cưng về ở thì được bà chăm sóc đủ món, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.

Từ những sinh hoạt hàng ngày, mọi chuyện càng ngày càng khó chịu. Mẹ chồng Thanh lúc nào cũng chỉ chăm chăm lo cho con gái còn đứa con dâu như cô bà gần như không quan tâm gì đến. Nghĩ tủi thân lắm, Thanh ca thán với chồng nhưng anh cũng chỉ biết động viên thôi chứ không dám ý kiến gì vì sợ bà phật lòng.

Cùng bầu bí nhưng mọi việc cơm nước, dọn dẹp đều do Thanh làm, còn cô em chồng thì được nghỉ ngơi vì sợ ảnh hưởng tới đứa bé. Cùng bữa cơm, nhưng cô em chồng lúc nào cũng có món riêng tẩm bổ, còn Thanh không được đoái hoài gì tới.

Thanh tủi thân muôn phần, nhưng cô không cam chịu như 1 số người khác. Cô may mắn bầu bí khỏe mạnh, không bị nghén nên cô chủ động ăn uống tẩm bổ cho bản thân rất chu đáo. Trong bữa cơm, bà mẹ chồng mang gà hầm ra cho con gái thì Thanh cũng phải mang chim câu ra ăn. Cứ như thế, Thanh càng chọc tức mẹ con bà.

Đến hôm vừa rồi, mẹ chồng Thanh không may bị cảm, nằm bệt mất gần tuần. Kết quả là cô con gái tiểu thư của bà cũng chẳng có cái gì mà ăn uống, tẩm bổ. Thanh cao tay, mua nhiều đồ hơn để khi ăn thì mời cả cô em chồng cho bà mẹ chồng sáng mắt ra. Thanh biết mẹ con nhà họ ngượng lắm nhưng cô vẫn làm. Đó coi như lời cảnh báo cho cái thái độ phân biệt đối xử của bà mẹ chồng.

Tưởng sau lần đó, mẹ chồng Thanh biết điều hơn, hóa ra bà ấy vẫn chứng nào tật đấy. Vì chưa có điều kiện ra ở riêng, nên đại gia đình Thanh vẫn chung sống trong cùng mái nhà. Vợ chồng cô lúc đầu ở tầng 2, nhưng sau khi cô em chồng về nhà ở dưỡng thai thì bà mẹ chồng ngỏ ý muốn vợ chồng cô nhường phòng cho con gái bà. Bà nói lý do: "Em nó mới có thai, người lại gầy còm ốm yếu nên nhường cho nó tầng thấp hơn cho đỡ phải đi lại". Thanh cũng có phần không được thoải mái nhưng nghĩ bà nói cũng đúng. Vả lại, cô cũng qua được 3 tháng đầu rồi nên nhường phòng cho em ấy cũng được. Vậy là vợ chồng Thanh dọn lên tầng 3 ở.

Tuần trước, Thanh không may ngã cầu thang và bị động thai. Cô vừa từ phòng cấp cứu ra, bà mẹ chồng lúc đó cũng có mặt, thấy con dâu, bà chẳng được lời hỏi thăm, lại phán câu điếng lòng khiến cô giận tím mặt.

Bà nói: "Nhà có 2 chị em cùng chửa, đứa nào kém may mắn hơn thì đứa ấy phải gánh. Giờ con bị thế này, chi bằng bỏ luôn cái thai rồi tính tiếp. Chứ cứ để nhỡ sau này con cái không khỏe mạnh, mà cùng chửa với cái Hằng, nó cũng bị ảnh hưởng".

Thanh uất nghẹn khi nghe thấy lời khuyên của bà mẹ chồng quý hóa. Bà có biết bao công sức vợ chồng cô mới có được ngày hôm nay không? Hơn nữa, cái thai cũng chỉ bị động nhẹ, bác sĩ cho thuốc và về nhà nghỉ ngơi là được mà bà nỡ nói vậy. Thật không thể ngờ với những lời mà bà mẹ chồng cô vừa thốt ra. Chẳng nhẽ, bà mong vợ chồng cô mất con? Tại sao bà có thể có suy nghĩ độc ác đến thế? Phúc ai người ấy hưởng, làm sao bà lại trù ẻo mẹ con Thanh như vậy?

Sau 1 hồi ấm ức, dù còn nằm trên giường bệnh, Thanh cũng phải nói cho bà biết: "Thưa mẹ, phúc ai người ấy hưởng mẹ ạ! Chưa nói là cô Hằng đã đi lấy chồng, phúc của cô ấy phụ thuộc bên nhà chồng cô ấy, chứ đâu còn ở nhà mình. Nếu mẹ sợ, con gái mẹ ở cùng con bị kém phúc thì mẹ nên bảo cô ấy về lại nhà chồng cô ấy ở cho an toàn. Chứ ở nhà mình, các cụ nhà mình sẽ phù hộ cho cháu nội trước rồi mới nhìn tới cháu ngoại đấy!".

Bà mẹ chồng được một phen bẽ mặt trước mọi người, từ hôm sau không dám vác mặt vào viện nữa. Mấy hôm sau xuất viện, bà ấy cũng cố tỏ ra quan tâm Thanh hơn, chẳng biết độ thật lòng của bà đến đâu nhưng ít ra điều đó cũng làm bà bầu là Thanh đỡ ấm ức và sống thoải mái.