Không khí im lìm trong khu ký túc xá.
Mỗi căn phòng ở đây có diện tích xấp xỉ 100 mét vuông, chia làm 2 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh dành cho 20 công nhân. 20 nữ công nhân được chọn ngẫu nhiên để cùng sinh sống trong một căn phòng.
Đa phần họ đều làm khác xưởng khác ca nhau nên đây cũng chính là điểm hạn chế cho sự giao tiếp giữa nhưng công nhân sống chung.
Chị Tâm, 1 nữ công nhân, cho biết đã nhiều lần có sự xích mích giữa các thành viên trong phòng chị. Cũng có không ít lần các thành viên trong phòng kêu mất đồ cá nhân. Chị Tâm chia sẻ: “Bọn em ở đây 9 người 10 tính thì tránh sao được những chuyện như vậy. Bọn em sống ở đây khép kín lắm, chẳng biết ai tốt ai xấu mà kết thân cả”.
Quan sát quanh phòng chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì quá nhiều nồi cơm điện và ấm đun nước. Đem thắc mắc đó ra hỏi thì được biết ở đây mỗi người đều tự sắm cho mình để đun nấu và ăn riêng. Cho dù giá cả sinh hoạt tại khu vực không quá đắt đỏ, nhưng các chị em công nhân tại đây hạn chế tới mức tối thiểu các khoản chi tiêu.
Cuộc sống khép kín trong một căn phòng ở ký túc xá.
Cuộc sống của họ ngày lại ngày, một vòng tròn khép kín. Làm ca 12 tiếng, rời xưởng về tới phòng là chỉ kịp rửa mặt mũi chân tay rồi lăn ra ngủ. Ngủ dậy tắm rửa chạy ù ra chợ làm mớ rau bìa đậu về cơm nước rồi lại vào ca. Mọi sinh hoạt của các nữ công nhân đều khép kín trong tòa nhà, thi thoảng chạy sang phòng của đồng hương chơi, hầu như không có mối giao lưu với bên ngoài.
Rồi Tâm nói một câu khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ: “Mang tiếng lên đây học nghề rồi làm công nhân, nhưng bọn em có biết gì khác ngoài một vài thao tác trên dây chuyền đâu”.
Cơ hội để gặp gỡ, lập gia đình của các nữ công nhân rất hiếm.