Đến xã Minh Khai nhiều người sẽ choáng ngợp hình ảnh phơi phóng và mùi thơm nồng, rất hấp dẫn bởi những phên bánh vừa được đưa ra từ các lò sản xuất bún, miến của các hộ dân xung quanh.
Đặc biệt những ngày cuối năm, hầu hết các cánh đồng, sân chơi và mọi khoảng không gian trống đều được các nông dân cần lao tận dụng để gia tăng năng suất, kịp thời đáp ứng cho thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán đang đến dần.
Bí quyết làm ra sản phẩm có hương vị đặc thù
Thăm làng sản xuất bún miến, bánh phở lớn nhất Hà Nội
Trao đổi với chúng tôi, một người dân địa phương cho hay, làng nghề sản xuất bún, miến thuộc xã Minh Khai đã có thương hiệu và uy tín từ nhiều năm nay vì sản phẩm của họ được thị trường khắp nơi tiêu thụ. Bình quân một hộ gia đình sản xuất khoảng 6 - 7 tạ bánh mỗi ngày, với công nghệ tiên tiến được đưa vào áp dụng nhưng không thể không phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết mưa rét, thiếu ánh nắng thì hầu hết các cơ sở sản xuất bánh đều dừng hoạt động.
"Muốn có được sản phẩm thơm, ngon, thì phải phụ thuộc vào thời tiết", một chủ hộ chuyên sản xuất miến dong cho hay.
Cũng tiết lộ bí quyết thành công trong lĩnh vực sản xuất bún, bánh phở khô, một chủ hộ cho hay, dù đã có lò sấy nhưng đó chỉ là phương án tạm thời.
"Lò sấy chỉ giải quyết cho một số ít, trong khi đó với số lượng hàng tấn bánh mỗi ngày thì không đủ chi phí cho tiền điện. Mặt khác, độ nóng của lò sấy không bằng ngoài tự nhiên, ánh sáng, nhiệt độ ngoài tự nhiên sẽ làm cho sợi bánh khô đều, săn chắc, dai, hấp thụ sâu nên có độ thơm đặc biệt".
Không chỉ phụ thuộc vào thời tiết, nghề sản xuất bánh, bún, miến có đặc thù riêng theo một quy trình khép kín, các khâu đoạn không thể đứt gãy.
Hàng ngày, bà con đều dậy sớm từ 3h sáng để ngâm gạo, ngâm dong, rồi đến khâu đoạn xay ra bột. Tiếp đến là guồng máy cho ra các loại bánh, đến đây cũng là lúc ánh sáng mặt trời bắt đầu xuất hiện, bà con lại tất bật chuyển những phên bánh ra cánh đồng. Tận dụng ánh nắng của mặt trời để bánh gạo khô, thơm đậm chất đồng quê.
"Gạo, sắn, dong nói chung là nông sản không được ngâm quá thời gian, xay bột xong cũng không được để quá lâu, mà phải đưa vào quy trình sản xuất theo dây chuyền. Chỉ một khâu đoạn tắc, các nhịp sau bị gãy thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm", một chủ cơ sở tiết lộ kinh nghiệm.
Nhiều sản phẩm đạt OCOP
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Thao - Phó chủ tịch UBND xã Minh Khai, huyện Hoài Đức thông tin, toàn xã có 175 hộ sản xuất bún khô, 39 hộ sản xuất miến khô.
"Trung bình sản xuất của 1 hộ trên tháng: bún 1 tháng 10 tấn/hộ; miến 12 tấn/hộ xuất ra thị trường. Sản phẩm các hộ đều sản xuất đảm bảo Vệ sinh An toàn Thực phẩm".
Ông Thao cung cấp thêm, toàn xã hiện nay có 24 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 16 sản phẩm miến dong, bún khô các loại và 8 sản phẩm thuộc loại gia vị.
Theo lãnh đạo địa phương, với việc phát huy làng nghề truyền thống, các hộ sản xuất trên địa bàn xã đã giải quyết cho mỗi hộ gia đình từ 3 đến 4 lao động. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn xã đạt: 69,5 triệu/người/năm.
Được biết, xã Minh Khai là một trong những địa phương đi đầu của huyện, tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bún miến phở khô Minh Khai" để nâng cao vị thế cho sản phẩm làng nghề đồng thời lan tỏa thương hiệu làng nghề đến bạn bè quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp của Minh Khai đã xuất khẩu bún khô, miến dong đến các thị trường quốc tế như: Nga, Hàn Quốc, Hà Lan… Ngoài miến dong, còn có miến khoai lang, khoai tây, bún phở khô, gạo lứt, miến sắn dây vừa đa dạng các loại sản phẩm vừa góp phần phong phú cho hương vị ẩm thực Việt Nam.