Cuối tuần ghé tiệm bánh mì chảo Hòa Mã nức tiếng hơn 60 năm, nhấm nháp bữa sáng nhàn tản đậm chất Sài Gòn
60 năm, một con số “già” thay cho lời thông báo rằng, ngoài được yêu thích vì hương vị đủ sức làm thỏa mãn bất kỳ vị giác sành ăn nào, Hòa Mã còn có một lịch sử hình thành đầy thú vị đằng sau. Thăng trầm có đủ, song hành với Sài Gòn đi qua biết bao biến cố thời cuộc.
Thời tiết Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn “khó ăn khó ở”, tối mưa trưa nắng thất thường nên người ta cũng không biết đường đâu mà lần. Nhưng bù lại, thời gian này những buổi sáng ở Sài Gòn phải nói là khá đẹp, tối vừa mưa xong thì sáng ra cả lòng đất đô thành vẫn còn man mát. Vậy nên thị dân sống ở cái đất này tranh thủ kéo nhau đi ăn sáng, coi như cái cớ để gặp nhau trước khi nắng nóng giăng đầy và mưa tuôn xối xả xuống lòng thành đô.
Quan trọng ăn là ăn cái gì? Vì Sài Gòn mà muốn ăn sáng thì món gì cũng có, bún, miến, cháo, phở... được bày bán đầy từ đại lộ cho hẻm hóc. Nhưng nếu là người Sài Gòn chánh gốc hay một thị dân tứ xứ sống đủ lâu ở đây sẽ biết, người Sài Gòn ăn sáng ghét ăn sang, đa số ai cũng chọn ăn ở một quán cóc lề đường để vừa gọn, vừa nhanh, lại không phải tốn quá nhiều tiền và đảm bảo ngon lành chứ không chỉ ăn cho no.
Điển hình trong danh sách các món ăn sáng ngon-rẻ-nhanh của người Sài Gòn đó, chính là bánh mì. Tiệm bánh mì có tuổi đời hơn 60 nằm ở 53, Cao Thắng, Quận 3 - bánh mì chảo Hòa Mã. 60 năm, một con số “già” thay cho lời thông báo rằng, ngoài được yêu thích vì hương vị đủ sức làm thỏa mãn bất kỳ vị giác sành ăn nào, Hòa Mã còn có một lịch sử hình thành đầy thú vị đằng sau, thăng trầm có đủ, song hành với Sài Gòn đi qua biết bao biến cố thời cuộc.
Theo lời kể lại của những nhân chứng đã từng biết đến Hòa Mã từ những ngày đầu xuất hiện trên đất Sài Gòn này và cả những lời kể của thế hệ đang tiếp quản, bánh mì Hòa Mã ra đời vào năm 1958 tại số 511 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) do hai vợ chồng người Bắc di cư vào Nam giai đoạn đầu là ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh tạo dựng nên. Cái tên Hòa Mã cũng được lấy từ tên của một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội.
Thời gian đó, do bà Nguyễn Thị Tịnh có nhiều kiến thức ở mảng ẩm thực Pháp vì bà đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội trước khi vào Nam, nên tận dụng điều này, và được sự hỗ trợ đắc lực từ chồng, bà đã biến ổ bánh mì Sài Gòn thành một món ăn sáng rất độc đáo, kết hợp giữa Tây - Ta mà vẫn giữ nguyên được đặc tính ngon-rẻ-nhanh đúng với nhu cầu của thị dân nơi đây. Từ đó, cái tên Hòa Mã nổi lên như một tượng đài mới, thu hút rất nhiều thực khách vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành đến ăn vào mỗi buổi sáng.
Lúc đầu, Hòa Mã bán cả hai loại bánh mì, một là bánh mì nhận thịt nguội mang đi, hai là thịt nguội riêng, bánh mì riêng cho những ai thích ngồi ăn tại chỗ. Nhưng vì giai đoạn đó thực khách đa số là công nhân viên chức và học sinh nên nhu cầu mua bánh mì mang đi rất cao, khiến cho ánh hào quang của bánh mì chảo mà ngày nay được biết đến gắn liền với cái tên Hòa Mã mờ nhạt đi phần nào. Giá của mỗi ổ bánh mì ngày đó là 3-5 đồng.
Đặc biệt thú vị hơn, tiệm bánh mì Hòa Mã lúc ấy gọi ổ bánh mì thịt nguội của mình không phải là sandwich, mà gọi là cát-cút, nghe có vẻ khó hiểu bởi từ này được phiên âm từ casse-croûte trong tiếng Pháp, có nghĩa tương tự như chữ “snack” trong tiếng Anh, tức bữa ăn lót dạ, ăn chơi. Trong khi đúng ra, bánh mì kẹp thịt nguội phải được gọi là sandwich.
Rồi thời gian thấm thoắt trôi nhanh, mới đây đã trải qua hơn 60 năm, cái tên tiếng Pháp ấy giờ đây chỉ còn lại trong hoài niệm của một thế hệ người Sài Gòn xưa cũ. Ngày nay, tiệm bánh mì Hòa Mã tuy đã ở một địa chỉ khác với thuở khai lập nhưng nó vẫn phục vụ thực khách với món bánh mì chảo ngon nức lòng, hương vị vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu. Một vài ổ bánh mì nóng giòn cùng một chảo pate, các loại chả, trứng ốp-la, jambon, xúc xích,… cùng một đĩa củ cải trắng, củ cải đỏ muối chua đi kèm, là đủ sức dệt nên một huyền thoại ẩm thực giữa lòng Sài Gòn.
Ngày qua, nhân một buổi sáng Sài Gòn nhàn tản, man mát dư vị của trận mưa đêm chướng tính, tôi tìm về Hòa Mã như thể tìm về hàng vạn buổi sáng hoàng hoa đã từng có trong đời. Tôi ngồi đó cùng vài vị thị dân cao niên tóc bạc, chênh chao trên những ghế cóc xanh đỏ rồi nhanh tay vỗ đùi kêu ông chủ một phần đầy đủ. Trong lúc chờ, tôi nghe được mẩu chuyện mang tính thời sự đầu ngày của ông chú đang vừa quệt bánh mì, vừa kể cho những thực khách không quen biết thân thích gì của mình nghe. Đại loại chuyện kể về một bà lão nào đó có số tiền quý, dành dụm cả đời mà không dám gửi ngân hàng vì… sợ mất.
“Ui già cả còn sợ mất tiền, không tin ngân hàng thì gửi cho con cái đi cho khỏe. Đúng là giàu cũng khổ hen, tui không cần giàu, đủ tiền mỗi buổi sáng ăn bánh mì Hòa Mã là hạnh phúc rồi” - một bà cô đang ngồi ăn bánh mì ngay sau lưng tôi cất giọng nói khiến mọi người xung quanh phá lên cười. Tôi cũng bất giác cười, nhưng lại không hiểu vì sao, người ta chỉ cần được ăn bánh mì ở đây vào mỗi buổi sáng là hạnh phúc?
Chưa có câu trả lời cho câu hỏi trên, cô bé nhân viên bưng ra phần bánh mì cho tôi. Tôi ngồi xé ổ bánh mì giòn tan, chấm miếng trứng ốp-la sống, quệt thêm miếng pate, tí tương ớt và mayonnaise ngọt rồi bỏ vô miệng, tiện tay tôi xỉa thêm miếng jambon ăn. Tự nhiên trong một khoảnh khắc, tôi thấy hạnh phúc, hạnh phúc đến nức nở...