Đó là trường hợp sản phụ L.T.X.L. (35 tuổi, ngụ ở tỉnh Bạc Liêu).

Theo hồ sơ, bệnh nhân có 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ.

Tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD), bệnh nhân được theo dõi sát sao thai kỳ đến tuần thứ 35.

Khi nhau đã xâm lấn đến bàng quang, thai phụ bị đau trằn rất khó chịu và đánh giá khả năng sống sau sinh của thai nhi tốt, các bác sĩ đã quyết định phối hợp liên chuyên khoa để phẫu thuật mổ bắt con và cứu tính mạng cho thai phụ.

"Thai phụ có vết mổ cũ 2 lần, khi bắt đầu thai kỳ cũng không đi khám thai nên lúc biết nhau bám vào vết mổ cũ thì đã quá trễ. Nhau bám vào vết mổ cũ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược – bánh nhau xuyên qua lớp cơ tử cung.

Nguy hiểm hơn, sản phụ này bị nhau cài răng lược thể nặng, nguy cơ chảy rất nhiều máu" - ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, khoa Phụ sản của BV cho biết.

"Cuộc mổ sinh tử" cứu người mẹ nguy kịch vì biến chứng sản khoa nguy hiểm: Cảnh báo quan niệm sinh con theo ngày - Ảnh 1.

Bác sĩ Kiều Dung khám cho người bệnh.

Hội chẩn qua hình ảnh học, các bác sĩ nghi ngờ có tổn thương tới một phần bàng quang rất nguy hiểm, ngoài nguy cơ chảy máu nhiều còn là nguy cơ tổn thương bàng quang hoặc niệu quản trong lúc phẫu thuật.

Quá trình mổ càng kéo dài càng gia tăng lượng máu mất lẫn biến chứng hậu phẫu. Tử cung khi có nhau cài răng lược chủ yếu sẽ được cấp máu từ động mạch chậu trong hai bên.

Do đó Khoa Sản đã đề nghị hỗ trợ chèn bóng vào động mạch chậu trong giúp cuộc mổ mất máu ít hơn, giảm thiểu rủi ro cho thai phụ.

Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được BV áp dụng cho đối tượng thai phụ.

"Cuộc mổ sinh tử" cứu người mẹ nguy kịch vì biến chứng sản khoa nguy hiểm: Cảnh báo quan niệm sinh con theo ngày - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật, tính mạng sản phụ được cứu.

Cuộc phẫu thuật diễn ra dưới sự phối hợp can thiệp của các bác sĩ Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Phụ sản. Sản phụ được mổ bắt con nhanh chóng rồi được tiếp tục chèn bóng vào động mạch chậu trong và kết thúc bằng việc cắt tử cung an toàn, rút bỏ bóng chèn.

Bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh. Vài ngày sau phẫu thuật, cũng hồi phục và xuất viện nhanh chóng.

TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng Khoa Phụ sản của BV cho biết, việc nhau bám chặt vào vùng tiền đạo đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân là do quan niệm chọn ngày, giờ sinh con khiến tình trạng mổ lấy thai ngày càng phổ biến. 

"Cuộc mổ sinh tử" cứu người mẹ nguy kịch vì biến chứng sản khoa nguy hiểm: Cảnh báo quan niệm sinh con theo ngày - Ảnh 3.

Các bác sĩ cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp.

Trước đây, phương tiện kỹ thuật hạn chế nên các bác sĩ chỉ cố gắng chuẩn bị thật nhiều máu và mổ thật nhanh để giảm chảy máu càng nhiều càng tốt.

Thành công  trong trường hợp của sản phụ L. đến từ việc xử lý đa chuyên khoa một cách nhịp nhàng.

Các bác sĩ cho biết, yếu tố nguy cơ của nhau cài răng lược là trên các vết mổ lấy thai cũ, càng mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần…

Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp.

Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp.