Nhật Bản vẫn luôn là cường quốc về mọi mặt trong hàng chục năm, và đến giờ vẫn vậy. Xứ sở Phù Tang vẫn là cái tên đứng top đầu về nền kinh tế ở châu Á. Thế nhưng, nó đã chững lại quá lâu và nhiều khả năng sẽ không thay đổi. Nhật Bản đang bị mắc kẹt trong mọi mặt. 

"Thập kỷ thất lạc" kéo dài của Nhật Bản

Đây từng là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Khi đó, Nhật Bản là mảnh đất trong mơ của nhiều người, nổi tiếng là một quốc gia hòa bình, thịnh vượng với tuổi thọ cao nhất thế giới, tỷ lệ giết người thấp nhất, ít xung đột chính trị, hộ chiếu quyền lực và sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc tốt nhất.

Nhật Bản đã nổi lên sau Thế chiến thứ hai và chinh phục ngành sản xuất toàn cầu. Vào giữa những năm 1980, người ta nói đùa rằng khuôn viên của cung điện hoàng gia ở Tokyo có giá trị tương đương với toàn bộ California. Tokyo đẹp, hiện đại, sạch sẽ hơn nhiều bất kỳ thành phố châu Á nào khác. Nếu Hồng Kông và Đài Bắc là những thanh thiếu niên ồn ào của châu Á thì Tokyo đã là "người trưởng thành" từ lâu. Tokyo là một khu rừng bê tông, nhưng nó là một khu rừng được cắt tỉa rất đẹp.

Từng là cường quốc số 2 thế giới nhưng quốc gia này đã

Nhật Bản hiện đại, phát triển đang bị bỏ lại phía sau

Trước Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, đường chân trời bị che lấp bởi những tòa tháp bằng kính của những doanh nghiệp khổng lồ của đất nước - Mitsubishi, Mitsui, Hitachi, Sony. Từ New York đến Sydney, các bậc cha mẹ đầy tham vọng thúc giục con cái của họ học tiếng Nhật. 

Sau đó, vào năm 1991, bong bóng kinh tế vỡ. Thị trường chứng khoán Tokyo sụp đổ. Giá bất động sản rơi xuống dốc. Quãng thời gian từ năm 1991 đến năm 2001 được gọi là "thập kỷ thất lạc" của Nhật Bản. Và dường như nó vẫn kéo dài tiếp, sang những thập kỷ tiếp theo dù ảnh hưởng không sâu sắc bằng mà chỉ âm ỉ. 

Mỹ và châu Âu từng lo sợ sức mạnh kinh tế của Nhật Bản giống như cách họ sợ sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc bây giờ. Nhưng Nhật Bản mà thế giới mong đợi đã không bao giờ đến. Vào cuối những năm 1980, người Nhật giàu hơn người Mỹ. Bây giờ họ kiếm được ít hơn người Anh. Tiền lương thực tế đã không tăng ở đây trong 30 năm. Thu nhập ở Hàn Quốc và Đài Loan đã bắt kịp và thậm chí vượt qua Nhật Bản.

Trong thời gian qua, Nhật Bản đã phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ. Nó bị cản trở bởi sự phản kháng sâu sắc đối với sự thay đổi và sự gắn bó ngoan cố với quá khứ. 

Năm 2022, lạm phát của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 41 năm do ngân hàng trung ương chịu áp lực chính sách. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981. Kinh tế quốc gia này đang bị mắc kẹt, trong bối cảnh dân số đang già đi và thu hẹp lại.

Nhật Bản đối diện với nguy cơ "biến mất"

Thách thức kinh tế lớn nhất của Nhật Bản chính là dân số già. Một phần ba dân số Nhật Bản hiện tại trên 60 tuổi. Xứ sở hoa anh đào là quốc gia có dân số già nhất thế giới, chỉ sau Monaco nhỏ bé. Tỷ lệ ca sinh liên tục đạt kỷ lục thấp hàng năm, với con số của năm 2022 là 799.728 ca sinh trên 1,58 triệu ca tử. Tỷ lệ tử vong đã vượt xa tỷ lệ sinh ở Nhật Bản trong hơn một thập kỷ qua. Đến năm 2050, nước Nhật có thể mất 1/5 dân số hiện tại.

Dân số già có nghĩa là lực lượng lao động ngày càng ít và chi phí cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội ngày càng tăng. Những người ở độ tuổi lao động ngày càng phải gánh trên vai áp lực để có thể nuôi người già. 

Cuộc sống, công việc quá áp lực như vậy càng khiến những người Nhật trẻ tuổi ngày nay từ chối kết hôn hoặc sinh con. Theo báo cáo năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, 25,4% phụ nữ ở độ tuổi 30 và 26,5% nam giới cùng độ tuổi nói rằng họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới và 14% phụ nữ ở độ tuổi 20 không có kế hoạch hôn nhân.

Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn là một nơi nặng truyền thống Á Đông. Chỉ 13% các nhà quản lý Nhật Bản là phụ nữ và trong chính trường, tỷ lệ còn thấp hơn với 1 trong 10 ghế nghị sĩ là phụ nữ. Văn hóa xã hội này càng thúc đẩy phụ nữ trẻ không muốn kết hôn vì họ vẫn phải chịu định kiến nên ở nhà làm nội trợ chăm con.  

Từng là cường quốc số 2 thế giới nhưng quốc gia này đã

Dân số già là vấn nạn Nhật Bản đang phải khó khăn đối mặt

Dẫu vậy, thái độ của Nhật Bản với người nhập cư vẫn không dao động. Chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản là người sinh ra ở nước ngoài, so với 15% ở Anh. Không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền sẽ nới lỏng quy định nhập cư, nhập tịch cho người nước ngoài. 

"Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này thì cả đất nước sẽ biến mất", đó là phát biểu vào tháng 2 năm nay của thượng nghị sĩ Masako Mori, cố vấn của Thủ tướng Fumio Kishida sau khi Nhật Bản công bố số lượng trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2022 thấp kỷ lục.

Câu chuyện về tương lai mơ hồ của Nhật Bản sẽ có những bài học cho phần còn lại của thế giới. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, những người nông dân già cuối cùng ở Nhật Bản có thể bị thay thế bằng robot thông minh. Và khi thế hệ tương lai đến, nếu không có gì thay đổi, đất nước mặt trời mọc sẽ ngày càng vắng vẻ và thu hẹp lại. Liệu Nhật Bản sẽ dần trở nên không còn phù hợp với guồng quay thời đại, hay sẽ "tái sinh" lại chính mình?