Trung Quốc đang nằm trong nhóm những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Nếu xét trên số lượng liều, họ đã chạm mốc hơn 1 tỉ liều từ cách đây 1 tháng. Và một điều tất yếu, khi đa số đã được tiêm chủng, nhóm thiểu số khác biệt bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Theo CNN đưa tin, những cư dân chưa được tiêm chủng tại một số khu vực của Trung Quốc sẽ bị cấm sử dụng các dịch vụ công cộng - bao gồm bệnh viện, trường học, nhà dưỡng lão... Đây là thông báo do chính phủ Trung Quốc đưa ra, nhằm thúc đẩy mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số trong đại dịch Covid-19.

Trong tuần qua, hàng chục quận huyện tại ít nhất 8 tỉnh của Trung Quốc đã ra công bố cảnh báo người dân chậm nhất là đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để tới tiêm chủng. Sau thời hạn này, họ sẽ phải chịu đựng rất nhiều hạn chế trong cuộc sống thường ngày.

"Tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, và với tôi nó bắt đầu từ tiêm chủng," - trích trong văn bản thông báo của huyện Định Nam (Giang Tây, Trung Quốc). Bản thông báo nhấn mạnh rằng những người chưa được tiêm chủng sẽ bị từ chối khỏi nhiều dịch vụ, từ trường học, phương tiện công cộng, cho đến cơ sở y tế, bắt đầu từ ngày 26/7. 

Như đã nêu, các quy định được đưa ra nhằm hoàn thành chỉ đạo đạt được "miễn dịch cộng đồng" - bao gồm cả những người được tiêm chủng lẫn đã nhiễm và khỏi bệnh - vào tháng 12 năm nay.

Shao Yiming, chuyên gia dịch tễ của CDC Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh) cho biết, với tỉ lệ hiệu quả phòng ngừa dưới mốc 100%, Trung Quốc sẽ cần phải tiêm chủng toàn bộ cho 80% - 85% cư dân - tương đương với 1 tỉ người cho đến tháng 12.

Ở thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nhiều người dân đang cảm thấy xem nhẹ sự cần thiết của vaccine. Các bê bối tiêm chủng trước kia cũng khiến nhiều người cảm thấy ngần ngại. Nhưng những ổ dịch xuất hiện thời gian gần đây - bao gồm ổ dịch phía Bắc tỉnh An Huy, Liêu Ninh và phía Nam Quảng Đông - đã khiến việc triển khai tiêm vaccine trở nên gấp rút.

Cuộc sống đổi thay của những người chưa tiêm vaccine tại Trung Quốc: Bơ vơ, lạc lõng và phân biệt - Ảnh 2.

Trên toàn Trung Quốc, tỉ lệ tiêm chủng vẫn đang đẩy nhanh, với tốc độ trung bình lên tới 10 triệu liều mỗi ngày. Hôm 14/7, chính phủ Trung Quốc công bố đã quản lý 1,4 tỉ liều vaccine (ngang ngửa với quy mô dân số của họ), nhưng không rõ có bao nhiêu phần trăm được nhận đủ 2 liều.

Với chiến dịch mới để thuyết phục người dân tiêm chủng, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều lợi ích dành cho họ - từ voucher khuyến mãi mua sắm, tặng kem hoặc nhu yếu phẩm miễn phí... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều người chưa được tiêm chủ yếu đang ở những khu vực khó tiếp cận như các vùng quê hẻo lánh, qua đó đòi hỏi phải có những biện pháp khác nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tiêm chủng bắt buộc

2 tuần đầu của tháng 7/2021, ít nhất 50 huyện trên 12 tỉnh Trung Quốc đã ban hành quy định mới để kích thích người dân đi tiêm chủng, kèm theo lời cảnh báo: "Những người không tiêm sẽ phải chịu khá nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày". Hiện tại, thông báo như vậy đã xuất hiện ở các tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Giang Tô, Giang Tây, Quảng Tây, An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Chiết Giang và Nội Mông.

Trên thực tế, các khu vực áp dụng quy định trên có quy mô khá nhỏ so với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Thành phố lớn nhất là Tảo Trang (Sơn Đông) cũng chỉ có dân số khoảng 4,2 triệu người. 

Cuộc sống đổi thay của những người chưa tiêm vaccine tại Trung Quốc: Bơ vơ, lạc lõng và phân biệt - Ảnh 3.

Các quy định cũng khác biệt khá nhiều theo từng khu vực. Tại 33 huyện, hồ sơ tiêm chủng sẽ được kiểm tra ngay lối vào các cơ sở công cộng - bao gồm tòa nhà dịch vụ công và bệnh viện, sau đó khuyến khích ai chưa tiêm đi tiêm chủng. Nhưng có đến 19 huyện áp dụng biện pháp mạnh, đặt hạn định cho những người chưa tiêm vaccine phải hoàn tất tiêm chủng, nếu không sẽ bị cấm sử dụng các dịch vụ.

"Bắt đầu từ ngày 17/7, những người chưa tiêm chủng sẽ không được đến những cơ sở trọng yếu, như bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường học, thư viện..." - trích trong thông báo tại Tỉnh Nghiên, Tứ Xuyên, đồng thời bổ sung một số ngoại lệ dành cho những người không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe. Bản thông báo cũng cho biết nhân viên siêu thị chưa tiêm chủng sẽ không được làm việc, cho đến khi hoàn tất.

Một số huyện thậm chí còn gay gắt hơn. Tại Quảng Tây, hai thành phố Quý Bình và Bắc Lưu đều khẳng định học sinh, sinh viên sẽ không được đến trường cho đến khi bố mẹ được tiêm chủng đầy đủ. Sau khi hứng chịu phản ứng từ cư dân mạng, bản thông báo đã bị xóa bỏ, nhưng chưa rõ các quy định này có áp dụng hay không.

Tại Đường Hà, Hà Nam, chính quyền địa phương sẵn sàng cắt lương các công nhân viên nếu họ từ chối tiêm chủng.

Những người lạc lõng

Trung Quốc không phải là nơi đầu tiên ban hành lệnh tiêm chủng bắt buộc cho người lao động các ngành thiết yếu, hoặc hạn chế với những ai chưa tiêm chủng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu mọi nhân viên y tế phải tiêm chủng nếu không muốn mất việc, đồng thời ban bố quy định chỉ những người được tiêm 2 mũi mới được vào bệnh viện, nhà hàng và di chuyển bằng phương tiện công cộng kể từ tháng 8/2021.

Cuộc sống đổi thay của những người chưa tiêm vaccine tại Trung Quốc: Bơ vơ, lạc lõng và phân biệt - Ảnh 4.

Tương tự, Úc cũng yêu cầu mọi nhân viên chăm sóc người cao tuổi phải tiêm ít nhất 1 mũi vào trước thời điểm giữa tháng 9. Tuy nhiên, yêu cầu của Trung Quốc có phần hà khắc hơn, và dẫn đến lo ngại về sự phân biệt dành cho những người chưa tiêm.

Shen Kui, giám đốc trung tâm nghiên cứu về nhân quyền và luật pháp tại ĐH Peking nhận định: "Những người chưa tiêm sẽ gặp rất nhiều rào cản trong cuộc sống. Cách duy nhất để né những rào cản này là tiêm chủng."

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa chính thức ban hành lệnh tiêm chủng bắt buộc với Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu miễn dịch cộng đồng từ trung ương khiến cho chính quyền địa phương chịu áp lực để đáp ứng, và họ sẽ làm mọi cách có thể.

Yanzhong Huang - chuyên gia của ban đối ngoại cho rằng nếu muốn mục tiêu này đạt được, Trung Quốc cần phải sớm công bố vaccine là yêu cầu bắt buộc. "Với bất kỳ loại vaccine nào có tỉ lệ hiệu quả dưới 80% cần phải tiêm chủng cho toàn bộ dân số, việc chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng là không thể đạt được mục tiêu này."

Trung Quốc đã cho phép 5 loại vaccine nội địa được sử dụng: 2 loại của Sinopharm - do chính phủ tài trợ, 1 của Sinovac, 1 của CanSino và 1 của Anhui Zhifei. Phần đông dân số sẽ được tiêm Sinopharm hoặc Sinovac. 

Nguồn: CNN