Truyền thuyết kể rằng, khi thần Rama bị đày ra khỏi Ayodhya và toàn bộ người dân trong vương quốc theo ông vào rừng, ông đã nói với các đệ tử: “Hỡi đàn ông và phụ nữ, hãy lau nước mắt và đi khỏi đây đi”. Thế là họ rời đi.
Tuy nhiên, một nhóm người vẫn ở lại bìa rừng, bởi vì họ không phải đàn ông cũng không phải phụ nữ. Họ là những hijra, tiếng Urdu nghĩa là hoạn quan. Những người đó đã đợi trong rừng 14 năm cho đến khi thần Rama trở lại, điều này đã giúp họ có một vị trí đặc biệt trong thần thoại Hindu.
Nguồn gốc của câu chuyện vẫn còn đôi chút bí ẩn, bởi các học giả nói rằng chi tiết này không có trong văn bản Hindu gốc, nhưng trong thế kỷ trước, câu chuyện dân gian về lòng trung thành của các hijra đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của người theo đạo Hindu. Hijra cũng là nhân vật nổi bật trong lịch sử Hồi giáo của Ấn Độ, họ là người giám sát của hậu cung Mughal.
Ngày nay, không khó để nhận ra các hijra (gồm cả những người chuyển giới và liên giới tính). Họ mặc những bộ sari lấp lánh, khuôn mặt được trang điểm kỹ bằng lớp trang điểm rẻ tiền, chạy băng băng qua các ngã tư đông đúc, dùng đồng xu gõ vào cửa sổ ô tô và ban phước lành. Họ có thể nhảy múa tại các ngôi đền, trong các bữa tiệc cưới hoặc lễ sinh nhật, hát những bài hát 18+ và ra về với một nắm rupi trong tay.
Nhiều người Ấn Độ tin rằng các hijra có quyền năng ban phước lành hoặc nguyền rủa người khác. Cảm xúc dành cho nhóm người này vì thế mà có sự pha trộn giữa tiêu cực và tích cực.
Sống cuộc đời bị “chăn dắt” từ nhỏ
Đằng sau sân khấu hào nhoáng của các đoàn diễn hijra thường là những câu chuyện đau thương về buôn bán hoặc bóc lột tình dục, những lần bị xa lánh và sỉ nhục không dứt. Thậm chí ngay trong cộng đồng LGBT của Ấn Độ, các nhóm hijra này vẫn có một cuộc sống rất bí mật.
Radhika, một hijra sống gần ga xe lửa ở Mumbai, không nghĩ mình khác biệt cho đến khi bắt đầu đi học. Sau khi bị những đứa trẻ khác trêu chọc, cô nhận ra mình không hẳn là con gái nhưng cũng không phải con trai. Cuộc đời Radhika thật nhiều thăng trầm. Cha mẹ cô chia tay khi cô còn nhỏ, mẹ qua đời không lâu sau đó. Không người họ hàng nào muốn chăm sóc cô. Sau khi bị bỏ rơi, cô bị lừa đi bán dâm tại một công viên đầy rác thải. Khi đó cô chỉ mới 8 tuổi.
5 năm sau, Radhika vẫn hành nghề mại dâm. Cô mặc sari sẫm màu, sơn móng tay màu tím, đeo một chiếc nhẫn vàng ở lỗ mũi bên trái và để tóc xõa ngang lưng.
Khi được hỏi về cảm giác đi làm mỗi tối, cô chỉ nhún vai và nói: “Kể từ khi còn là một cô bé, tôi đã học được rằng thế giới vận hành bằng tiền. Nếu tôi không có tiền, tôi không tồn tại”.
Nhiều hijra sống và làm việc xung quanh các nhà ga xe lửa ở Mumbai vì dễ ăn xin hơn ở những khu vực đông đúc.
Câu chuyện của Radhika có nhiều nét tương đồng với nhiều hijra khác. Họ cùng tham gia vào hoạt động mại dâm, bị “chăn dắt” bởi một nữ guru, kẻ này sẽ giữ phần lớn thu nhập của họ.
Radhika không tiết lộ tên guru của cô. Cô ấy có vẻ sợ hãi khi nói về “mẹ mìn”. Trong thế giới hijra, guru vừa đóng vai trò là mẹ, là cha, là thủ lĩnh, và cả ma cô của các nhóm mại dâm. Thường thì guru này sẽ rơi vào khoảng 40 đến 50 tuổi.
Nhưng hệ thống cấp bậc chưa dừng lại ở đó. Các nhóm hijra trẻ tuổi, ít kinh nghiệm sẽ được quản lý bởi hijra “cấp trung”, người sẽ báo cáo thông tin lại với guru, và thậm chí trên các guru là các hijra lớn tuổi khác.
Các guru và hijra sống trong điều kiện khá tồi tàn, họ thường chen chúc trong những căn chòi nhỏ ngột ngạt hôi hám. Một guru tự xưng là Chandini thì có đôi chút khác biệt với các guru khác, cô thuê một căn hộ tương đối lớn ở tầng hai của một ngôi nhà ổ chuột tại Mumbai. Sàn nhà sạch sẽ, trong phòng còn có một chiếc tủ lạnh hiệu Whirlpool.
Chandini kể về hành trình khó khăn của một hijra: “Ngày nay, trở thành một hijra dễ dàng hơn trước nhiều. Bây giờ đã có bác sĩ. Hồi trước khi muốn thay đổi giới tính, chúng tôi phải tự mình làm”.
Theo lời của Chandini, trong quá khứ đã có rất nhiều thanh niên trải qua quá trình cắt bỏ bộ phận sinh dục một cách cẩu thả. Phẫu thuật không được thực hiện bởi người có chuyên môn. Ở một số bang, chẳng hạn như Kerala, một người có thể thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại bệnh viện công. Tuy nhiên, không phải người chuyển giới nào cũng được gọi là hijra.
Bị xã hội kỳ thị
Vào năm 2014, Ấn Độ chính thức công nhận người chuyển giới, những người này đủ điều kiện nhận phúc lợi và các lợi ích khác của chính phủ.
Hàng trăm năm trước, dưới nền văn hóa Hindu truyền thống, các hijra nhận được sự tôn trọng nhất định. Nhưng tất cả thay đổi vào thời kỳ người Anh tràn vào Ấn Độ. Khi người Anh đô hộ Ấn Độ giữa thế kỷ 19, họ đưa ra các phán quyết cực kỳ nghiêm khắc với các hoạt động tình dục, thậm chí hình sự hóa hoạt động “quan hệ xác thịt trái với trật tự tự nhiên”. Các học giả tin rằng đây là thời kỳ người Ấn Độ dần hình thành thái độ kỳ thị với người đồng tính, người chuyển giới và các hijra.
Ngày nay, hijra vẫn bị xa lánh, hành hung hay quấy rối. Chính vì bị xã hội xa lánh nên họ rất dễ sa vào con đường tệ nạn. Guru đã nhân cơ hội này để dẫn dắt các “đệ tử” vào trong các băng nhóm đường phố, những người này có thể nhảy múa mua vui ở các ngôi đền, hành nghề ăn xin, mại dâm, và vì thường phải tranh giành khu vực hoạt động nên các hijra cũng hung hăng và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Puja, một hijra 23 tuổi, cho biết cô cảm nhận được “tình chị em” với những hijra khác trong nhà. Puja là cô gái đằm thắm, nhẹ nhàng. Cô sống với ba phụ nữ chuyển giới khác và họ trang trải tiền thuê nhà bằng cách nhảy múa ở các ngôi đền và ăn xin trên đường phố.
“Cá nhân tôi không muốn đi ăn xin. Không ai muốn đi ăn xin hết. Nhưng chúng tôi không có nhiều cơ hội. Bây giờ thậm chí cảnh sát còn không cho chúng tôi ăn xin nữa. Đây không phải là công lý”, Puja nói.