Nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ có lẽ là nỗi đau bị phản bội. Nhưng có những sự phản bội lại được xem là "chính đáng", là tất lẽ dĩ ngẫu, bởi ngay từ đầu, cuộc hôn nhân ấy chẳng xuất phát từ tình yêu. Có một người đàn bà như thế, sinh ra đã mang phận phụ nữ, chỉ biết lầm lũi, cam chịu. Ngay cả đến người đàn ông mình sẽ dựa đến hết cuộc đời cũng an bài cho định mệnh. Rồi âm thầm đứng sau vun đắp cho ước vọng lớn lao của chồng, chăm sóc gia đình nhỏ nhưng chẳng bao giờ nhận ra hạnh phúc ngày hôm nay lại mong manh đến thế.
Lư Mộ Trinh - vợ đầu tiên của nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn chính là người phụ nữ lặng lẽ ấy. Nếu người ta biết đến Tống Khánh Linh là người ủng hộ, làm nên thành công của Tôn Trung Sơn thì chính Lư Mộ Trinh mới là người đồng cam cộng khổ, đặt nền móng cho mọi bước tiến sau này của nhà cách mạng lớn.
Cuộc hôn nhân không tình yêu
Tôn My - anh của Tôn Trung Sơn, nhận thấy em trai mình tính cách độc lập, ưa ngao du thì bàn với bố mẹ lấy vợ cho em để ổn định gia đình. Bấy giờ cùng làng có cô Lư Mộ Trinh, gia cảnh khá giả lại ngoan hiền, nết na nên được lọt vào tầm ngắm của nhà họ Tôn. Đúng như những gì đã sắp đặt, Tôn Trung Sơn thành gia lập thất khi vừa tròn 20.
Lư Mộ Trinh nổi tiếng đảm đang, hiền thục nhất vùng. Bà là người trầm tính nhưng lại đối xử rất tốt với mọi người. Bởi kết hôn để cha mẹ vui lòng nên không lâu sau đám cưới, Tôn Trung Sơn lại lên đường theo đuổi sự nghiệp học vấn. Dù ít về thăm nhà nhưng hễ mỗi lần chồng về, Mộ Trinh lại may cho ông một bộ quần áo, giày, tất mới.
Chân dung người phụ nữ đồng cam cộng khổ với Tôn Trung Sơn
Trong suốt thời gian Tôn Trung Sơn bôn ba khắp chốn, có về nhà cũng vùi đầu vào công việc, Mộ Trinh chẳng hề trách cứ chồng, trái lại luôn dịu dàng cảm thông và chăm sóc chồng chu đáo. Dù tình cảm nhung nhớ, yêu thương chẳng một lần bày tỏ nhưng mỗi khi tiễn chồng đi xa, Mộ Trinh lại lặng lẽ chuẩn bị hành trang chu đáo, đau đáu nhìn theo bóng chồng dần khuất.
Tôn Trung Sơn từng có thời bị coi là tội đồ phản nghịch và bị triều đình nhà Thanh truy nã. Thời gian ấy, cả nhà họ Tôn bị liên lụy. Bản thân Trung Sơn phải di chuyển nhiều nơi. Mộ Trinh đã sống suốt 12 năm tại nơi xa lạ mà chỉ được gặp chồng vẻn vẹn 3 lần. Sau khi mẹ chồng Mộ Trinh bệnh nặng qua đời, 3 mẹ con bà đành phải leo lắt chăm nhau dựa vào những đồng trợ cấp ít ỏi của người Hoa kiều trên đất Indonesia. Số lần ly tán và thay đổi chỗ ở của Mộ Trinh không sao đếm xuể. Bà phải chịu bao vất vả, thiệt thòi bởi sự nghiệp của chồng ba chìm bảy nổi.
Đến khi tình hình bình ổn, Mộ Trinh vẫn tận tụy chăm sóc chồng mà không bao giờ lộ diện trước đám đông. Nhưng chính những lần lưu vong của Tôn Trung Sơn đã khiến cuộc hôn nhân của họ kết thúc trong lạnh lẽo.
Hi sinh vì đại cuộc
Trong thời gian bôn ba khắp chốn, Tôn Trung Sơn đã đem lòng yêu con gái của bạn mình kém ông 26 tuổi là Tống Khánh Linh. Vượt qua mọi rào cản, họ bất chấp đến với nhau bởi tình yêu mãnh liệt. Tuy nhiên, trong mối quan hệ tay 3 ấy chưa bao giờ Tống Khánh Linh bị lên án hay Tôn Trung Sơn bị trách móc một lời.
Khi đem lòng yêu Khánh Linh, Tôn tiên sinh đã quyết định phải dứt khoát với vợ là Mộ Trinh để cả 3 không phải đau khổ. Giữa sự phản đối của các đồng chí cũng như gia đình họ Tống, Tôn Trung Sơn biết rằng chỉ có Mộ Trinh mới tháo gỡ được chuyện này.
Tại Nhật Bản, Trung Sơn và Mộ Trinh đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Sau khi quay ra, Lư Mộ Trinh đã khảng khái mà nói với mọi người rằng: "Tôn tiên sinh vì cách mạng bôn ba hải ngoại. Tôi cũng vì thế mà phải lang bạt khắp nơi, bản thân thấy đã mệt mỏi, giờ muốn về quê sống nốt quãng đời còn lại. Giờ có người sẵn sàng thay tôi chăm sóc tiên sinh, tôi chấp nhận ly hôn". Lời Lư Mộ Trinh nói ra như một phán quyết cuối cùng khiến tất cả đều im lặng chấp nhận kết quả.
Nguyên nhân sâu xa của việc "nhường chồng" cho người phụ nữ khác
Sự chấp thuận ly hôn một cách dễ dàng của Lư Mộ Trinh đều có lý do. Với một người phụ nữ thâm trầm, hiểu lý lẽ như bà thì để đưa ra quyết định ấy là điều cần thiết. Hơn ai hết, Mộ Trinh tự hiểu cuộc hôn nhân giữa bà và Tôn tiên sinh không xuất phát từ tình yêu. Bà lại phải sống xa chồng thường xuyên, nên việc xây dựng tình cảm vợ chồng là rất ít ỏi. Không va chạm, không tâm sự, sẻ chia, cuộc hôn nhân của Mộ Trinh căn bản chưa bao giờ có vị của hạnh phúc đích thực.
Bức ảnh gia đình của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn
Mộ Trinh sinh ra và lớn lên ở nông thôn, suy nghĩ vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến, của những người "phụ nữ bó chân". Ban đầu bà đã chấp nhận việc chồng mình có vợ lẽ nhưng Tôn Trung Sơn nhất quyết muốn dứt điểm. Vốn không chấp nhận chế độ đa thê ông lại càng tôn trọng cả hai người phụ nữ. Và xét về mọi mặt, Mộ Trinh tự nhận thấy mình không phù hợp đứng cạnh người đàn ông có lý tưởng lớn như Trung Sơn.
Thực chất, mọi sự buông bỏ chẳng bao giờ là dễ dàng. Mộ Trinh cũng đau buồn, cũng nuối tiếc nhưng bà hiểu được rằng: mình không thể đọc chữ, không biết tiếng Anh, không thể giúp chồng nếu chỉ quanh quẩn bếp núc, khâu vá. Và trên thực tế từ những gì Mộ Trinh đã trải qua, bà không còn đủ sức để chạy theo chồng những lần tha hương. Vậy là Mộ Trinh quyết định giao phó cha của 3 đứa con mình cho người phụ nữ thích hợp hơn. Đó là sự lựa chọn sáng suốt.
Sau đám cưới của Trung Sơn và Khánh Linh, Mộ Trinh chọn sống yên bình nơi quê nhà và tránh mặt chồng cũ. Tuy vậy, Tôn tiên sinh vẫn hỏi han, quan tâm bà. Giữa Mộ Trinh và Khánh Linh cũng không xảy ra mâu thuẫn, cũng có thể nói là chị em hòa thuận. Đây là cuộc ly hôn êm đềm nhất trong lịch sử.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho một số phận người phụ nữ bất hạnh như Mộ Trinh. Có lẽ, nếu không phải chọn sai người, sai thời điểm thì Mộ Trinh đã có thể được hạnh phúc bên một người đàn ông yêu thương bà thật sự. Nhưng tình cảm vốn dĩ không thể gượng ép, sự ra đi năm ấy của Mộ Trinh là hoàn toàn đúng đắn. Đôi khi, bỏ cuộc không phải thất bại mà là giải thoát cho chính mình.
Nguồn: Baike, Lishiquwen