Đồng hồ điểm 4h chiều, bà Đặng Thị Hải (56 tuổi, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) đi chiếc xe máy cũ chở hai thùng nước gạo, chính giữa là bì vỏ mít đi từ làng lụa Vạn Phúc về để kịp bữa chiều cho đàn heo, đàn bò ở nhà.

Đường vào nhà dốc, nhỏ hẹp, đất đá gồ ghề bà Hải không đi xe vào được. Gọi với cậu con trai cả ra giúp, bà ôm mớ rau vào trước cho đàn vịt đang bơi ở đầm sen trước nhà.

Chẳng nghỉ tay, bà ra sau nhà thăm mấy con heo sắp đẻ, hỏi con gái 13 tuổi đã cho heo ăn chưa, rồi lại ngược vào nhà. Nhìn thấy khu xưởng may của con gái bừa bộn, chẳng ai dọn dẹp, bà Hải lại xắn tay xếp từng tấm vải, quét dọn, rút ổ điện quấn để gọn phóng cháy nổ.

Xưởng may này hiện là tài sản quý giá nhất trong nhà. Năm trước con gái đi học may, bà vay mượn khắp nơi cùng số tiền bán cá, bán lợn được 100 triệu đồng, mua 6 chiếc máy may làm lại sàn nhà, mở xưởng cho con làm, tiện để sau này con trai ra tù có nghề hoà nhập cuộc sống.

“Chẳng ai dám thuê người từng đi tù làm việc, nên chị em phải tự bảo ban nhau cùng làm. Tôi cũng dễ quản lý hơn, tránh để con rơi vào cảnh tù tội lần nữa ”, bà Hải nói.

Bà Hải lập gia đình năm 20 tuổi với người đàn ông tên Năm trong làng. Một năm sau người phụ nữ hạ sinh con trai đầu lòng, sau đó cứ 2 năm bà lại sinh một bé. Bà hiện có 14 người con, gồm 8 trai, 6 gái.

Bà Hải thú thực, việc đẻ nhiều con là không có chủ đích. Bà mang thai lúc nào không hay, đến khi bụng to mới biết. Với bà con cái là lộc trời cho, nhiều người còn mất tiền mà không đẻ được nên cứ có bầu là bà sinh, đến khi nhìn lại hai vợ chồng đã có 14 bé.

Gia đình 16 người cùng nhau ở trong căn nhà tạm dựng trên dất dự án bỏ hoang, xung quanh là ao hồ. Vợ chồng bà tận dụng để thả con cá, nuôi con vịt, con heo lấy tiền nuôi các con.

Nhà đông con nên vợ chồng phải làm đủ nghề để lo bữa cơm. Ngoài thời gian làm đồng, chăn nuôi ở nhà, thời gian rảnh vợ chồng bà lại đi nhận bốc vác thuê, mò cua bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Sáng 4h thức dậy, tối có hôm 1-2h sáng mới được nghỉ ngơi. Thế nhưng có năm Tết đến, chồng con nằm viện, ở nhà bị trộm bà chẳng còn một đồng trong người, chạy khắp nơi mới vay được 200 nghìn đồng, cùng yến gạo để ăn Tết.

Căn nhà bà Hải được dựng trên đất dự án bỏ hoang, chẳng biết khi nào phải di chuyển.

Vất vả là thế nhưng bà Hải luôn cố gắng cho các con ăn học. Trong 14 người thì chỉ con lớn là học được tới lớp 11. Các anh em sau đều bỏ dở việc học khi chưa hết cấp 2. Hiện còn con trai thứ 13 đang đi học, bà cũng không biết khi nào thì con nghỉ.

“Hình như các con tôi không ai thích học ”, bà Hải thở dài nói.

Năm 2015, con út bệnh nặng qua đời, một năm sau chồng bà cũng mất. Gánh nặng cả gia đình dồn lên vai mình bà Hải, cuộc sống vốn vất vả càng thêm chật vật.

Một mình nuôi các con khôn lớn, người phụ nữ 56 tuổi chưa được nghỉ ngày nào. Lo các con lập gia đình bà lại phải nuôi thêm cháu khi người công việc không ổn định, người ly hôn chồng đòi về nhà.

Nỗi buồn tuổi lớn nhất của bà là 4 con trai rơi vào cảnh tù tội vì gây ra hàng loạt vụ cướp giật. Hôm công an tới nhà, bà Hải mới biết con bị bắt.

Bà luôn dạy các con đói cho sạch, rách cho thơm. Bà tuy nghèo nhưng chưa từng trộm cắp hay để ai nói điều ra tiếng vào. Các con thì ngược lại, không nghe lời dạy bảo, làm việc sai trái để phải trả giá đắt bằng những năm thanh xuân trong trại giam.

Hơn 30 năm từ ngày lập gia đình, điều mà bà hối hận nhất là không thể quan tâm các con theo đúng nghĩa, nhất là sau khi chồng qua đời để con đi vào con đường lạc lối.

Cuộc sống cực nhọc của người phụ nữ sinh 14 con ở Hà Nội - Ảnh 2.

Tận dụng đất trống, bà Hải dựng chuồng nuôi con lợn, thả con cá, cải thiện cuộc sống.

Để tiếp tục cuộc sống, bà Hải ngày ngày lọ mọ mò cua, bắt ốc, đi xin nước gạo tại các hàng ăn, khu chợ về chăm thêm đàn vịt, con heo, con bò. Đến mùa hoa sen tận dụng đầm nước trước nhà bà trồng hoa, thả con cá kiếm thêm thu nhập.

"Tài sản trong nhà là 4 con bò, 9 con lợn và đàn vịt 50 con ", bà Hải nói.

Cuộc sống mấy năm nay của bà ổn định hơn trước khi các con dần lớn. Bà Hải chỉ mong con trai cải tạo tốt sớm được trở về, các con khác có thể sớm ngày ổn định công việc, tự lo cho bản thân trước ngày bà già yếu đi.