Shin Saimdang chào đời vào năm 1504 tại quê mẹ ở thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon. Chính vì sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Joseon khi mà thân phận nữ nhi còn bị đánh giá thấp trong xã hội nên dù sở hữu tài năng nghệ thuật xuất chúng nhưng tên thật của Shin Saimdang vẫn chưa được xác thực. Trong các tài liệu để lại, nhiều tác giả cho rằng thuở nhỏ, bà có tên là Shin In Seon.
Shin Saimdang là con thứ 2 trong gia đình 5 người con có cha là học giả Shin Myung Hwa và mẹ họ Yi. Từ khi còn nhỏ tuổi, bà đã bộc lộ tài năng vẽ tranh và niềm hứng thú với các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Không chỉ vậy, tiểu nữ họ Shin còn được ban tặng vẻ ngoài hơn người với gương mặt thanh tú, phong thái nho nhã nên càng được mọi người xung quanh yêu mến.
Vì dòng họ Yi không có cháu trai, Shin Saimdang được gia đình bên ngoại hết mực cưng chiều. Chính nhờ sự dạy dỗ của ông ngoại mà bà có được những kiến thức mà không mấy nữ nhi thời đó biết được, khả năng nghệ thuật được phát huy hết mức có thể. Nổi bật nhất ở người phụ nữ đa tài này chính là hội họa.
Các bức tranh của Shin Saimdang nổi tiếng sống động và chân thật một cách kỳ lạ. Thiên nhiên, cây cỏ và muôn loài côn trùng là nguồn cảm hứng được bà tận dụng sáng tạo hết mức có thể. Những chủ đề ấy hiện lên trong tranh của nữ danh họa tinh tế với tỉ lệ hoàn hảo khó tin. Từ nét vẽ uyển chuyển đến khả năng dùng màu của Shin Saimdang được ví như tác phẩm của thần tiên, chứ không phải đến từ bàn tay của người thường.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Shin Saimdang.
Từng có nhiều giai thoại liên quan đến tranh vẽ của Shin Saimdang được mọi người thời đó truyền tai nhau. Tiêu biểu như bức tranh châu chấu đậu trên cành cây lồng đèn Shin Saimdang vẽ tặng một người họ hàng. Bức tranh này sau khi được trải trên thảm cỏ đã thu hút đàn gà thi nhau mổ lấy mổ để vì không thể phân biệt nổi châu chấu trong tranh là thật hay giả.
Shin Saimdang đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của cảnh vật theo mùa. Cây cỏ và các loài côn trùng không xuất hiện ngẫu nhiên mà được bà lựa chọn kỹ lưỡng phù hợp với từng thời điểm, khí hậu và mùa màng theo từng thời điểm. Dù là phận nữ nhi nhưng Shin Saimdang khiến tất cả mọi người ai cũng phải cúi đầu nể phục. Tài năng của bà được các học giả cùng thời công nhận, ca thán và thậm chí còn được so sánh với An Gyeon, họa sĩ lớn của Joseon giai đoạn trước.
Với bản tính ham học từ bé, Shin Saimdang am hiểu thơ ca nhờ đọc nhiều sách Nho giáo và văn chương của các bậc hiền nhân. Không chỉ vậy, tài thêu thùa, kim chỉ của Shin Saimdang cũng được đánh giá rất cao, được xem là chuẩn mực may vá của người dân thời Joseon.
Năm 19 tuổi, Shin Saimdang kết hôn với một quan văn tên Yi Won Soo. Sau đó, bà hạ sinh được 4 người con trai và 3 người con gái. Lối sống chuẩn mực, cách hành xử khéo léo, chan hòa giúp Shin Saimdang được gia đình nội ngoại 2 bên yêu quý và kính trọng. Người thời đó ưu ái gọi bà là "vị phu nhân đức hạnh họ Shin".
Đầu năm 2017, đài SBS thực hiện phim truyền hình "Saimdang, Light's Diary" dựa trên cuộc đời của Shin Saimdang. Trong phim, ngọc nữ Lee Young Ae được giao đảm nhận thể hiện nhân vật lịch sử tài hoa này.
Sau khi lấy chồng, Shin Saimdang tập trung thời gian chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Bà trở thành hậu phương vững chắc, luôn ở bên cạnh giúp đỡ và hỗ trợ chồng đi theo con đường chính nghĩa.
Không chỉ vậy, Shin Saimdang còn là hình mẫu người mẹ lý tưởng của phụ nữ thời bấy giờ. Bà dành cho các con sự giáo dục toàn vẹn, đầy tình yêu thương nhưng cũng không kém phần nghiêm khác hệt như những gì bà nhận được từ ông ngoại ngày xưa. Từ đó, bà tự lấy tên hiệu cho mình là Saimdang (Sư Nhậm Đường) với ý nghĩ noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, mẹ của vua Văn Vương và được mệnh danh là người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nối bước mẹ, con gái đầu lòng Mae Chang và con trai thứ tư Yi Woo của Shin Saimdang sau này trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực thơ ca và hội họa. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là con trai thứ ba của bà tên Yi I đỗ tiến sĩ ở tuổi 13, đứng đầu 9 kỳ khoa cử, được gọi là "Cửu Độ Trạng Nguyên Công". Ông là học giả lỗi lạc hàng đầu của thời Joseon. Nhiều người cho rằng tài đức của Yi I nhờ rất lớn vào sự giáo dục từ người mẹ đức hạnh Shin Saimdang.
Hình của học giả Yi I cũng được chọn để in lên tờ tiền 5.000 won nhằm tôn vinh những đóng góp của ông trong thời kỳ phát triển hưng thịnh thời Joseon. Phía sau tờ tiền được in hình trái bí và hoa mào gà được trích trong tác phẩm bình phong 8 bức có tên Thảo Trùng Đồ nổi tiếng của mẹ ông là bà Shin Saimdang.
Shin Saimdang qua đời vào năm 1551 ở tuổi 48 nhưng đến nay, bà vẫn được người dân Hàn Quốc kính trọng và không ngừng ca tụng. Năm 2009, Shin Saimdang trở thành người phụ nữ đầu tiên của Hàn Quốc được chọn làm nhân vật chính in lên tờ tiền mệnh giá cao nhất 50.000 won. Từ đây, bà chính thức trở thành biểu tượng cổ vũ bình đẳng giới cũng như đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc.
Shin Saimdang chính là sự kết tinh hoàn hảo của một hiếu nữ tài hoa, một người vợ đức hạnh và một người mẹ tận tụy. Cuộc đời tài hoa lừng lẫy của bà được lưu giữ trong từng trang sử sách, xứng đáng với danh xưng người phụ nữ tuyệt vời nhất của Hàn Quốc. Dẫu cho bao nhiêu năm trôi qua hay thời đại đổi khác, Shin Saimdang vẫn là một tượng đài phụ nữ đức hạnh, hình mẫu mẹ hiền dâu thảo của phụ nữ xứ sở kim chi.
(Nguồn: Tổng hợp)