Trong những ngày hè oi bức, tôi phải liên hệ mãi mới có thể sắp xếp được một cuộc hẹn với diễn viên Trung Anh - nghệ sĩ "ngại" tiếp xúc với báo chí. Song đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi phải tìm hiểu và viết về cuộc đời của người đàn ông khắc khổ đã quá quen mặt trên truyền hình. Sau một hồi trò chuyện làm quen tại quán cafe, khoảng cách giữa một phóng viên và diễn viên dần được xóa bỏ. Câu chuyện về cuộc đời đầy lý thú của diễn viên Trung Anh dần được mở ra.
7 tuổi mất mẹ, chân đất từ Hà Tĩnh ra Hà Nội tìm bố
Diễn viên Trung Anh sinh ngày 14/6/1961 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm lên 7 tuổi, một biến cố lớn trong cuộc đời đã xảy đến với anh. Trong một đêm, khi Trung Anh đang ngủ ngon giấc trong hầm tránh bom, máy bay B52 của giặc Mỹ đã kéo đến thả bom xuống ngôi làng của anh. Khi biết mình may mắn sống sót cũng là lúc cậu bé 7 tuổi phát hiện ra trận bom ác liệt đã cướp đi mạng sống của mẹ, dì và chị mình.
Trung Anh chia sẻ anh không thể quên được giây phút tang tóc đau thương đó. Bố đang công tác ở Hà Nội, không biết làm cách nào để báo tin, anh đành cùng họ hàng và làng xóm làm đám tang cho người thân trong nước mắt cay đắng. Để tang xong, chú bé Trung Anh lúc bấy giờ quyết định cùng bác và một số người trong làng chân đất lếch thếch lên Hà Nội tìm bố.
Đoạn đường từ Hà Tĩnh lên Hà Nội là cả muôn trùng gian khó mà không phải đứa trẻ 7 tuổi nào cũng chịu được. Trung Anh thường xuyên phải ăn hoa quả dại và uống nước lã, đến tối thì xin người ta cho ngủ nhờ, nếu không đành vạ vật ngủ ở đống rơm vệ đường. Có những hôm, anh bị chó đuổi phải cắm đầu cắm cổ chạy như ăn trộm. Nói đến đây nụ cười hiền từ thoáng hiện trên khuôn mặt khắc khổ gầy gò của Trung Anh. Có lẽ anh đang tìm lại chút ký ức vui qua câu chuyện mình kể.
Ảnh thời trẻ của diễn viên Trung Anh và các đồng nghiệp
Hành trình lên Hà Nội quả thật gian lao. Trung Anh tâm sự anh không nhớ phải đi bao nhiêu ngày tháng mới tới nơi. Khi đến được Hà Nội, anh có cảm giác như mình vừa làm được một việc rất "ghê gớm", cộng với đó là sự lạ lẫm và hiếu kì. Thứ cảm xúc này đã gắn bó anh với Hà Nội cho đến tận bây giờ.
Những tháng ngày sau đó, Trung Anh và bố cùng nương tựa nhau vượt qua những mất mát. Bố anh đang làm hành chính tại Nhà hát kịch Hà Nội, cũng vì lẽ đó nên anh thường xuyên được tiếp xúc với nghệ thuật. Sau này, khi Nhà hát kịch Việt Nam có khóa đào tạo diễn viên đầu tiên, Trung Anh được các cô chú trong đoàn của bố khuyên nên đăng ký tham gia.
Vì chưa đam mê nghệ thuật nên anh không mấy mặn mà với khóa học này. Song, vì không muốn ảnh hưởng đến gia đình mới của bố nên anh quyết định đầu quân. Cùng khóa với anh lúc bấy giờ có nhiều nghệ sĩ gạo cội gắn liền với điện ảnh nước nhà như Lan Hương, Hương "Bông", Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Trinh…
Từng muốn bỏ nghề diễn đi xuất khẩu lao động
Nhờ môi trường học tập và sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, niềm đam mê nghệ thuật của Trung Anh cứ thế lớn dần lên. Sau 4 năm học hệ trung cấp, Trung Anh ra trường. Lúc này anh mới biết nếu muốn theo con đường nghệ thuật thì phải có niềm đam mê và sự chịu khó. Dù vậy, Trung Anh vẫn nguyện theo đuổi nghệ thuật đến cùng. Tiếc thay, khi vừa ra trường được 8 ngày, cũng chưa kịp tham gia bất kỳ vở kịch nào, Trung Anh nhận được giấy nhập ngũ lên đường đến biên giới phía bắc Móng Cái. Đóng quân cùng với anh còn có các bạn học cùng khóa như Đỗ Kỷ, Quốc Khánh và Trọng Trinh.
Sau hơn một năm đóng quân, Trung Anh, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh và Trọng Trinh được thủ trưởng ký lệnh cho ra quân sớm nhờ đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động của đơn vị. Trở về nhà hát kịch Việt Nam trong niềm vui sướng, nhưng Trung Anh không biết rằng có cả một chặng đường gian lao đang chờ mình phía trước. Sau 2 năm trong quân ngũ, khả năng và tư duy diễn xuất của anh có đôi phần kém hơn so với bạn bè đồng nghiệp. Vậy nên Trung Anh chỉ nhận được những vai diễn nhỏ, thậm chí chỉ là những vai quần chúng xuất hiện 5, 7 giây trên sân khấu.
Diễn viên Trung Anh từng nghĩ đến việc từ bỏ nghệ thuật để ra nước ngoài kiềm tiền.
Thời điểm đó, phong trào xuất khẩu lao động rộ lên mạnh mẽ, Trung Anh đã từng nghĩ đến việc từ bỏ nghệ thuật để ra nước ngoài kiếm tiền. Tuy nhiên, cái duyên với nghề diễn đã khiến anh không thể buông bỏ được. Nhìn lại những bộ phim và vở kịch mình đã từng tham gia, nhớ lại những quyết tâm khi theo đuổi nghiệp diễn và biết bao khó khăn mình đã trải qua, Trung Anh đã quyết định bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Anh nỗ lực học hỏi lối diễn từ các tiền bối, và nghiên cứu kịch bản sâu hơn. Dần dần, Trung Anh đã lấy lại được chỗ đứng của mình trong Nhà hát kịch Việt Nam.
Không chỉ bó buộc trên sân khấu kịch, Trung Anh còn nhận được khá nhiều vai diễn. Có một điều đặc biệt, anh như "đóng đinh" với những vai diễn khắc khổ. Chia sẻ về cái duyên này, Trung Anh cho biết vì mặt anh có nhiều nếp nhăn, khi lên hình những nếp nhăn đó càng ấn tượng, nên anh chưa diễn đã thấy rất khổ. Cũng vì thế mà các đạo diễn thường giao cho Trung Anh những vai diễn khổ hạnh. Mãi gần đây, khán giả truyền hình mới thấy anh bớt "khổ" hơn trong hai bộ phim Những công dân tập thể và Hôn nhân trong ngõ hẹp.
Tính đến thời điểm hiện tại, tuy đã tham gia rất nhiều phim, song Trung Anh vẫn chưa tìm được vai thỏa mãn được khát vọng diễn xuất của anh. Trung Anh thẳng thắn thừa nhận sở dĩ anh chưa có được vai diễn tỏa sáng trong sự nghiệp một phần là do chưa thể phát huy hết được khả năng diễn xuất của mình.
Thường vào vai khắc khổ nhưng diễn viên Trung Anh lại có cuộc sống khá hạnh phúc.
Vào vai khắc khổ nhiều nhưng cuộc sống của diễn viên Trung Anh lại không hề "khổ". Tuy mãi đến năm 36 tuổi mới lập gia đình, nhưng anh đã tìm được tình yêu đích thực của mình. Vợ Trung Anh kém anh 10 tuổi, hết mực yêu thương và ủng hộ chồng theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Mỗi lần Trung Anh đi công tác xa nhà, bà xã lại thay anh chăm lo gia đình để anh vững tin theo đuổi sự nghiệp.
Trung Anh bộc bạch dù nghiệp diễn không mang lại cho gia đình cuộc sống dư giả song anh vẫn luôn có niềm tin và đam mê cháy bỏng với các vai diễn. Anh cười nói: " Tôi sẽ tiếp tục đóng nhiều phim hơn nữa vì ngoài đóng phim tôi còn biết làm gì đâu".