Chúng tôi tìm đến Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện C), một trong những nơi chữa hiếm muộn có chỉ số thành công cao nhất Việt Nam hiện nay, vào buổi sáng thứ 6.
Dù là gần cuối tuần nhưng lượng người đổ dồn về đây vẫn mỗi lúc một đông. Dù đã hơn 10 giờ sáng nhưng toàn bộ hành lang tầng 3 của Khoa vẫn chật kín, người đứng, người ngồi, những gương mặt ủ rũ, mệt mỏi vì đợi chờ thêm khắc khổ hơn.
Trả lời câu hỏi tò mò của chúng tôi về thời gian đến chữa, chị Ngọc quê ở Hải Dương thẫn thờ, “tôi và chồng đã chữa trị được 4 năm”.
Theo chị Ngọc, vợ chồng chị lấy nhau đã ngót nghét 5 năm nhưng mãi vẫn chưa có con. 2 vợ chồng đã đi khám Đông y, Tây y, rồi uống thuốc mà vẫn không được.
“Cách đây 2 năm, vợ chồng tôi có đi Bắc Ninh xem thầy bói. Mất cả tiền triệu để mua thuốc đặt vào mà cũng chẳng ăn thua. Thế rồi hai vợ chồng tôi cố dắt díu lên đây chữa trị. Thôi thì chịu khó mà có đứa con chết cũng nhắm được mắt”.
Tuy nhiên cuộc sống không phải ai cũng gặp may mắn, hạnh phúc với người này nhiều khi là bất hạnh với người khác. “Bác sĩ cho biết tử cung của tôi có vấn đề và phải cắt bỏ. Tôi đau đớn một thời gian dài và bây giờ hai vợ chồng tôi cũng đang có ý định tìm người mang thai hộ, không biết có kiếm đủ tiền mà nhờ không nữa”, chị Ngọc buồn bã.
Phòng lấy tinh chất tại Khoa hỗ trợ sinh sản, bệnh viện C
Vừa ngó vào phòng lấy tinh chất để xem chồng đã “xong việc” chưa, chị Hải ở Nam Định bần thần kể: " Suốt 2 tuần nay, hai vợ chồng chị cứ đi đi về về giữa Nam Định và Hà Nội để chữa trị. Hôm nay là ngày chồng lấy tinh chất, chờ từ nãy đến giờ vữa chưa thấy bóng chồng xuất hiện.”.
Rồi chị Hải tâm sự: “May mà từ ngày lấy nhau đến giờ, kinh tế hai bên gia đình khá giả chứ không thì vợ chồng tôi cũng điêu đứng. Các cụ lúc nào cũng mong vợ chồng có đứa con nên ra sức đầu tư cho 2 vợ chồng đi chữa trị, chứ cưới thì lâu rồi mà mãi không thấy gì. Đi khám này nọ, chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả. Nhưng thôi thì có tín mới được, hai vợ chồng tôi theo bác sĩ ở đây cũng ngót nghét được 3 năm”.
"Đôi vợ chồng đang xách cái làn đỏ kia cũng hoàn cảnh như vợ chồng tôi. Lần trước gặp còn lén lút, sợ bị phát hiện. Giờ thì gặp nhau thường xuyên vì giống nhau cả. Chồng tôi còn hay ngại chứ anh ấy thì cứ nói bô bô. Thực ra ở đây ai cũng thế nên chỉ cần đến vài ba lần chứ nói gì vài ba năm là biết hết hoàn cảnh của nhau”, chị Hải nói.
Chị Mai Thị Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) kết hôn được 3 năm nhưng có đến 2 lần sảy thai do gặp vấn đề về tử cung. Vài người rỉ tai cho biết, muốn có con, chị chỉ còn cách duy nhất là nhờ người khác mang thai.
Chị buồn bã: “Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, không có khả năng tài chính để ra nước ngoài làm dịch vụ nên chỉ còn biết vừa cố gắng kiếm người mang thai hộ, vừa tìm bác sĩ trợ giúp”.
Và rồi, may mắn đã mỉm cười khi chị gặp một một người bạn đồng ý giúp chị tìm người mang thai hộ. Đó là một cô gái trẻ, sinh năm 1988, đã có một con trai 3 tuổi. Cô ta cho hay, vì khó khăn quá nên quyết định mang thai hộ và ra giá 70 triệu đồng cho quá trình 9 tháng 10 ngày.
“Sau vài lần gặp gỡ và bàn bạc, vợ chồng tôi đồng ý, thuê cho gia đình người phụ nữ trẻ một căn phòng gần nhà mình để tiện chăm sóc khi thai nghén. Thực ra hôm nay tôi đang dẫn cô ấy đến đây để nghe tư vấn của bác sỹ đấy”, chị Anh thổ lộ.
Nhưng chị cũng tỏ vẻ lo lắng: “Thực ra mình cũng hoang mang lắm! Lỡ họ nhận tiền rồi bỏ đi thì sao, lỡ thất bại thụ thai thì thế nào, lỡ họ không trả lại con cho mình...thì cũng chết”.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Hà ở Quảng Ninh đã từng nuôi hy vọng có thể làm mẹ nên đã theo đuổi gần 10 năm chữa vô sinh, nhưng sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm vẫn không thành.
Ở tuổi ngấp nghé tứ tuần, vợ chồng chị khắc khoải mong con. Chị cho biết, cách đây không lâu hai vợ chồng có tìm được một người đồng ý cho anh chị mang thai hộ. Hai vợ chồng vay mượn, cắm sổ đỏ để làm.
Và hôm nay, vợ chồng tôi đến đây để xin bác sỹ tư vấn chứ nói thật cũng nghĩ đến việc đi xin đứa con nuôi. Tuy nhiên xin nuôi thì không khó nhưng không có huyết thống sau này có việc gì cũng khổ rồi trở tay không kịp”, chị Hà nói.