Trong hoàng cung thời cổ đại của Trung Quốc, cung nữ (thị nữ hay a hoàn) là tầng lớp có số lượng áp đảo vì họ là những người đảm nhiệm các công việc tạp vụ, giặt giũ, bưng trà nước và lo việc ăn uống, sinh hoạt cho chủ nhân. Nhìn chung, công việc hàng ngày của các cung nữ không quá nặng nhọc và khó khăn, ngoài ra họ còn nhận được tiền công và được đãi ngộ khá tốt. Tuy nhiên, vào cung đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi quyền tự do, phải gắn bó với hoàng cung suốt phần đời còn lại.
Mãi đến thời nhà Thanh (Trung Quốc), các cung nữ mới được phép xuất cung. Thế nhưng, sau khi rời khỏi hoàng cung, những người này thường có cuộc sống không mấy thuận lợi và như ý, đặc biệt là rất khó lấy chồng. Vậy lý do là vì sao?
Cung nữ nhà Thanh đến tuổi sẽ được xuất cung
Thời xưa, không phải ai cũng có thể làm cung nữ. Các cô gái trẻ sẽ phải trải qua 1 - 2 cuộc sàng lọc nghiêm ngặt, và chỉ những người đủ tiêu chuẩn mới có thể làm thị nữ. Những người được chọn để trở thành cung nữ phải có xuất thân trong sạch, gia cảnh minh bạch, tổ tiên không có tiền án tiền sự,... để tránh người có ý đồ xấu, trà trộn vào cung gây nguy hiểm cho hoàng đế, hoàng hậu và các thành viên trong hoàng cung. Ngoài ra, bản thân cung nữ cũng phải đoan trang như ngọc, nhất định phải là cô gái chưa từng vào cung lần nào. Đây cũng là quy định khắt khe trong việc tuyển chọn cung nữ được các triều đại của Trung Quốc áp dụng.
Về thời gian làm việc trong cung, các cung nữ thời nhà Thanh của Trung Quốc không phải sống trong cung cả đời. Theo đó, độ tuổi vào cung của cung nữ sẽ rơi vào khoảng 12 - 16 tuổi. Họ sẽ làm việc trong cung khoảng 15 - 20 năm. Độ tuổi trung bình mà các cung nữ nhà Thanh có thể xuất cung rơi vào khoảng 25 - 30 tuổi. Khi hoàn thành nhiệm vụ và xuất cung, các cung nữ sẽ nhận được 20 - 30 lạng bạc, cộng với tiền lương mỗi tháng khoảng 1 lạng bạc. Trong thời gian làm việc tại hoàng cung, nếu ai biết cách tiết kiệm thì vẫn có được số tiền dư giả để sau này lo cho bản thân và gia đình.
Việc cho cung nữ xuất cung trong độ tuổi 25 - 30 đã được triều đình nhà Thanh của Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, khi tuổi càng cao đồng nghĩa với việc sức lao động của cung nữ càng giảm. Các cung nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh và qua đời càng cao, mà việc lo liệu tang lễ cho hàng nghìn cung nữ sẽ tốn khoản chi phí rất lớn. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí cũng như tạo điều kiện cho các cung nữ, triều đình nhà Thanh của Trung Quốc quyết định cho họ xuất cung ở độ tuổi thích hợp. Những cung nữ mất khả năng lao động cũng được đưa về nhà mà không cần phải đợi đến độ tuổi xuất cung.
Cuộc sống cô độc sau khi xuất cung
Với những cung nữ biết cách tích lũy tiền bạc trong thời gian làm việc ở hoàng cung, hay những người khôn khéo được cấp trên thưởng tiền, sau khi xuất cung, họ sẽ có tiền tiết kiệm để nghỉ hưu. Những người kém may mắn hơn sẽ bị người thân trách móc vì không có tiền trợ giúp gia đình, một số còn không tìm được người nhà sau khoảng thời gian dài làm việc trong cung.
Đặc biệt, phần lớn cung nữ sau khi xuất cung sẽ rất chật vật trong việc tìm kiếm bạn đời, thậm chí là không có ai muốn kết hôn với họ. Nhiều người phải chấp nhận cuộc sống nghèo khó, cô độc suốt phần đời còn lại của mình.
Vì sao cung nữ sau khi xuất cung lại khó kết hôn?
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc các cung nữ khó kết hôn sau khi xuất cung chính là vấn đề tuổi tác. Phải hiểu rằng, tuổi thọ của người xưa rất thấp, chỉ rơi vào khoảng 40 - 50 tuổi. Độ tuổi kết hôn lý tưởng trong thời buổi này là 12 - 14 tuổi. Khi những cung nữ xuất cung, họ đã ngoài 20 thậm chí là 30 tuổi. Những người con gái trong độ tuổi này thường bị coi là phụ nữ lớn tuổi, rất khó để lấy chồng.
Thứ hai là nguyên nhân về sức khỏe. Mỗi ngày, các cung nữ phải làm các công việc chân tay nặng nhọc và kéo dài trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi. Điều này dẫn đến những vấn đề về thể chất, sức khỏe, khiến cơ thể ốm yếu, dễ mắc bệnh hơn những người phụ nữ thông thường. Do đó, vì ái ngại vấn đề sức khỏe nên đàn ông trong thời đại này không muốn kết hôn với những cô gái từng là cung nữ.
Theo Toutiao