Sinh ra là con gái, Sitara Wafadar cũng khao khát được để tóc dài như bao cô gái khác nhưng đối với Sitara, dường như đó chỉ là một giấc mơ xa vời bởi trong suốt hơn 10 năm qua, Sitara sống như một người con trai.

Năm nay bước sang tuổi 18, Sitara sống cùng với gia đình trong một ngôi nhà xây bằng bùn và gạch tại một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Bố mẹ cô sinh được 5 người con gái và không có lấy một người con trai.

Cuộc đời méo mó của cô gái đóng giả thành nam giới để chiều lòng bố mẹ - Ảnh 1.

Mặc dù đã 18 tuổi nhưng Sitara chưa bao giờ nghĩ rằng cô là một người con gái.

Mong muốn có con trai khiến bố mẹ Sitara bắt cô ăn mặc, đi đứng, nói năng như một người con trai thực thụ. Nghe có vẻ phi lý nhưng đây không phải là chuyện hiếm ở Afghanistan, thậm chí nó đã trở thành truyền thống lâu đời có tên “bacha poshi”. Hủ tục này đã ăn sâu vào văn hóa của một số quốc gia coi trọng đàn ông hơn phụ nữ. Những gia đình không có con trai sẽ buộc một đứa con gái sống dưới hình hài của đàn ông để thực hiện các nghĩa vụ với gia đình và tránh sự kỳ thị của xã hội.

Cuộc đời méo mó

Nối gót 4 chị gái, thay vì tới trường đi học, Sitara bắt đầu tới nhà máy đóng gạch gần nhà để làm việc từ khi mới lên 8 tuổi. Các chị gái của Sitara sau khi kết hôn đã ở nhà chăm sóc gia đình và không đi làm nữa. Chỉ riêng Sitara vẫn sống mãi với cuộc đời đội lốt con trai.

Mỗi sáng thức dậy, Sitara lại phải khoác lên người chiếc áo rộng thùng thình, quần dài ống rộng, đi kèm với đôi dép xỏ ngón bởi đây là trang phục truyền thống của người đàn ông Afghanistan. Ngoài ra, Sitara còn quấn khăn trên đầu để giấu đi mái tóc màu nâu ngắn cũn cỡn. Đôi khi, cô phải cố tình hạ thấp tông giọng để giống đàn ông, nhằm che giấu giới tính thật của mình.

Cuộc đời méo mó của cô gái đóng giả thành nam giới để chiều lòng bố mẹ - Ảnh 2.

Mỗi ngày Sitara đều phải tới nhà máy gạch để làm việc cùng bố. Ảnh APF

Ngày nào cũng như ngày nào, Sitara làm việc tại nhà máy gạch từ 7h sáng tới 5h chiều. Công việc của cô là đúc gạch vào khuôn rồi đem ra phơi dưới ánh nắng mặt trời. Phải làm việc dưới trời nắng thường xuyên khiến da cô cũng bị rám nắng, biến thành màu nâu không khác gì đàn ông.

Mỗi ngày, cô đóng tới 500 viên gạch và chỉ đổi được hơn 2 USD tiền công (khoảng 45 nghìn đồng). Sitara theo bố làm việc ở đây 6 ngày mỗi tuần để kiếm tiền trả nợ và nuôi sống cả nhà.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là con gái. Bố tôi luôn giới thiệu về tôi rằng:Sitara là con trai lớn của tôi’. Thỉnh thoảng, tôi còn thay mặt bố tới tham dự các đám tang với tư cách là con trai cả của ông“, Sitara chia sẻ. Ở quốc gia Nam Á này, phụ nữ không được phép đến dự tang lễ.

Không có đường thoái lui

Ông Noor, bố của Sitara than thở rằng, “thánh Allah toàn năng” không cho ông một đứa con trai nên ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ép con gái mình sống dưới hình hài của một người con trai. “Mọi trách nhiệm đổ dồn lên vai tôi và Sitara. Chúng tôi cần phải chăm lo cho gia đình và kiếm tiền trả nợ“, ông Noor chia sẻ.

Cuộc đời méo mó của cô gái đóng giả thành nam giới để chiều lòng bố mẹ - Ảnh 3.

Thường xuyên phơi nắng khiến Sitara có làn da rám nắng như đàn ông. Ảnh APF

Hiện tại, gia đình Sitara đang phải gánh khoản nợ 25.000 Afghanis (khoảng hơn 8 triệu đồng), con số quá lớn so với một ngày công ít ỏi 45 nghìn đồng. Trước đó, họ phải vay tiền chủ nhà máy và họ hàng để chữa bệnh tiểu đường cho vợ. “Giá như tôi có thằng con trai, tôi sẽ không phải đối mặt với những vấn đề này. Con gái tôi cũng được sống một cuộc đời bình yên, hạnh phúc“, ông Noor nói.

Đối với Sitara, dường như giả trai là lựa chọn duy nhất của cô. Khi tới tuổi dậy thì, con gái tại Afghanistan thường xuyên phải ở trong nhà, không được đi làm để tránh bị quấy rối, tệ hơn là cưỡng hiếp. Vì vậy, sống dưới lốt đàn ông giúp cô có thể “tự bảo vệ mình” ở nhà máy đóng gạch.

Khi đi làm, hầu hết mọi người không nhận ra tôi là con gái. Nếu họ biết tôi là một cô gái 18 tuổi, làm việc quần quật từ sáng tới tối tại nhà máy gạch, tôi sẽ gặp rất nhiều rắc rối, thậm chí là bị bắt cóc“, Sitara giãi bày.

Cuộc đời méo mó của cô gái đóng giả thành nam giới để chiều lòng bố mẹ - Ảnh 4.

Sitara luôn mơ ước được để tóc dài, tới trường như những cô gái khác. Ảnh APF

Sitara chia sẻ thêm: “Tôi không cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đang làm. Một vài người bạn của tôi nói rằng ‘Bây giờ bạn đã đến tuổi dậy thì, bạn không thể tiếp tục làm việc ở nhà máy đóng gạch nữa. Nhưng bây giờ tôi có thể làm gì được cơ chứ? Tôi đâu có lựa chọn nào khác?“.

‘Tôi ước mình có một người anh trai’

Baryalai Fetrat, Giáo sư xã hội học tại trường Đại học Kabul cho biết, sau nhiều năm giả trai, những cô gái sống theo hủ tục “bacha poshi” sẽ rất bối rối về giới tính cũng như vị trí của mình trong xã hội. “Các cô gái đó thường cảm thấy khó khăn khi quay trở lại với con người thật của mình hoặc trở thành một người vợ phục tục chồng. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm và bạo lực gia đình“, Giáo sư Baryalai chia sẻ.

Thấu hiểu nỗi khổ của con gái, bà Fatima, mẹ của Sitara cũng luôn mong con gái mình có thể mặc quần áo của phụ nữ và ở nhà như những người con gái khác. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, vì tục “bacha poshi”, điều này dường như chỉ là một giấc mơ xa vời. “Nếu không như vậy thì ai sẽ là người đi chợ, đưa tôi đi khám và đi làm để chăm lo cho gia đình chứ? Chồng tôi cũng ở tuổi xế chiều rồi“, bà Fatima than thở.

Cuộc đời méo mó của cô gái đóng giả thành nam giới để chiều lòng bố mẹ - Ảnh 5.

Mặc dù cảm thấy việc sống mà phải giả trai là không công bằng và không đúng nhưng Sitara vẫn không dám dừng lại vì cô sợ em gái 13 tuổi sẽ phải chịu chung số phận như cô. “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc khó khăn này vì tôi không muốn em gái tôi phải giả trai và làm việc tại nhà máy. Nếu tôi không làm việc, gia đình chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều rắc rối“, Sitara trải lòng.

Sau nhiều năm ăn mặc như một người con trai, Sitara mơ về một ngày cô được để tóc dài và đến trường như một cô gái thực sự. Sitara chia sẻ: “Mỗi lần mặc đồ con trai lên người, tôi chỉ ước giá như mình có một người anh trai, lúc đó, ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực“.