Chỉ còn hơn 1 tháng nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài nhất năm - Tết Âm lịch. Nếu như mọi năm, đây là dịp mà hầu như tất cả mọi người đều mong chờ sau một năm vất vả làm việc xa nhà thì đây là dịp để họ có thể đoàn viên cùng gia đình, nghỉ ngơi sau 1 năm cố gắng làm việc. Tuy nhiên năm nay, Tết sẽ rất khác.
Năm vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh hoặc thậm chí đình trệ sản xuất hay phá sản, hàng nghìn người lao động vì thế lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì ổ dịch, vì F0, vì phong tỏa, cách ly mà dù không hề muốn họ đã phải nghỉ rất rất nhiều. Bởi thế, không ít người không coi Tết năm nay là dịp để về quê, để nghỉ ngơi tận hưởng nữa. Thay vào đó, họ muốn dành thời gian này để làm việc, bù lại khoảng thời gian đình trệ vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thứ mỗi người lao động mong chờ nhất vào dịp Tết đó là thưởng, thì năm nay cũng còn mịt mờ, chưa rõ ràng. Tầm này mọi năm, nhiều công ty đã thông báo lịch nghỉ Tết và chuyển lương tháng thứ 13 và thưởng Tết rầm rộ.
Năm nay, mọi thứ im ắng hơn rất nhiều.
Kịch bản không có thưởng Tết nào cả đã rất gần, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, câu hỏi bật ra trong đầu mỗi người ngay lúc này, Tết liệu có còn là thời gian nghỉ ngơi?
Một năm ở nhà mất mấy tháng vì dịch, Tết liệu có còn muốn nghỉ?
Chỉ còn 2 tuần nữa là bước sang năm mới, chị Trần Thị T. (28 tuổi, quê Nghệ An) - nhân viên hành chính văn phòng cho một công ty tuyển dụng bảo vệ có trụ sở tại Hà Nội bắt đầu lo lắng về lương thưởng khi nhìn lại số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tài khoản.
Chị cho biết, trong một năm qua, mặc dù công ty không phải đóng cửa vì giãn cách, tuy nhiên cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, phải chật vật xoay xở. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, khối lượng khách hàng giảm đáng kể, từ đó khối lượng công việc ít đi, nhân sự được chia ra để đi làm cách ngày (ngày làm, ngày nghỉ). Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chị. Hầu như mỗi tháng chị chỉ nhận được đúng lương cơ bản mà không có thêm bất cứ nguồn thu nào khác.
Chị T. càng rầu rĩ hơn khi công ty vẫn chưa có thông báo nào về việc thưởng Tết. Và theo đà này, gần như chị chắc chắn rằng, năm nay sẽ không có thưởng. Hơn nửa năm thu nhập giảm, và một cái Tết không một đồng tiền thưởng càng khiến lo toan thêm bộn bề với chị T.
Chị T. cho biết dịp Tết năm ngoái, mức thưởng cô nhận được không nhiều nhưng cũng đủ để phụ giúp gia đình và sắm sửa một ít đồ dùng. Thế nhưng, năm nay cô đoán khoản này sẽ không còn. Chưa kể đến, năm vừa rồi gia đình chị gặp khá nhiều khó khăn về tài chính. Trong khí đó, cuối năm lại có nhiều khoản cần chi.
Đặc biệt, khi nghe bạn bè bàn luận về tiền lương tháng 13, thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng, chị T., cũng có chút chạnh lòng.
“Đây có lẽ sẽ là năm đầu tiên tôi không được nhận thưởng kể từ khi ra trường đi làm. Với tình hình này, năm nay có thể tôi sẽ ở lại Hà Nội để nghĩ cách 'cày cuốc' thêm, thay vì về quê ăn Tết”, chị T. cho biết.
Ngoài ra, Nghệ An cũng là địa phương đang có dịch càng khiến ý định ở lại Hà Nội "cày cuốc" mà không về quê của chị thêm chắc chắn.
Cũng quyết định ở lại Bình Dương đón Tết, chị Duyên (29 tuổi), quê Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa có lịch nghỉ Tết cụ thể, điều này khiến chị rất khó sắp xếp lịch trình bởi quy định phòng dịch mỗi địa phương có thể sẽ thay đổi liên tục tùy tình hình dịch.
Chưa kể đến, công ty của chị thường nghỉ Tết ngắn hơn so với nhiều doanh nghiệp khác khiến thời gian quá eo hẹp, trong khi đó, quãng đường về quê hơn 1.000km. Nhưng quan trọng hơn là gần 1 năm qua, mặc dù có việc làm nhưng thu nhập của chị rất thấp, trong khi đó nếu về quê sẽ có rất nhiều khoản phải chi, đặc biệt là chi phí đi lại (ước tính khoảng 5 triệu đồng).
Sau những "tính toán" kỹ lưỡng, chị quyết định sẽ ở lại Bình Dương mà không về quê trong dịp Tết này. Thay vào đó, những ngày Tết chị sẽ đến đón Tết cùng họ hàng ở trong đó và đợi dịp khác sẽ trở về thăm gia đình.
E ngại người thân về quê ăn Tết
Ngoài vấn đề về kinh tế, thì tâm lý e ngại, xa cách dành cho người về từ vùng dịch cũng khiến nhiều lao động lăn tăn khi quyết định về quê ăn Tết hay không, đặc biệt là những khu vực tình hình dịch đang căng thẳng như Hà Nội và một số địa phương khác.
Đã gần 1 năm rồi chưa về quê, chị H. (28 tuổi - Nghệ An) cho biết năm nay sẽ dự định về quê ăn Tết sớm.
"Dịch ở Hà Nội ngày càng phức tạp, mình sợ đi đường xa xong về có nguy cơ lây cho bố mẹ. Mình quyết định sẽ về sớm, để nếu địa phương có yêu cầu quy định cách ly đủ 7 ngày sẽ kịp đón Tết với cả nhà. Hơn nữa, hàng xóm ở quê mình giờ còn e ngại người từ các vùng đang có dịch trở về nên mình lựa chọn như vậy để đảm bảo an toàn cho mọi người".
Cách đây chỉ vào tháng thôi, rất nhiều lao động cùng quê với chị H. đi xe máy trở về từ miền Nam cũng bị trách móc “ở vùng dịch mà còn về”. Lúc này các tỉnh thành phía Nam trở thành ổ dịch của cả nước, vì vậy, việc nhiều người lao động từ đó ồ ạt hồi hương lại càng khiến người ở nhà thêm lo lắng vì sợ lây bệnh. Dù những người này đã được cách ly tại trường học nhưng tâm lý người dân vẫn không yên tâm.
Đặc biệt, khi một người phụ nữ trở về từ miền Nam, dù tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm bệnh. Trong thời gian cách ly tại nhà, người nhà bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch đã khiến nhiều người cùng địa phương trở thành F1, F2. Trường hợp như vậy càng khiến người dân có tâm lý e dè đối với người trở về từ vùng dịch. Chính vì vậy, chị H. cho biết mình sẽ về sớm hơn để hoàn thành quy định cách ly, đảm bảo an toàn cho người thân và những người xung quanh.
Ngoài ra, dù đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đã phủ vaccine nhưng vẫn có ca nhiễm cộng đồng nên tâm lý đó vẫn khó thay đổi.
Chưa kể đến, hiện tại tình hình ở Hà Nội còn nghiêm trọng hơn, tâm lý đó trong mọi người là không tránh khỏi.
Và không chỉ mỗi chị H., nhiều đồng hương miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng lăn tăn chuyện về quê trong dịp lễ vì lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như khả năng đối diện sự e ngại, xa cách của mọi người ở quê dành cho người trở về từ vùng dịch.
Tâm lý e ngại của người dân là điều dễ hiểu. Đến cả những người đang tuyến đầu chống dịch như chị B. (29 tuổi), quê Nghệ An đang làm việc tại một bệnh viện tuyến đầu tỉnh Phú Yên cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm nay, chị đã xung phong vào tuyến đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế Phú Yên.
Năm nay không phải là Tết đầu tiên chị xa nhà vì nghề nghiệp nhưng có lẽ là năm đầu tiên chị không về quê ăn Tết vì lý do đặc biệt nhất. Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chính vì vậy, chị lựa chọn ở lại cùng đồng nghiệp "chiến đấu" thay vì về quê ăn Tết để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Sẵn sàng đón Tết xa nhà
Đã chuẩn bị sẵn kế hoạch về thăm nhà trong dịp Tết Dương lịch sắp tới, chị Trần Hiền (29 tuổi - Ninh Bình) bất ngờ khi đọc được thông báo mới về quy định phòng dịch ở địa phương.
Theo công văn mới của Sở Y tế Ninh Bình, đối với người về từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao, khi về địa phương cần khai báo y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn và được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT- PCR phù hợp với các vùng dịch tễ.
Quy định mới này mặc dù không còn khắt khe như quy định cũ nhưng vẫn làm ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch nghỉ, đặc biệt kỳ nghỉ Tết Dương lịch chỉ kéo dài 3 ngày tới đây. Trong khi xét nghiệm RT-PCR mất nhiều thời gian, chi phí cao hơn và phải sắp xếp thời gian đi xét nghiệm. Với những quy định như vậy, nhiều lao động có quê cách Hà Nội vài chục km cũng rất phân vân khi quyết định về quê trong kỳ nghỉ Tết dương lịch sắp tới. Nhiều người bày tỏ đành chờ đợi, theo dõi thêm hoặc dồn đến Tết Âm lịch rồi về một thể.
Chưa kể đến tâm lý e ngại, xa cách của mọi người ở quê dành cho những người trở về từ vùng dịch nghiêm trọng cũng là một lý do khác khiến nhiều người lựa chọn ở lại.
Đó là trường hợp của những lao động có quê gần Hà Nội, nhưng đối với những lao động ở xa Hà Nội thì họ lại phải tính toán kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chị Thu Thảo (28 tuổi, quê Quảng Bình) nhân viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại chị vẫn chưa có kế hoạch chắc chắn cho việc về quê ăn Tết, phải đợi theo dõi tình hình dịch ở Hà Nội cũng như các quy định cách ly ở địa phương.
"Nếu mà về bắt buộc phải cách ly tại nhà 14 ngày thì mình sẽ không về vì thời gian nghỉ Tết còn chưa được 14 ngày. Và trong trường hợp như vậy, mình cũng đã chuẩn bị tâm lý ăn Tết ở Hà Nội. Đây cũng không phải năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà vì dịch bệnh, năm ngoái khi tình hình dịch cũng khá căng thẳng, mọi người cũng chưa được tiêm vaccine nên mình cũng đã quyết định ở lại ăn Tết Hà Nội.
Mặc dù rất muốn về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người cũng như đảm bảo tiến độ công việc, nên mình chấp nhận ăn Tết xa nhà nếu trường hợp không thể sắp xếp".
Bên cạnh rất nhiều lao động còn đang phân vân, chờ đợi theo dõi tình hình dịch rồi mới quyết định có về quê ăn Tết hay không, thì có rất nhiều lao động đã lên kế hoạch trước cả tháng trời để về quê ăn Tết cùng gia đình.
Chị Thục Hạnh (27 tuổi, quê Thái Bình), hiện đang làm việc tại TP.HCM cho biết, chị đã lên kế hoạch về quê ăn Tết ngay từ bây giờ.
"Tôi đã xin phép sếp, gấp rút hoàn thành công việc cũng như cập nhật các biện pháp phòng dịch tại địa phương mình để có kế hoạch mua vé máy bay. Ngoài ra, nếu địa phương không yêu cầu cách ly tập trung, tôi cũng sẽ tự cách ly tại nhà 7 ngày để đảm bảo an toàn cho người thân và những người xung quanh.
Ngoài ra, thì tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý bùng dịch và không thể trở về. Lúc đấy tôi sẽ ở lại Sài Gòn ăn Tết. Mặc dù rất buồn nhưng để đảm bảo an toàn tôi sẽ ở lại".
Tuy nhiên, dù thế nào, chị Hạnh cũng như rất nhiều lao động đang làm việc xa gia đình đều rất mong muốn được về quê ăn Tết. Sau một năm dài mệt mỏi, trì trệ vì dịch bệnh, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng nhiều người vẫn mong muốn được quây quần bên gia đình.