Nụ cười của hai con cho tôi thêm nghị lực
Chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi) ở ấp An Thới, xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang) vào những ngày tết âm lịch Ất Mùi đã cận kề.
Hai bên con đường đất ven kênh dẫn vào nhà anh Nam, người dân đang “tay xách nách mang” những chậu hoa từ ruộng lên xe giao cho thương lái cho kịp bán trong dịp Tết.
Cuối con đường là căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm nép bên dòng kênh. Trong căn nhà tĩnh mịch, anh Nam đang ngồi chăm chú đọc sách bên cửa sổ. Thấy có người đến anh Nam vội rời mắt khỏi quyển kinh sách đang đọc dở, nở nụ cười hiền chào khách.
Người đàn ông với chiếc nạng bên cạnh bước nhẹ từng bước khó nhọc đến nắm tay từng người. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên anh Nam giải thích, tháng trước có nhà hảo tâm tặng cho chiếc chân giả.
Anh ngồi xuống để cặp nạng bên cạnh đưa tay sờ chiếc chân giả và nói, những ngày hai cha con điều trị ở bệnh viện rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến thăm, chia sẻ, gửi tiền ủng hộ.
Từ khi đi lắp chân giả nhà hảo tâm gửi tặng, anh Nam vẫn rất ngượng chưa thể di chuyển thuần thục được nên vẫn phải dùng đôi nạng
Đến nay số tiền đã lên đến vài tỷ, đây là một số tiền lớn mà cả đời anh không dám nghĩ tới.
“Khi hai cha con về nhà, những người trong ấp nói gia đình tôi trong cái họa lại có cái may, được nhiều người chia sẻ ủng hộ.
Nghe nói vậy tôi nghĩ họ đang động viên mình, còn sự mất mát của gia đình thì không phải ngày một ngày hai cha con tôi có thể quên được.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến nhưng nhà hảo tâm đã chia sẻ, giúp gia đình trong lúc khó khăn hoạn nạn. Giờ số tiền đã được gửi vào ngân hàng và tôi sẽ có kế hoạch sử dụng hiệu quả để nuôi hai con nên người”, anh Nam tâm sự.
Trong nhà anh Nam đồ đạc được sắp xếp gọn gàng nhưng chưa hề có không khí Tết.
“Mọi năm đến tầm này vợ tôi mua hoa về trưng ở nhà rồi nhưng năm nay tôi bị thế này, mẹ thì lớn tuổi nên chưa chuẩn bị được gì cả”, anh Nam cho biết.
Không thấy bé Nguyễn Quốc Huy đâu chúng tôi hỏi thì anh cho biết đang gửi hai cháu bên ngoại. Anh về thăm nhà rồi lại qua đó.
“Tôi bây giờ chân cũng chưa khỏi hẳn, chưa đi lại được chăm sóc bản thân cũng khó khăn nên gửi cháu bên đó nhờ ông bà và dì chăm sóc.
Nhiều lúc nghĩ 3 cha con sau này sẽ sống thế nào mà thấy buồn nhưng mỗi lần buồn nhìn hai đứa nhỏ trêu đùa nhau cười tôi lại có thêm nghị lực. Giá như…”.
Mỗi lần đi ra ngoài anh Nam phải nhờ người chở đi và luôn mang theo đôi nạng bên mình
Nhắc đến con giọng anh Nam bỗng chậm lại nghẹn ứ ở cổ, anh nhìn ra cửa đôi mắt chớp nhanh.
Không khí trong nhà đang trầm theo lời kể của anh thì ngoài ngõ có tiếng gọi lớn “Nam ơi đi qua bển thôi!”. Đó là tiếng gọi của một người anh họ đến đón anh Nam và chở qua bên chỗ bé Quốc Huy.
Xây dựng tương lai trên vùng đất cũ
Anh Nam đứng lên với lấy chiếc nạng bên cạnh rồi rủ chúng tôi qua bên nhà ngoại thăm cháu bé Quốc Huy. Vừa dứt lời anh chống nạng đến bên chiếc xe máy đang đợi sẵn rồi cẩn thận từng động tác ngồi lên.
Chiếc xe chạy khoảng 20 phút thì dừng lại trước ngôi nhà, từ bên trong bé Huyền chạy ra ôm chân lấy cha và hỏi ngây thơ: “Ba đến thăm con và em hả ba, em đang ngủ ba ạ”.
Nghe nói vậy anh lấy tay xoa nhè nhẹ lên đầu con gái rồi cùng nhau đi vào trong nhà.
Anh bước thẳng đến bên chiếc võng nhẹ nhàng lấy tay đưa rồi nhìn con đang say giấc. Từ phía trong tiếng nói của người em vợ vọng ra: “Cháu mới uống sữa xong đó anh, để cháu ngủ một lát đi”.
Anh nhìn đứa con trai đang ngủ mà lâu lâu giật mình lại giơ chân không lành lặn lên đạp đạp rồi lại ngủ tiếp.
Theo lời anh Nam thì trước đây hai vợ chồng anh ở bên Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để làm ruộng của anh và của gia đình bên vợ.
Hai vợ chồng bàn với nhau cố gắng làm lụng vài năm để có tiền xây nhà và đưa các về sống cùng. Nhưng hai vợ chồng chưa thực hiện thì…
Giờ còn một mình anh, rơi vào hoàn cảnh "gà trống nuôi con", cha tàn con phế không còn khả năng lao động nhưng anh vẫn sẽ trở về nơi hai vợ chồng từng gắn bó. Anh sẽ mua thêm ruộng và cho người khác thuê để có thêm thu nhập nuôi con.
Dù vợ đã mất nhưng trong dịp Tết này và những Tết về sau anh vẫn đưa con về thăm nhà nội, nhà ngoại như thói quen mà hai vợ chồng anh chị thường làm trước đây.
Nói về dự định trong dịp Tết này anh Nam cho biết, tết năm nay sẽ đưa hai cháu về bên nội ăn tết cùng ông bà. Đến mồng 2 sẽ đưa các cháu về lại bên ngoại. Trước đây hai vợ chồng thường làm như vậy và giờ còn mình anh, anh sẽ vẫn cố gắng giữ và thực hiện.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng kêu của bé Huyền: “Ba ơi em dậy rồi nè”. Trong võng, bé Quốc Huy nhoẻn miệng cười như lời chào mọi người.
Anh Nam với lấy chiếc chiếu trải giữa nhà rồi ba cha con cùng nhau nô đùa. Bé Huyền ngây thơ hỏi: “Ba ơi chân bên này của em bị sao vậy?”. Anh Nam nghĩ một lát không trả lời mà nói: “Chị hai hỏi con kìa”.
Bé Quốc Huy giơ chân lên đạp đạp, để hở vết thương mới được gỡ băng. Ở ngoài sân ông Nguyễn Văn Khoảnh, 55 tuổi là cha vợ anh Nam vừa đưa về nhà cây mai chuẩn bị trưng trong dịp Tết.
Vừa vặt lá mai ông Khoảnh vừa nói: “Chuyện gì qua thì cho qua đi thôi, năm mới sắp đến rồi, giờ là lúc chúng ta nghĩ về tương lai hai đứa cháu”.
Trước đó vào ngày 25/10/2014 trên đường đưa vợ vào bệnh viện để sinh đứa con thứ 2, một chiếc xe bồn đã húc vào xe máy anh Nam đang điều khiển. Anh và vợ ngã xuống đường.
Vụ tai nạn thương tâm khiến vợ anh qua đời và hài nhi trong bụng văng ra ngoài. Chiếc xe tiếp tục cán đứt một chân anh và một chân của bé sơ sinh mới chào đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Hai cha con anh được người dân đưa vào bệnh viện Long Xuyên rồi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu.
Sau gần một tháng điều trị hai cha con anh xuất viện trong sự chào đón của những người thân trong gia đình.