img

Chồng kiếm 100 triệu/ tháng nhưng giấu

Vợ chồng thu nhập cao thì có rất nhiều cái lợi khi có thể lo được tài chính cho gia đình. Thế nhưng, chỉ lương cao thôi chưa đủ! Người chồng hoặc người vợ nên thẳng thắn về tài chính gia đình với nhau thì mới mong đi được lâu dài.

Điển hình như mới đây, một cô vợ đã chia sẻ câu chuyện trong gia đình mình và nhận được nhiều sự đồng cảm:

"Khuya rồi mà lòng đầy ắp tâm sự. Chồng mình lương cao lắm, cao hơn rất nhiều so với mình. Lương mình chỉ 15 triệu/tháng còn lương anh thì gần 100 triệu sau khi đã trừ thuế. Ấy vậy mà anh giấu mình nói lương chỉ 3-40 triệu/tháng thôi. Mình biết anh nói dối nhưng không có bằng chứng nên không làm gì được.

Tháng trước anh bỏ tiền riêng ra xây nhà cho bố mẹ đẻ và bảo đó là tiền anh đi làm và gửi bố mẹ từ trước khi lấy mình. Dù sao cũng là bố mẹ anh nên mình cũng chẳng nói gì. Nhưng hôm qua anh cho vợ chồng em trai anh thêm tiền để mua mảnh đất phố trong khi nhà mình cấp 4 lại còn trong ngõ nhỏ, chỉ vừa cái xe máy.

Mình biết chuyện đã làm ầm lên và đề nghị ly hôn vì mình không muốn sống với người lúc nào cũng coi vợ là người ngoài như anh nữa. Mình thấy quá mệt mỏi với anh rồi. Mẹ chồng sang hòa giải mình cũng nói thẳng luôn vấn đề này ra, bà có vẻ bênh con trai nhưng thấy thái độ của mình nhất nhất muốn ly hôn nên bà có gọi anh đến hòa giải và nói với anh từ giờ phải đưa hết tiền cho mình quản lý, vợ chồng phải quy về 1 mối thì anh dạ vâng cho xong.

Mình thương con mình nhưng mình cảm thấy không còn niềm tin nơi chồng nữa. Liệu mình có nên chấm dứt cuộc hôn nhân này không? ".

Cuộc sống bất ổn trong gia đình có người chồng lương 100 triệu- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khuyên cho người vợ. Đa số đều cảm thông cho sự hụt hẫng và mất niềm tin ở người vợ khi chồng đã không thẳng thắn về nguồn thu nhập của mình.

Người chồng đã giấu tiền để xây nhà cho bố mẹ đẻ - nhưng điều này cũng không phải đáng trách khi người chồng có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thấy bức xúc giùm cho người vợ khi chồng đã không thông báo rõ về tài chính, và đem tiền cho em trai mà chưa hỏi qua hay thông báo trước với vợ. Một mối quan hệ thiếu đi sự tin tưởng, và có nhiều "góc khuất" như này thì về lâu dài, cũng sẽ khiến cho người vợ cảm thấy thiếu an toàn trong gia đình.

Tuy nhiên, có đến mức phải ly hôn hay không?

Đa số vẫn cho rằng, đây là câu hỏi mà chỉ người vợ mới biết được. Mặc dù người chồng thu nhập 100 triệu/tháng, và giấu lương thật, nhưng suy cho cùng vẫn có được mức thu nhập mà nhiều người đang mong ước, và vẫn đang đưa cho vợ 30-40 triệu/tháng. Vậy nên, nhiều người khuyên cô vợ hãy thử cho chồng thêm cơ hội 3-6 tháng xem có thực sự thay đổi không, và cũng có thể hỏi kĩ lý do mà chồng cố tình giấu thu nhập thực sự như vậy.

Tuy nhiên về lâu dài, 2 vợ chồng cần thực sự sòng phẳng với làm rõ chuyện tiền bạc với nhau thì mới mong đi được lâu dài được.

Cuộc sống bất ổn trong gia đình có người chồng lương 100 triệu- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Dưới đây là một số bình luận nổi bật:

- "Không nên tiêu cực vậy bác ơi! Thay vào đó, bạn nên thoả thuận lại việc đưa tiền cho vợ mỗi tháng bao nhiêu để lo cho con cái và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Thứ hai, nói về việc nên thẳng thắn trong cuộc sống bao gồm cả vấn đề thu nhập vì vợ chồng phải tin tưởng và thành thật với nhau. Sau đó, bạn nên dành thêm thời gian đầu tư cho bản thân, nâng cấp kiến thức, kỹ năng, chuyên môn để có thu nhập tốt hơn trong tương lai".

- "Cũng ko nên nóng vội chị ạ, đằng nào cũng có thể toang thì cứ cố gắng 1 thời gian nữa xem anh ấy có thay đổi không. Còn nếu không thay đổi thì mới nghĩ đến chuyện ly hôn. Nếu 2 vợ chồng không có sự tin tưởng lẫn nhau thì khác gì 2 người thuê chung nhà trọ ở với nhau đâu".

- "Em đang sống trong gia đình có hoàn cảnh như chị đây ạ. Chỉ khác là tiền lương bố mẹ em không cao bằng, viên chức nên chỉ đủ sống thôi. Nhưng phận làm con thì em ngán cái cảnh bố mẹ dè chừng giấu diếm nhau về tiền bạc nên lắm lúc cũng cơm không lành canh không ngọt, có chuyện gì lại lấy tiền bạc để nói. Không phải vì thiếu thốn, mà là vì không thống nhất được với nhau, nghi kị nhau mãi ấy ạ.

Em thấy về lâu về dài nếu 2 người, nhất là trong chuyện tài chính gia đình không có tiếng nói chung thì rất dễ xung đột, mà một khi đã mâu thuẫn nhau rồi thì người khó là con mình chứ chả ai khác. Nói thật lòng, những lúc đó rất chi là khó xử và mệt mỏi, vì con cái đứng giữa 2 bên mà.

Em thì không khuyên chị ly hôn, chỉ khuyên chị quan sát sự thay đổi của chồng chị thế nào, của nhà chồng ra sao. Sự cố gắng không phải chỉ đến từ 1 ai hết mà là sự vun đắp của cả 1 gia đình. Nếu chồng và gia đình chồng không hiểu cho chị thì chị cũng đừng để bản thân tổn thương và tủi thân thêm, không khéo lại ôm ấm ức đó kéo đến cả mấy chục năm sau như mẹ em đã từng. Em không bảo bố em không tốt, chỉ là ở 1 số phương diện thì em cảm thấy mẹ em đã chịu đựng quá lâu, áp vào trường hợp của chị nên em thấy thương và đồng cảm thôi ạ".

2 vợ chồng nên giữ cho riêng mình bao nhiêu quỹ riêng?

Trong cuộc sống hôn nhân, việc duy trì quỹ riêng cho mỗi người là cách để vợ chồng giữ được tự do cá nhân. Nhưng nếu không xử lý khéo léo, nó có thể trở thành nguồn gây bất hòa, thậm chí gây tan vỡ gia đình. Vậy nên nếu 2 vợ chồng quyết định giữ quy riêng cho mình, nên công khai với bạn đời của mình theo những nguyên tắc sau:

1. Thảo luận rõ ràng về việc có quỹ riêng

Để quản lý quỹ riêng mà không gây bất hòa, vợ chồng cần bắt đầu bằng việc thảo luận minh bạch về ý nghĩa và mục đích của nó. Hãy cùng nhau xác định quỹ riêng sẽ được dùng để làm gì – như mua sắm cá nhân, giải trí, tặng quà, hay hỗ trợ người thân – và số tiền bao nhiêu là hợp lý.

Ví dụ, nếu thu nhập chung là 30 triệu/tháng và gia đình chi 24 triệu, hai người có thể đồng ý giữ lại 2-3 triệu mỗi người làm quỹ riêng. Như trong nhiều gia đình, vợ thường quản lý quỹ chung, nên sự cởi mở về quỹ riêng giúp chồng cảm thấy được tôn trọng, tránh hiểu lầm rằng vợ kiểm soát toàn bộ tài chính.

Cuộc sống bất ổn trong gia đình có người chồng lương 100 triệu- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

2. Cân bằng giữa quỹ chung và quỹ riêng

Một cách xử lý quỹ riêng hiệu quả là phân bổ dựa trên tỷ lệ thu nhập, sau khi đã đáp ứng nhu cầu gia đình. Hai vợ chồng có thể góp 70-80% thu nhập vào quỹ chung cho các chi phí thiết yếu như nhà ở, thực phẩm, học phí con, và để lại 20-30% làm quỹ riêng. Chẳng hạn, với vợ kiếm 12 triệu và chồng kiếm 18 triệu, họ góp 80% thu nhập (9,6 triệu và 14,4 triệu) vào quỹ chung, giữ lại 2,4 triệu và 3,6 triệu làm quỹ riêng.

Cách này đảm bảo quỹ chung đủ để vận hành gia đình, trong khi quỹ riêng đủ để mỗi người tự do chi tiêu mà không gây áp lực tài chính.

3. Tôn trọng cách chi tiêu của vợ/chồng

Bất hòa thường xảy ra khi một người phán xét hoặc cố kiểm soát cách người kia dùng quỹ riêng. Để tránh điều này, vợ chồng cần thống nhất rằng quỹ riêng là không gian tự do, miễn là nó không ảnh hưởng đến trách nhiệm chung.

Ví dụ, nếu chồng dùng quỹ riêng để mua đồ chơi công nghệ, vợ không nên chỉ trích, và nếu vợ mua mỹ phẩm, chồng cũng nên tôn trọng. Thỏa thuận rõ ràng – như không dùng quỹ riêng cho các khoản lớn mà chưa bàn bạc – sẽ giúp cả hai cảm thấy công bằng.

4. Giữ giới hạn để quỹ riêng không lấn át mục tiêu chung

Dù quỹ riêng mang lại tự do, vợ chồng cần đặt giới hạn để nó không làm tổn hại đến mục tiêu tài chính chung, như tiết kiệm mua nhà hay nuôi con. Hãy đồng ý rằng quỹ riêng chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập (10-20%) và không được dùng cho các quyết định lớn như đầu tư hay vay nợ mà chưa có sự đồng thuận.

Ví dụ, nếu gia đình đặt mục tiêu tiết kiệm 5 triệu/tháng, cả hai có thể giới hạn quỹ riêng ở mức 1-2 triệu mỗi người, đảm bảo phần lớn thu nhập vẫn phục vụ lợi ích chung. Thảo luận định kỳ về mục tiêu tài chính sẽ giúp vợ chồng kiểm soát quỹ riêng, tránh tình trạng một người chi tiêu quá tay mà không biết đến kế hoạch lớn của gia đình.

5. Phải tạo được niềm tin và sự an toàn cho đối phương

Cuối cùng, cách xử lý quỹ riêng thành công phụ thuộc vào niềm tin và sự thấu hiểu giữa vợ chồng. Thảo luận hàng tháng về tài chính – bao gồm quỹ riêng và quỹ chung – sẽ giúp cả hai điều chỉnh kịp thời nếu có vấn đề, như khi quỹ riêng của một người bị lạm dụng gây thiếu hụt ngân sách gia đình. Bằng cách coi quỹ riêng như một phần của sự sẻ chia, vợ chồng sẽ biến nó thành công cụ củng cố mối quan hệ, giúp gia đình tránh bất hòa và ngày càng gắn bó.