"Viên kim cương" vô giá và... bướng bỉnh
Năm 1937, nghệ sĩ Bảy Nam mang thai đứa con đầu lòng. Lúc đó gánh hát Đại Phước Cương đang là một "đại bang" tiếng tăm quy tụ nhiều đào hát tên tuổi như Phùng Há, Năm Châu, Năm Phỉ, Ba Vân, Bảy Nhiêu...
Trong một lần ăn tiệc, nghệ sĩ Bảy Nam ăn đúng con hàu ngậm viên ngọc trai màu trắng sáng tròn xoe ở trong bụng. Cho rằng đây là điềm lành nên ông bầu Cương quyết định, nếu con gái thì đặt tên Kim Cương, còn con trai lấy tên Ngọc Trai.
Đoàn đang hát ở Đà Lạt thì nghệ sĩ Bảy Nam phải một mình ra Huế trước chờ sinh. NSND Kim Cương nhớ lại: "Theo lời kể của má thì thời gian đó, đoàn làm ăn không suôn sẻ nên má chỉ dành dụm được 5 đồng bạc lo việc sinh nở.
Với gia tài đó, má sắm sửa quần áo và những đồ dùng cần thiết cho con hết 3 đồng. Còn 2 đồng má tằn tiện chờ tới ngày vào nhà hộ sinh, thèm ly cà phê 5 xu cũng không dám uống.
Vào đúng đêm má vô nhà hộ sinh, trên người chỉ còn một cắc để đi xe kéo. Ở trong bệnh viện tới 3 giờ chiều hôm sau má sinh tôi. Trong cả chục giờ chuyển dạ, những cơn đau kéo dài nhưng má chỉ đứng dựa góc tường cười thay vì khóc như người ta.
Đúng ngày tôi ra đời cũng là ngày thôi nôi của hoàng tử Bảo Long. Cả thành phố Huế treo đèn kết hoa. Sau này má vẫn đùa bảo: ngày sinh Kim Cương cả thành phố Huế ăn mừng".
Kỳ nữ Kim Cương năm 19 tuổi.
6 ngày sau, đoàn Đại Phước Cương tới Huế. Dù vẫn đang ở cữ nhưng nghệ sĩ Bảy Nam đã phải lên diễn tuồng "Quan âm Thị Kính" còn cô bé Kim Cương mới 18 ngày tuổi được cho ra sân khấu để làm con Thị Màu khi đoàn hát mừng thất tuần Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - vợ vua Khải Định.
Cứ như thế, Kim Cương được lên sân khấu từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, bồng trên tay đến khi chập chững biết đi.
Có lẽ vì thế mà cô bé biết diễn từ khi chưa biết nói để rồi năm 7 tuổi, Kim Cương nhận một vai thực sự trong tuồng "Na Tra Lóc Thịt" với vô vàn lời khen từ khán giả đến những bậc cha chú trong đoàn.
Hát tuồng đó khán giả thưởng Kim Cương rất nhiều tiền. Số tiền đó được mẹ "cất dùm" với lý do trừ vào tiền... tã lót.
Kim Cương thực sự là một viên ngọc vô giá với vợ chồng ông bầu Cương. Họ cũng chính là những khán giả luôn dõi theo và tán thưởng Kim Cương nhiều hơn bất cứ người xem nào mỗi lần cô bé ra sân khấu. Ông bầu Cương cưng con gái đến mức mọi đồ dùng của ông đều được khắc hoặc thêu hai chữ "KC".
Còn Kim Cương hẳn vì con nhà nòi nên việc diễn tuồng tự nhiên như bản năng con người hít thở. Bằng cớ là Kim Cương cũng như bao đứa trẻ khác, ban ngày mải mê chơi với chúng bạn nên khi sân khấu mở màn cũng là lúc hai mắt cô bé díp lại. Những lúc như thế, Kim Cương thường tìm một xó nào đó nằm ngủ. Khi nằm xó tường, khi chui góc tủ đầy phông màn mũ áo.
Biết tính con gái nên cứ đến giờ diễn, ông bầu Cương lại đi sục sạo từng hộc kẹt để lôi cô bé ra. Ông bồng con gái lên cho ăn bánh, uống nước để xua tan cơn buồn ngủ và ẵm con tới trước bàn thờ Tổ thắp nhang rồi... liệng ra sân khấu.
Chỉ cần có thế, Kim Cương lại chạy nhảy, lại ca hát hồn nhiên và thích thú nhận những tràng pháo tay rần rần của khán giả.
Cùng với Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương được xếp vào top 3 diễn viên xinh đẹp nhất miền Nam thời bấy giờ.
Vì thông minh, vì đáng yêu nên cha mẹ và mọi người trong đoàn rất cưng chiều Kim Cương. Cũng chính vì thế cô bé sinh bướng bỉnh.
Kim Cương nổi tiếng là "thần đồng" bởi khả năng ca diễn bao nhiêu thì cũng có tiếng nợ nần nhiều nhất đoàn Đại Phước Cương bấy nhiêu dù năm ấy mới 7, 8 tuổi.
Đoàn dừng ở địa phương nào, chỉ cần một ngày là Kim Cương đã rành rõ từng tiệm bán đồ chơi, bánh kẹo và "đánh hơi" được chủ tiệm nào dễ dàng bán chịu. Thế nên mỗi lần đoàn diễn xong chuẩn bị dọn đi là ông bà chủ gánh hát lại "bận bịu" tiếp các chủ nợ của con gái.
Và tất nhiên, không ít lần những trò quậy phá của Kim Cương để lại hậu quả nghiêm trọng. Nổi cộm nhất là chuyện cô bé khiến hai nhạc sĩ của đoàn nhập viện cấp cứu vì uống phải thuốc xổ thay vì... thuốc phiện trong thương vụ "trộm thuốc phiện của cha đổi lấy đồ chơi".
Cũng vì chuyện này mà ba đêm diễn liên tiếp, đoàn phải hát "chay" vì thiếu tiếng đàn của hai nhạc sĩ. Và suốt mấy tuần sau đó, đôi bên nhìn nhau hằm hằm nhưng không ai dám nói ra sự thật.
Tuổi thơ nghiệt ngã
Tuổi thơ của Kim Cương cũng phiêu dạt theo đoàn hát từ Nam ra Bắc, từ nơi phồn hoa đô thị đến các vùng quê nghèo khó nhưng đó là những ngày tháng tươi đẹp và hạnh phúc nhất trong ký ức của người nghệ sĩ già 80 tuổi hôm nay mỗi khi nhớ về.
Tiếc rằng, hạnh phúc ấy lại quá ngắn ngủi.
Năm Kim Cương lên 9 tuổi, ông bầu Cương trở bệnh nặng với những cơn co giật rồi mãi mãi ra đi khi đoàn Đại Phước Cương đang diễn ở Mũi Né, Phan Thiết.
Cha mất, mọi sóng gió bắt đầu ập đến. Nỗi đau mất chồng còn chưa kịp nguôi thì chiến sự đã nổ ra, gánh hát tan tác chạy giặc, một mình nghệ sĩ Bảy Nam vừa lo ba đứa con nhỏ, vừa gồng gánh trên vai miếng cơm manh áo cho những anh chị em còn lại trong đoàn.
NSND Kim Cương bần thần nhớ lại: "Thời điểm đó, tôi mới 9 tuổi. Em Kim Quang và Ngọc Thố còn rất nhỏ. Má phải bán từng cân đai áo mão, từng miếng bạc, từng hạt thủy tinh trên các bộ phục trang để đổi lấy gạo ăn.
Những chiếc áo được rút kết kim tuyến và bán cho người tản cư với giá rẻ mạt để họ làm tã lót cho em bé hay lau những con heo sắp đẻ.
Từng tấm phông màn, từng cuộn dây kéo, cánh gà cũng lần lượt ra đi. Cuối cùng là tấm màn nhung có hai chữ Phước Cương. Lúc bán tấm màn nhung này má khóc nấc. Chị em tôi cũng ôm nhau khóc theo..."
Suốt mấy tháng ròng, bốn mẹ con nghệ sĩ Bảy Nam lăn lóc theo súng đạn cho tới ngày được nghệ sĩ Năm Phỉ tìm cách đón về Sài Gòn. Một gánh hát khác được lập ra mang tên Tam Phụng (sau đổi thành Năm Phỉ và Năm Phỉ - Kim Cương) và những ngày tháng rày đây mai đó lại bắt đầu.
Sau khi họp bàn, gia đình quyết định không cho Kim Cương theo nghề. Biến cố liên tiếp xảy ra đã khiến cô bé Kim Cương 10 tuổi bị sốc nặng.
Còn chưa quen với việc thiếu vắng tình thương và sự chở che của cha, Kim Cương đã phải xa mẹ, xa cuộc sống tự do thoải mái ở đoàn hát để thích ứng với một môi trường hoàn toàn khác.
Cô bé ở lại trong biệt thự của dì Năm Phỉ tại Sài Gòn và đi học. Từ một cô bé hiếu động thông minh, Kim Cương trở nên lì lợm, thậm chí... "bất trị".
Cho tới một ngày, những trò nổi loạn của Kim Cương khiến mọi người không còn chịu nổi, cô bé bị chuyển vào trường dòng với hy vọng: kỷ luật thép nơi đây sẽ khiến cô bé ngoan và nền tính hơn.
8 năm ở trường dòng là quãng thời gian dài và đủ để làm thay đổi một Kim Cương ngỗ nghịch thành một thiếu nữ đằm tính, biết chấp nhận cuộc sống mình có. Nhất là thời gian Kim Cương sống ở trường dòng Cha Tam Chợ Lớn cùng những đứa trẻ mồ côi...
Kỳ nữ Kim Cương trong vở "Đôi mắt huyền"
Kỳ nữ Kim Cương và lời đề nghị... thoát y
Năm 19 tuổi, Kim Cương thi rớt tú tài. Trong lúc buồn bã, Kim Cương bắt xe đi Châu Đốc tìm mẹ. Như sự sắp xếp của định mệnh, chuyến đi này là khúc ngoặt đưa Kim Cương trở lại sân khấu.
Ý định ban đầu của gia đình là chỉ để Kim Cương trở lại thời gian ngắn rồi quay về trường tiếp tục chuyện học hành nhưng không ngờ ngay ở vở diễn đầu tiên "Giai nhân và ác quỷ", Kim Cương đã tạo nên một cơn sốt trong giới ký giả, khán giả thời bấy giờ. Để rồi sau đó, Kim Cương trở thành đào chính và gánh vác đoàn hát của gia đình.
Ở độ tuổi đôi mươi, Kim Cương "liều lĩnh" giã từ sân khấu cải lương để chọn cho mình một con đường làm nghệ thuật còn xa lạ với đông đảo khán giả là – thoại kịch (kịch nói).
Con đường mới nào cũng đầy chông gai, thử thách vậy mà khó khăn bao nhiêu Kim Cương cũng không chùn bước.
Không có kịch bản, Kim Cương tự viết. Không có diễn viên, Kim Cương gần như thuyết phục từng người để có được một đội ngũ diễn viên kịch nói đầu tiên ra đời gồm những cái tên Vân Hùng, Phi Bằng, Thúy Hoa, Lan Phương...
Có kịch bản, có diễn viên nhưng không rạp nào chịu cho thuê. Cuối cùng, để được diễn ở rạp Thanh Bình (gần chợ Thái Bình quận 1 ngày nay), Kim Cương phải gom hết tư trang, tiền bạc dành dụm được của hai mẹ con đem bán để trả trước tiền rạp một tuần trong khi nợ nần chồng chất vì thành lập đoàn hát.
Nhưng may mắn là ngay từ những suất diễn ban đầu, đoàn Kịch nói Kim Cương đã chinh phục được khán giả khiến họ khóc cười theo từng lớp diễn của diễn viên.
Cứ thế, đoàn Kịch nói Kim Cương dần khẳng định vị trí trong lòng khán giả qua các vở diễn còn được nhắc tới ngày nay như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc, Hai mùa giáng sinh...
Người nghệ sĩ bình thường chỉ làm một việc nhưng Kim Cương làm rất nhiều vai trò: diễn viên, tác giả, đạo diễn kiêm nhà sản xuất.
Đặc biệt, điều mọi người phục nhất là Kim Cương còn làm trưởng đoàn hát suốt mấy chục năm. Việc nắm một đoàn hát toàn anh em nghệ sĩ còn khó hơn nắm một tiểu đoàn bộ đội.
Bởi lẽ người nghệ sĩ có trái tim rất nhạy cảm. Cùng một chuyện, người khác buồn một nhưng nghệ sĩ buồn mười. Sự nhạy cảm đó giúp họ lột tả tâm trạng, cảm xúc của nhiều dạng nhân vật nhưng cũng khiến người nghệ sĩ vui giận bất thường.
Trong khi nghệ sĩ tâm hồn bay bổng thì người làm quản lý lại đòi hỏi sự chặt chẽ của lý trí. Có lẽ vì Kim Cương hòa hợp được cả hai điều đó nên ký giả phong cho bà là "kỳ nữ" (một người nữ kỳ tài).
Mặc dù được báo giới phong tặng hai chữ "kỳ nữ" và công chúng ái mộ xếp vào top 3 người phụ nữ đẹp nhất miền Nam cùng Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh nhưng Kim Cương chưa bao giờ ngừng học hỏi, ngừng trau dồi nghề nghiệp.
Năm 1963, Kim Cương qua Pháp vừa biểu diễn vừa học hỏi về sự phát triển nghệ thuật sân khấu xứ bạn. Sau khi tạm ổn định cuộc sống, Kim Cương đón em gái Kim Quang qua Pháp học.
Để tiết kiệm chi phí, hai chị em thuê một căn gác tầng sát mái trong một chung cư... mà mỗi lần lên xuống đều đổ mồ hôi hột và hai chân như muốn rời ra.
Mọi chi phí sinh hoạt ăn uống cũng đều phải dè sẻn, tính toán từng đồng. Để có thịt ăn, hai chị em "trung thành" với món gân bò – một thứ người Pháp rất ít dùng làm thức ăn. Khi người bán thịt thắc mắc "làm gì mà mua gân nhiều thế" thì Kim Cương trả lời gọn lỏn "mua về nấu cho chó ăn" rồi cười.
Nhưng đó là khi công việc của Kim Cương còn thuận lợi.
Lúc không suôn sẻ, để việc học của em gái không bị gián đoạn; để mình được ở lại Pháp tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật, kỳ nữ Kim Cương chấp nhận làm cả những công việc "thấp kém" trong mắt mọi người là hầu rượu thực khách sau mỗi đêm diễn ở nhà hàng.
"Thời gian đó tôi đi tìm việc khắp nơi. Có hộp đêm trả tôi 100 francs một đêm với điều kiện sau mỗi tiết mục múa tôi phải kết thúc bằng cảnh thoát y. Đó là số tiền quá lớn đối với tôi lúc đó nhưng ngay cả như vậy thì tôi cũng không bao giờ chấp nhận", NSND Kim Cương kể.
Bù lại, sau ba năm ở Pháp, Kim Cương nhận về những kiến thức vô giá để làm những tác phẩm sâu sắc chạm tới trái tim và khối óc những khán giả vốn yêu thương và luôn dõi theo cô từng đêm diễn.
Và cũng chính những năm tháng đó đã giúp kỳ nữ Kim Cương xây dựng nên một đoàn kịch nói chuyên nghiệp bậc nhất miền Nam thời điểm đó và là đoàn kịch mẫu mực cho các thế hệ sau này.
Kim Cương và mẹ - cố NSND Bảy Nam.
Từ thiện là lẽ sống
Sẽ thật thiếu sót khi nhắc tới kỳ nữ Kim Cương mà không nói về những công việc thiện nguyện của bà. NSND Kim Cương kể rằng, người "dắt" bà vào con đường thiện nguyện như một bổn phận ngày hôm nay chính là phụ mẫu – cố NSND Bảy Nam.
Có một kỷ niệm về lòng nhân ái của cố NSND Bảy Nam mà tới 60 năm sau kỳ nữ Kim Cương vẫn nhớ như in.
Đó là một buổi trưa, nghệ sĩ Bảy Nam bị tỉnh giấc ngủ vì tiếng khóc của một đứa bé khát sữa mà mẹ nó đang bị nhốt trong đồn công an vì chủ nghi ăn cắp tiền. Nhà họ quá nghèo, người vợ phải đi ở đợ nên không có tiền chuộc. Bà Bảy Nam đánh thức con gái dậy "cho má mượn cái kiềng vàng"...
Ngay cả khi hơi thở chỉ còn tính bằng ngày nhưng nhắc tới từ thiện, nghệ sĩ Bảy Nam như tỉnh táo hơn. Xúc động bởi điều đó nên sau khi chu toàn phận hiếu, NSND Kim Cương càng xem việc thiện nguyện như là một trách nhiệm mà mẹ để lại cho mình.
NSND Kim Cương là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM hơn 20 năm qua. Bà cùng với hội đã đem tới ánh sáng cho hơn 500.000 người mù, thực hiện phẫu thuật cho hơn 7.000 trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh, hở hàm ếch...
Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi do bà làm chủ tịch cũng nuôi và dạy nghề cho hàng trăm người thiếu may mắn.
Bên cạnh những công tác từ thiện với xã hội, hơn ai hết NSND Kim Cương là người luôn nhớ tới các anh em nghệ sĩ "về hưu" nhưng sống trong cảnh nghèo túng.
Ba năm nay, Tết năm nào bà cũng đi vận động khắp nơi để làm chương trình "Nghệ sĩ tri âm". Những nghệ sĩ mà bà hướng tới là các nhạc sĩ, nghệ sĩ nghèo, những người làm công tác hậu đài âm thanh ánh sáng.
NSND Kim Cương luôn quan tâm tới các anh em nghệ sĩ khó khăn.
Bà bảo: "Những anh em làm công tác hậu đài khổ lắm. Họ khổ từ lúc còn làm nghề với đồng lương ít ỏi, khi về già còn vất vả hơn. Diễn viên sân khấu thì đỡ, lúc làm nghề có điều kiện dắt lưng được chút vốn liếng nhưng diễn viên xiếc có những người mới 30 tuổi đã hết thời, đi làm bảo vệ, chạy xe ôm.
Các anh chị tác giả, nhạc sĩ – những cây đa cây đề đóng góp cho âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Văn Tý, Hàn Châu, Võ Đông Điền, Y Vũ, Đăng Minh, NSND Đinh Bằng Phi, Mạc Can... đều là những người gần như bị lãng quên.
Tôi cũng là nghệ sĩ, tôi rời sân khấu mấy chục năm nay nên thấu hiểu nỗi niềm của người nghệ sĩ lúc không còn đứng trên sân khấu. Tâm sự khó nói nhất của người nghệ sĩ lúc già là "có còn ai nhớ tới mình không"?
Có những anh chị em nghệ sĩ khi tôi gọi điện, họ bật khóc rất thương. Những người ở xa như Khánh Hòa, Kiên Giang mất vài tháng mới tìm ra địa chỉ... Tôi gửi thư mời, mua vé máy bay cho họ vào.
Giá trị phần quà có thể không nhiều, mỗi người 7,8 triệu nhưng cái tình cảm là vô giá. Gặp nhau ai cũng xúc động vì mình vẫn được nhớ, anh em nghệ sĩ không quên, khán giả không quên. Trao quà cho họ, họ hạnh phúc năm phần, tôi hạnh phúc mười phần".
Yêu đam mê – đau tận cùng...
NSND Kim Cương nhận mình là người quyết liệt không chỉ trong nghệ thuật mà còn cả trong tình yêu. Yêu ai bà cũng yêu bằng tất cả sự say mê nên khi tan vỡ, con tim cũng đau đớn tận cùng.
Cũng như rất nhiều cô gái trẻ ở thời kỳ đó, Kim Cương được cha mẹ hứa gả cho con trai của một Đốc Phủ Sứ ở Mỹ Tho làm trong ngành tư pháp.
Hai người thương nhau từ cái nhìn đầu tiên nhưng rồi cuộc tình ấy cũng buộc phải kết thúc. Bởi lẽ, với Kim Cương sân khấu là lẽ sống còn người đó không chịu được cảnh vợ mình "tối tối lên sân khấu ôm người này, tình tứ người kia" – dù đó chỉ là những vai diễn.
Sau cuộc tình này, Kim Cương quen và yêu một nhà báo. Kim Cương được sẻ chia, được đồng cảm. Anh gần như không bỏ qua bất cứ vở diễn nào của Kim Cương. Thậm chí có những vở xem đi xem lại hàng chục lần không chán.
Những lần tản bộ hàng giờ trong sở thú, những buổi hẹn ở bến tàu với gói đậu phộng và ly nước chanh... cũng đủ khiến hai người hạnh phúc không gì tả hết. Tình yêu của họ cứ thế lớn lên giản dị và đẹp đẽ cho tới ngày... nghệ sĩ Bảy Nam biết chuyện.
Nghệ sĩ Bảy Nam phản đối quyết liệt. Bà cho rằng, việc con gái từ hôn với một người quyền cao chức trọng để quen một ký giả là điều không thể chấp nhận được.
Nhưng càng cấm cản, tình yêu càng lớn mạnh. Hai người lén hẹn nhau đi Phan Thiết. Vì chuyện này, Kim Cương bị mẹ đánh nát hai cây roi mây. Bà tới tận tòa soạn "hỏi tội" chàng ký giả và tát anh trước mặt nhiều người ở rạp hát, bà cũng không quên tìm đến nhà để trút giận với những lời lẽ nặng nề với người thân của anh.
Ở tận cùng tuyệt vọng, chàng rủ nàng đi trốn, bỏ lại tất cả sau lưng nhưng tình yêu với sân khấu quá lớn và đạo hiếu của người con đã không cho phép Kim Cương làm vậy. Kim Cương hiểu rằng, cuộc đời mẹ đã khổ quá nhiều, cô không thể để mẹ khổ thêm nữa vì mình...
Vậy là cuộc tình phải kết thúc. Một tháng sau, người cô yêu lấy vợ. Trái tim Kim Cương như tan ra từng mảnh.
Tưởng rằng trái tim sẽ ngủ yên nhưng rồi tình yêu lại gõ cửa. Cuộc tình thứ ba của Kim Cương là một nhạc sĩ nổi tiếng, một sĩ quan đẹp trai và được rất nhiều phụ nữ ái mộ.
Với người đàn ông này, Kim Cương cũng yêu bằng tất cả đam mê và điều mong mỏi lớn nhất của kỳ nữ là được làm vợ. Tiếc rằng, đó không phải là người đàn ông chung thủy.
Biết rõ người đàn ông của mình đem những kỷ vật của hai người tặng cho cô gái khác nhưng Kim Cương vẫn cố dối lòng rằng, đó chỉ là một phút qua đường nông nổi, rồi anh sẽ quay về.
Nhưng ngày định mệnh ấy cũng phải đến. Trong khi Kim Cương đau đớn tận cùng vì sẩy thai thì người đó lại đang vui vẻ với một cô ca sĩ khác.
Và phải rất rất lâu sau cuộc tình đầy nước mắt này, Kim Cương mới đón nhận một người đàn ông khác cũng là cha của con trai cô. Năm đó Kim Cương đã 35 tuổi.
NSND Kim Cương ở tuổi 80
15 năm chung sống, họ chưa một lần cãi vã, cũng không biết đến giận hờn, ghen tuông ngay cả khi có người chạy tới nhà van xin chồng cô hãy đánh mình vì trót thương Kim Cương quá rồi. Nhưng chính cách cư xử "lịch sự" quá mức cần thiết đã khiến họ xa nhau mà không ai lường trước được.
Chia tay chồng, Kim Cương tin rằng mình sẽ không bao giờ yêu được nữa. Thế rồi ở cái tuổi ngoài 50, một lần nữa, Kim Cương lại yêu như chưa yêu bao giờ. Cuộc tình ấy kéo dài trong hai năm với những hạnh phúc ngọt ngào và nhận được sự ủng hộ của cả đôi bên gia đình.
Nhưng ông trời đã cho Kim Cương quá nhiều: nhan sắc, tài năng, danh vọng... nên cũng lấy đi của bà thứ hạnh phúc bình dị nhất mà gần như người phụ nữ nào cũng có: một người đàn ông yêu thương và ở bên mình mãi mãi.
Nghệ sĩ Kim Cương mất ba đêm thức trắng để nghĩ về những dấu hiệu "bất thường" từ người ấy. Và rồi bà chọn cách "buông tay" lặng lẽ để giữ cho cả hai những ngọt ngào còn lại mà không truy đến tận cùng sự thật.
Và đó cũng là cuộc tình cuối của kỳ nữ Kim Cương.
Đã mấy chục năm nay, bà chọn cuộc sống an vui bên con cháu. "Cũng có lúc tôi chạnh lòng. Điều đó cũng dễ hiểu vì phụ nữ ai chẳng mong có một người đàn ông để tựa vào nhưng ở tuổi này, tôi bằng lòng với cuộc sống mình đang có.
Khi đến với đạo Phật, tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi học được chữ buông với những gì làm cho mình khổ để nhận về chữ an cho tâm hồn", NSND Kim Cương nói.