Niềm tự hào trong dĩ vãng
Những năm 1960 – 1986, nhà chung cư cũ (nhà tập thể) đã chiếm tỷ lệ 7,5% tổng quỹ nhà toàn quốc, 50% quỹ nhà của Hà Nội. Các khu tập thể như Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Trung Tự, Kim Liên, Tân Mai,… từng là những cái tên quen thuộc và là niềm tự hào của một thế hệ người Hà Nội.
Bởi chung cư cũ từng là biểu tượng của nếp sống văn minh và thời thượng, là sự công nhận cống hiến của người lao động với cơ quan. Do đó, chỉ cán bộ và người có thu nhập tốt mới có thể làm chủ một căn hộ trong những khu chung cư này.
Hình ảnh khu tập thể Nguyễn Công Trứ trước đây. Ảnh: NSNA Đỗ Huân.
Bố mẹ bà V. (78 tuổi) cư dân chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) cũng từng rất hạnh phúc khi trở thành những cư dân đầu tiên của nhà G6A Thành Công vào năm 1986, ngay sau khi họ về hưu.
“Tòa chung cư 4 tầng màu vàng nằm sừng sững giữa bạt ngạt bãi rau muống, cạnh hồ Thành Công thời ấy là niềm tự hào của bố mẹ và cả nhà tôi khi ấy”, bà V. nói.
Hình ảnh tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình) năm 1991. Ảnh: Internet.
Còn với ông Nguyễn Quang Gắng (73 tuổi) thì việc có nhà tại tập thể A7 Tân Mai, (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) những năm 1984 là niềm hãnh diện của 3 đứa con ông.
Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, niềm tự hào của bà V, ông Gắng và các con về chung cư cũ không còn vì chúng đang trở thành mảng tối trong bức tranh đô thị. Tình trạng tòa nhà bị sụt lún, xuống cấp, tường nứt vỡ, sắt thép han gỉ,… diễn ra phổ biến.
Hình ảnh tòa chung cư vững chãi trong bài văn năm xưa của các con ông Gắng nay đã thay thế bằng hình ảnh tòa nhà “chống nạng” , cầu thang nứt toác, đang tách rời tường,... trở thành nỗi ám ảnh trong mắt các cháu của ông Gắng.
Chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Lộc Liên.
Chung cư cũ từng là niềm tự hào của các con ông Gắng (Nhà A7 Tân Mai, Hoàng Mai) thì nay đã trở thành nỗi ám ảnh với các cháu của ông Gắng. (Ảnh Lộc Liên)
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo thống kê, hiện TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ với qui mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu ở ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm (là khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung đã được được phê duyệt) và một số khu tại Hoàng Mai, Thanh Xuân... đa số đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân theo Nghị định 61/CP.
Hầu hết các khu chung cư này đã và đang xuống cấp về chất lượng công trình cũng như quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cần phải được cải tạo, xây dựng lại.
Trong đó, 10 khu chung cư cũ ưu tiên cải tạo đợt 1 gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Tập thể A7 Tân Mai (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) đang xuống cấp từng ngày, phải "chống nạng" để tránh đổ sập. Ảnh Lộc Liên.
Trong nỗ lực đem lại một cuộc sống an toàn, chất lượng hơn cho cư dân ở các khu chung cư cũ, TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay số lượng chung cư cũ được cải tạo trên địa bàn TP vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi việc cân bằng hài hòa giữa lợi ích của người dân, nhà đầu tư... là vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách cải tạo chung cư và sẵn sàng di dời nếu được đối thoại rõ ràng về tiến độ cải tạo, thời gian tái định cư và các vấn đề liên quan với chủ đầu tư hoặc đơn vị liên quan”, ông H., cư dân nhà G6A Thành công nói.
Nhìn nhận thực tế, nguồn vốn nhà nước không thể lo sửa hết các khu chung cư cũ nên kêu gọi "xã hội hóa" bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều dự án cải tạo chung cư đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư, trong khi đó phương án hỗ trợ tạm cư, tái định cư chưa thể hiện rõ về thời gian, tiến độ. Bên cạnh đó, một số nhà tái định cư cũng đang xuống cấp dẫn đến việc nhiều hộ dân chưa đồng ý với phương án tái định cư, chưa chịu di dời... (CÒN TIẾP)
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng mới đây đi kiểm tra thực địa nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình), nhà B3, B4 Khu tập thể Khương Thượng và nhà C5 Khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa). Đây là các chung cư trong kế hoạch cải tạo đợt 1 với các mốc tiến độ cụ thể. Tuy nhiên, công tác triển khai cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng khẳng định, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của thành phố trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân. Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, cho thấy sự quyết tâm chính trị cao của thành phố trong công tác này.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai các bước cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân.