Anh Minh (Thành Công, Hà Nội) vốn tự nhận mình là người đàn ông lười, thế nhưng anh vẫn phải “chào thua” cô vợ mới cưới của mình. Chẳng là vợ chồng anh cưới nhau được nửa năm, cả hai gia đình gom góp mua cho vợ chồng anh căn chung cư giữa trung tâm thành phố để ở riêng cho thoải mái. Cũng chính vì ở riêng nên vợ anh càng có cơ hội sống với bản chất thật của mình.
Người chồng này cho biết, ngày yêu nhau cũng thấy cô vợ đâu đến nỗi nào. Thỉnh thoảng đến nhà cô ăn cơm, vẫn thấy cô vào bếp nấu nướng, thậm chí còn chăm chỉ làm đồ ăn vặt rồi đăng lên facebook nữa. Anh là người có tâm hồn ăn uống, nên “cảm” cô một phần cũng vì điều đó. Ai ngờ lấy về anh mới biết mình bị ăn “quả lừa”. Anh Minh thở dài ngao ngán khi nói về cô vợ siêu lười: “Mình chắc chắn chẳng có ai lười như vợ mình đâu. Từ ngày cưới nhau về, mình được vợ nấu ăn cho có vài bữa, còn lại đều là ăn cơm bụi. Mới đầu mình nghĩ cô ấy vẫn mệt mỏi sau lễ cưới, nên cũng chiều vợ để ăn ngoài ít bữa. Nhưng mãi đến cả tháng sau đó, ngày nào cô ấy cũng kêu mệt, mình mới biết đó là bản tính lười của vợ. Cứ đụng đến việc gì là cô ấy lại kêu mệt, rồi bỏ đấy về phòng nằm chơi điện tử”.
Không những lười việc nhà, vợ anh còn lười cả giao tiếp nữa (Ảnh minh họa).
Như để chứng minh tính siêu lười của vợ, anh Minh ấm ức kể tiếp: “Mọi việc lau chùi dọn dẹp ở nhà đều do mình đảm nhiệm. Cô ấy chẳng hề đụng vào, mình có giục thì cô ấy kêu mình không biết thương vợ, giúp có chút việc nhà cũng kêu ca phàn nàn. Ngày nghỉ mình ngỏ ý muốn ăn bữa cơm vợ nấu thì cô ấy chối đây đẩy. Theo cô ấy thì cả tuần đi làm mệt mỏi rồi, có cuối tuần để vợ chồng đi đổi gió thì lại phải chui vào bếp nấu nướng, như thế thì thà đi làm còn hơn. Rồi cô ấy cằn nhằn hờn dỗi nói mình thích thì đi mua đồ về mà nấu, cô ấy rủ bạn đi ăn ngoài. Nhà có hai vợ chồng, ngày nghỉ mỗi người chạy một phương thế thì còn nói chuyện gì. Vậy là mình đành xuống nước dẫn cô ấy đi ăn, đi chơi”.
Không những lười việc nhà, vợ anh còn lười cả giao tiếp nữa. Theo anh Minh thì vợ mình chỉ thích nằm trong phòng lướt web thôi, chứ cô cũng rất lười giao tiếp với chồng. Có khi anh nói chuyện với cô, cô chỉ “vâng”, “ừ”, “ừ”,… cho qua chuyện chứ chẳng để tâm vào những gì anh nói. Hoặc nhà bố mẹ chồng cách đó có vài km nhưng chưa bao giờ cô chủ động một mình qua thăm bố mẹ chồng, hay chưa từng gọi điện hỏi han bố mẹ chồng. Có nhắc thì cô lại nói quên mất và lần sau sẽ nhớ, nhưng rồi mãi chẳng thấy có lần sau đâu. Anh thực sự thấy mệt mỏi chán nản với bệnh lười khó chữa này của vợ. Nhưng anh cũng chưa nghĩ ra cách nào để điều trị, chỉ biết ôm đầu kêu trời “biết thế này chẳng thèm lấy vợ, cứ ở với bố mẹ cho sướng thân”.
Cũng như anh Minh, anh Lân (Từ Liêm, Hà Nội) đang phải sống với “lũ lười” của vợ. Vợ chồng anh cưới nhau được hơn hai năm, hiện hai vợ chồng có một bé gái gần 1 tuổi. Vợ anh là người siêu lười và siêu bừa bộn. Anh Lân chia sẻ: “Hồi mới cưới, cô ấy cũng chăm chỉ được vài tháng, khi đó hai vợ chồng đi làm về cùng nhau đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cũng vui vẻ, đầm ấm lắm. Thế mà vài tháng sau, khi cô ấy có bầu thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Thương vợ mang bầu vất vả nên tôi vui vẻ làm hết việc nhà để cô ấy có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Cô ấy biết ưu thế của mình nên được thể lấn tới, thoải mái tạo thêm công ăn việc làm cho tôi. Tôi có cảm giác như mình bị lừa vậy vì con người của vợ lúc mới cưới và hiện tại phải khác nhau tới một trời một vực".
Vẫn phải nấu cơm, giặt giũ, thu dọn nhà cửa và những bãi chiến trường vợ bày ra, anh Lân còn phải đảm nhiệm thêm việc chăm con nhỏ (Ảnh minh họa).
Anh Lân nói một tràng dài như để minh chứng cho những gì mình nói về cô vợ lười "toàn tập" của mình: "Có hôm vợ tôi nghỉ ở nhà, tôi đi làm về mà cứ tưởng vào nhầm nhà. Nào thì bát đũa la liệt từ bồn rửa đến sàn bếp, rồi cả trên bàn ăn nữa. Vỏ hộp sữa, vỏ hoa quả, thậm chí cả khăn giấy cô ấy cũng chẳng buồn vứt vào thùng giác mà để y nguyên hiện trường về cho tôi dọn. Lúc đó vừa mệt, vừa nóng, lại nhìn vào cái gian bếp bẩn thỉu ruồi muỗi làm tôi phát bực. Thế nhưng cũng chỉ nén giận trong lòng mà đi dọn dẹp, chứ quát mắng cô ấy được lợi ích gì. Cô ấy là người dễ khóc, tôi mà nặng lời lại khóc ăn vạ ra đấy chỉ khổ con tôi thôi. Hết hơi mới dọn dẹp xong nhà bếp, lên phòng ngủ để thay bộ quần áo ra thì tôi lại choáng tập 2. Cái giường ngủ của chúng tôi thành bãi chiến trường, ngổn ngang nào laptop, cốc uống nước, vỏ bánh ngọt, thậm chí cả đĩa bẩn cô ấy ăn xong cũng vứt luôn trên giường. Giường chiếu xô lệch, cái chăn cô ấy ngủ dậy cũng chẳng thèm gập vào, một nửa trên giường, một nửa lòng thòng rơi xuống đất. Lúc đó vợ tôi không mang bầu chắc tôi cho cô ấy cái bạt tai mất. Có người phụ nữ nào vừa bẩn vừa lười như vợ tôi không?”.
Cứ tưởng qua thời kì mang bầu, đến lúc sinh con vợ mình sẽ thay đổi. Nhưng mọi chuyện càng tệ hại hơn khi chị vợ anh sinh con. Vẫn phải nấu cơm, giặt giũ, thu dọn nhà cửa và những bãi chiến trường vợ bày ra, anh Lân còn phải đảm nhiệm thêm việc chăm con nhỏ. Vợ anh lấy lí do ở cữ nên giao toàn bộ cho anh, chị chỉ có việc cho con bú và nằm ôm con ngủ. Giờ con gái anh đã được gần một tuổi mà vợ anh vẫn "ở cữ" để trốn việc nhà. Thậm chí có hôm anh bận họp về muộn, vậy là về nhà miếng cơm cũng chẳng có mà ăn, lại phải chạy ra ngoài mua cơm. Ăn xong dọn dẹp cũng đến gần 12 giờ đêm mới được đi ngủ. Anh Lân chỉ còn biết than thở: “Nhiều lúc tôi tự hỏi mình là chồng hay là ôsin cho cô ấy đây? Nếu chưa có con chắc tôi đã nghĩ đến chuyện 'tính lại' cuộc hôn nhân của mình. Giờ thì đành nhắm mắt sống chung với lũ, nhưng chẳng biết sẽ chịu được bao lâu đây. Giá kể có cái 'trại cải tạo' cho những người vợ lười biếng như thế thì tốt biết mấy”.