Ở nhà chống dịch, nhiều chị em đã chia sẻ cho nhau cách làm giá đỗ đơn giản để tạo nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình, bên cạnh đó là tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Trên khắp các trang mạng xã hội, chị em dễ dàng bắt gặp những bài đăng khoe "chiến tích" làm giá đỗ trắng, cọng dài, mập, ít rễ... Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều "thảm họa" khiến chúng ta được trận cười như nắc nẻ!
Đơn cử như mới đây, admin của nhóm Yêu bếp đã phải lên mạng xã hội "cầu cứu" các chị em nội trợ về màn làm giá đỗ của mình.
Chị cho biết: "Mọi người ơi, 3 ngày trước mình háo hức làm thử giá bằng khăn. Quả là cách này cực nhàn không phải tưới hàng ngày.
Nhưng nay mở ra thì ôi thôi cả 2 lượt đỗ trong 4 lớp khăn đều như cười vào mặt mình các bạn ạ. Chẳng hiểu sao đầu thì to, cọng thì teo trông quái dị không chịu được. Chỉ có 4 góc khăn quanh 4 góc hộp là giá lên được mập mạp mũm mĩm trắng muốt thôi. Cả nhà Yêu Bếp cho mình hỏi mình đã sai ở đâu ạ?".
Kèm theo đó là hình ảnh thành phẩm làm giá đỗ của chị, cùng loạt thắc mắc:
"Liệu có phải:
- Khăn có đủ ẩm không? (mình vắt nhẹ, khăn còn khá sũng)
- Có phải do mình rải dày quá không? Mình làm 150g đỗ chia 2 lớp xen giữa 4 lớp khăn.
- Thời gian ngâm: 12-13 tiếng (qua đêm)
- Lèn có quá nặng không? Mình lèn bằng khay thuỷ tinh và con nén dưa cà tổng khối lượng là 3,3kg trên mặt phẳng là 30x40cm rải đỗ".
Chỉ có 4 góc rổ thì giá đỗ mới dài, trắng và mập hơn 1 chút.
Bài đăng của admin Yêu bếp nhanh chóng nhận được nhiều lượt quan tâm và bình luận của dân mạng, đặc biệt là hội chị em. Ai nấy đều được "giải trí" hết nấc khi chứng kiến thành quả của bà mẹ này. Có dân mạng hài hước còn trêu chị rằng: "Trông giá đỗ của chị chẳng khác gì con nòng nọc phiên bản màu trắng cả".
Nhiều chị em nhiệt tình chỉ ra những sai lầm khi làm giá đỗ của bà mẹ này - đây chính là nguyên nhân làm giá đỗ bị hỏng:
1. Rải giá đỗ quá dày
Không ít các chị em nội trợ vừa nhìn qua đã "bắt mạch" chuẩn không cần chỉnh lỗi sai của admin Yêu bếp khi làm giá đỗ. Đó là rải hạt đỗ quá dày. Theo mẹ trẻ cho biết, chị sử dụng 150g hạt đỗ, chia 2 phần, đặt trong rổ thưa có diện tích đáy rổ là 30x40cm. Theo nhiều người có kinh nghiệm, việc rải như thế này là quá dày khiến giá đỗ không có không gian phát triển.
2. Lớp khăn ủ giá dày
Đây cũng có thể là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến việc giá bị ngắn. Mẹ trẻ đã làm 150g đỗ chia 2 lớp xen giữa 4 lớp khăn dày. Thông thường, chỉ cần 1 lớp khăn mỏng đủ ẩm là được. Nhiều chị em cho rằng, trải lớp khăn dày quá mà còn sũng nước có khi còn làm giá bị nhớt, thối, thâm đen...
Khăn lót bên dưới rổ nên là loại khăn xô, khăn mặt thoát nước tốt, sợi vừa đủ thưa để rễ đâm qua được. Nếu dùng khăn có sợi vải dày, không thoát nước sẽ khiến rễ không đâm qua được, cũng không thoát nước tốt. Điều này khiến giá dễ bị thối và không vươn dài được.
Loại khăn phủ bên trên giá nên là khăn dày. Trời nóng mùa hè thì nên phủ khăn mỏng hơn vì bản thân giá khi nảy mầm cũng sinh nhiệt. Nhiệt cao + khăn dày làm bên trong giá dễ bị hư thối. Tuy nhiên, dùng khăn mỏng quá thì dễ làm giá bị thiếu nước.
3. Chèn giá khá nặng
Theo admin Yêu bếp, chị đã dùng khay thuỷ tinh và con nén dưa cà tổng khối lượng là 3.3kg trên mặt phẳng là 30x40cm rải đỗ. Nhiều chị em cho rằng, như vậy là chèn khá nặng khiến giá bị... stress và không vươn dài ra được.
Khi làm giá chỉ cần chèn vật nặng khoảng 2kg là được. Nếu không chèn thì giá không mập. Nếu chèn quá nặng thì giá sẽ bị chuyển sang màu tím. Vào mùa nóng bức chèn nặng quá cũng làm bí hơi và thối giá.
Ngoài ra chị em cũng đưa ra thêm 1 vài lưu ý khi làm giá đỗ:
1. Chọn đỗ
Nên chọn những hạt đỗ mới, đều nhau, hạt mẩy. Khi làm giá chỉ cần ngâm 100g là đã cho ra từ 800 - 1000gr giá đỗ thành phẩm. Chính vì vậy chị em không cần ngâm quá nhiều.
2. Thời gian ngâm hạt đỗ
Với thời tiết nắng nóng như mùa hè thì nên ngâm đỗ trong 6 - 8 tiếng. Trời mát thì ngâm 12 tiếng. Trời lạnh thì ngâm đủ 1 ngày.
Nếu có nước ấm ngâm giá thì càng tốt, không thì ngâm nước bình thường cũng không sao.
3. Làm sạch đỗ và các dụng cụ để ủ giá đỗ
Bước này quyết định 50% độ thành công của mẻ giá. Hạt đỗ sau thời gian ngâm cần làm sạch, nhặt hết hạt lép, vỡ, hư hỏng. Nếu mẻ giá bị lẫn các hạt này sẽ rất dễ bị hư thối và làm ảnh hưởng đến chất lượng giá đỗ bạn ngâm.
Khăn để ủ giá cũng phải giặt thật sạch trước và sau khi ủ xong. Điều này giúp cho giá đỗ phát triển nhanh hơn, không bị thối, không có mùi hôi.
4. Cho giá đỗ uống nước
Mỗi ngày cho giá uống nước 3 lần (cách nhau khoảng 8 giờ) bằng cách đổ nước ngập mặt giá. Thời gian cho uống nước từ 25 – 30 phút, sau đó phải để ráo hết nước đi, nếu không sẽ bị úng giá và bị thối.
5. Không cho giá đỗ tiếp xúc với ánh sáng
Giá đỗ cần phải để trong bóng tối thì mới trắng. Nếu để ở ngoài sáng, giá sẽ chuyển sang màu xanh vàng, hoặc màu tím nhạt. Khi ăn giá đỗ có vị hơi đắng. Nếu nhà không có phòng tối hoàn toàn thì chị em có thể phủ một chiếc túi nilon màu đen lên trên. Không được phủ quá kín làm giá đỗ không thở được và chết.
6. Tại sao làm giá đỗ bị nhiều rễ?
Nguyên nhân là do không đặt ở chỗ tối và kín, giá đỗ bị ánh sáng vào khiến đỗ mọc nhanh và còi cọc.
Cung cấp nước thường xuyên cho giá đỗ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên có thể do bạn tưới nước không đúng cách khiến cho nước chảy quá nhanh và không thể đọng lại cho mầm đậu hút vào nuôi thân.
Khi bắt đầu nảy mầm, giá đỗ cần phải được nén tốt. Nếu giá đỗ có nhiều rễ đồng thời không được mập như mong muốn thì rất có thể quá trình nén chưa được đảm bảo. Nguyên tắc cơ bản là giá đỗ cần được nén chặt để phần thân giá phát triển chứ không phải rễ và lá mầm.
7. Tại sao làm giá đỗ bị úng và hỏng
Nguyên nhân chính là giá đỗ bị ngập nước với 3 lý do:
+ Khăn lót phía dưới đáy rổ quá dày hoặc loại vải không thoát nước.
+ Khoảng cách thau chậu hứng nước chảy xuống từ rổ làm giá đỗ quá thấp, khiến rổ giá đỗ bị ngâm nước gây úng thối.
+ Do rải hạt đỗ quá dày và nhiều.
Trên đây là 1 số sai lầm và lưu ý khi làm giá đỗ tại nhà. Chị em cũng có thể tham khảo cách làm giá đỗ tại đây.
Chúc chị em thành công và tránh được các sai lầm khi làm giá đỗ nhé!
(Bài viết dựa trên chia sẻ của tác giả Phan Anh đóng góp cho nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family)