"Hạnh phúc" có lẽ là cụm từ tôi được nghe nhiều nhất trong xuyên suốt cuộc phỏng vấn với anh Kaneya Manabu (42 tuổi) - một cựu cảnh sát của tỉnh Saitama, Nhật Bản.

Trong một buổi chiều thu Hà Nội, tới thăm công ty anh làm việc, người đàn ông Nhật Bản này gây ấn tượng mạnh với hình ảnh lịch lãm, điển trai và sự thân thiện cùng nụ cười rạng rỡ luôn thường trực.

Anh Kaneya chia sẻ, từ năm 2016, với ý định ban đầu chỉ coi Việt Nam là điểm dừng chân, học tập nhằm khám phá miền đất mới, nhưng sau khoảng 2 tháng đã trót quen với cuộc sống nơi đây và cảm thấy tha thiết, muốn gắn bó với đất nước hình chữ S. Anh đã sẵn sàng từ bỏ công việc trưởng phòng hình sự với mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để sang Việt Nam sinh sống và làm việc, thậm chí anh sẽ chỉ rời đi khi không còn có ích nữa.

"Lời nói không bao giờ là đủ. Tình cảm, tình yêu của tôi dành cho đất nước, con người Việt Nam trong nhiều năm qua xuất phát từ trái tim tôi. Tôi sẽ luôn làm bất cứ điều gì tích cực nhất để có thể giúp đỡ mọi người nơi đây. Tôi hạnh phúc khi gọi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình." Anh nói.

204A7598

Anh Kaneya Manabu.

Anh Kaneya Manabu chia sẻ về cuộc sống hiện tại khi sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Duyên nợ với quê hương thứ hai

Anh Kaneya Manabu là con út trong một gia đình công chức có ba anh em ở tỉnh Saitama (Nhật Bản), bố là cảnh sát, mẹ là nhân viên văn phòng. Năm 1993, anh trúng tuyển đại học cảnh sát đúng theo chuyên ngành của bố.

Sau khi hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp thuận lợi, anh về công tác tại bộ phận điều tra hình sự tại tỉnh Saitama. 

Năm 2011, anh Manabu bắt đầu hành trình làm quen với tiếng Việt khi được đơn vị phân công đi học theo chương trình đặc biệt dành riêng cho cảnh sát Nhật Bản để phục vụ cho việc phá án. Là người duy nhất thông thạo tiếng nên anh được cân nhắc giữ vị trí phiên dịch viên trong phòng hình sự. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian mà anh phải sống trong chuỗi ngày làm việc liên tục với cường độ cao và thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức.

204A7592

"Trước khi sang Việt Nam, tôi có 10 năm làm cảnh sát ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. Lúc đó tôi không biết nhiều về đất nước và con người nơi đây, nhưng tình cờ tôi được bố trí vào bộ phận có liên quan đến người Việt trên địa bàn tỉnh nên việc tôi nhớ tiếng Việt chính là cơ duyên", Anh Manabu nói.

photo-1

Anh Kaneya Manabu từng là Trưởng phòng cảnh sát tỉnh Saitama, Nhật Bản.

Anh Kaneya cho biết tại Nhật Bản công chức nhà nước rất được đánh giá cao và nhiều người ưa chuộng vì mang tính chất ổn định cùng mức lương luôn cam kết tăng theo hàng năm cho tới khi nghỉ hưu. 

Do vậy, công việc cảnh sát hình sự đã đem lại cho anh thu nhập rơi vào khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm. Với số tiền này, anh Manabu đủ chi tiêu cho các nhu cầu cuộc sống như tiền thuê nhà tầm 20 triệu đồng/tháng, chi phí sinh hoạt và dành ra được một khoản để tiết kiệm.

Anh chia sẻ thêm đối với người Nhật, văn hóa đúng giờ là một trong những đều vô cùng quan trọng, là kim chỉ nan để thiết lập mối quan hệ và làm việc.

Hành trình ra đi là để trở về

Vào năm 2011, khi vừa làm cảnh sát tại Nhật, vừa học tiếng Việt theo chỉ định của đơn vị, anh Manabu đã có dịp du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên. Anh kể rằng, có đôi chút lạ lẫm, khi nhìn thấy cảnh các gia đình đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, những người phụ nữ mặc áo dài và vô số xe máy trên đường phố. 

Nhưng điều anh ấn tượng nhất vẫn là con người Việt Nam rất thân thiện, luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, toát lên vẻ hạnh phúc và ấm áp. Anh cảm nhận được tình cảm chân thành, yêu thương từ những người bạn mới quen, dễ mến, từ tất cả những người mà anh được tiếp xúc. Cảm giác này theo anh cho đến tận bây giờ.

"Tôi đã yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi bắt gặp những bức ảnh về phong cảnh và con người nơi đây. Tôi thật sự cảm động khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy, và thấy rằng Việt Nam là một đất nước quá tuyệt vời. Người Việt thân thiện, món ăn lại ngon, dân số trẻ và luôn hạnh phúc. 

Kể từ đó trở đi, tôi cứ lặp đi lặp lại, 1 năm 3 lần vào những kỳ nghỉ dài, nghỉ hè, nghỉ đông để du lịch đến Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Trong lúc đó tôi nghĩ rằng: 'Việt Nam đúng là một đất nước thú vị, khác hoàn toàn với Nhật Bản nhỉ.'" Anh Manabu chia sẻ.

photo-1

Năm 2014, anh may mắn khi cùng một số đồng nghiệp được cơ quan cử đi tham gia khoá học bổ trợ tiếng Việt hai tháng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội khoảng 2 tháng. Lúc này, anh Manabu như trót quen với cuộc sống ở Việt Nam, yêu nét văn hóa nơi đây, và vẫn muốn tiếp tục gắn bó.

"Cuộc sống lúc đó của tôi là đến trường vào 8 giờ sáng và tan học khoảng 4 giờ chiều học, trong tất cả khung giờ đó tôi chỉ học tiếng Việt thôi và điều này rất thú vị.

Khoảng 10 người sẽ học cùng nhau và chúng tôi thường xuyên tụ tập sau khi tan học, khi thì 'Hôm nay tan học đi Hồ Hoàn kiếm nhé? Đi hồ Tây nhé?' hay 'Hôm nay đi xem phim không? Đi cà phê không?'. Tôi chưa bao giờ tận hưởng cuộc sống như vậy khi còn là cảnh sát bởi hoàn toàn không có ngày nghỉ, và điều này khiến tôi như được giải thoát vậy.

Tôi thấy người Việt Nam thân thiện lắm, đi đến đâu mọi người cũng vui vẻ bắt chuyện với tôi, còn khen tôi nói tiếng Việt giỏi nữa.

Cho nên khoảng thời gian mà tôi kết thúc 2 tháng thực tập ở Việt Nam và quay trở về Nhật, tôi đã nghĩ là 'Nếu mình không quay lại Việt Nam nữa là không được rồi'". Anh bật cười khi nhớ lại.

Và thực hiện như những gì mà bản thân đã nói, năm 2016, anh Manabu quyết định viết đơn xin từ chức trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và sự phản đối từ phía gia đình. Thời điểm đó anh đang giữ chức trưởng phòng cảnh sát hình sự của tỉnh Saitama.

"Nhiều người nói tôi bị điên điên, suy nghĩ nông nổi khi rời bỏ gia đình, công việc ổn định để đến nơi xa lạ. Bố mẹ tôi thời điểm đó phản đối rất gay gắt, thậm chí muốn từ mặt. Nhưng với tôi, mọi quyết định đưa ra đều suy nghĩ kỹ lưỡng." Anh kể.

Vài tháng sau, anh được một người thầy gốc Việt từng dạy tiếng Việt cho mình hiện đang làm giám đốc cho một công ty IT hỗ trợ và giúp đỡ để làm thủ tục sang Việt Nam theo hình thức lao động dài hạn tại cho một công ty công nghệ phần mềm ở Hà Nội. Công việc chủ yếu là phiên dịch và kết nối khách hàng người Nhật.

Tuy nhiên, khi được đến Việt Nam để thực hiện ước mơ bấy lâu nay của mình, anh gần như "vỡ mộng" khi nhận được tháng lương đầu tiên cùng cú "sốc" về áp lực cơm áo gạo tiền đang chầu chực.

"Khi mới chuyển đến đây tôi sống trong một căn nhà thuê ở trên phố Lý Nam Đế và khoản tiền lương này chỉ đủ để thuê nhà. Còn các khoản khác tôi phải dùng đến số tiền tiết kiệm tích góp trong 10 năm làm cảnh sát của tôi để chi trả."

Lúc này, cựu cảnh sát Nhật quyết định hạn chế giao du với bạn bè và sống tiết kiệm lại. Đang sở hữu một chiếc ô tô ở Nhật, sang Việt Nam sinh sống anh Manabu chỉ có thể đi xe máy hoặc bắt taxi công nghệ đi lại khi cần thiết. Cuộc sống với anh như đảo lộn hoàn toàn.

204A7529

204A7542

Ngoài vấn đề thu nhập, anh Manabu còn cảm thấy sốc về vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường, đối với anh việc tắc đường vào mỗi buổi sáng đi làm thực sự khiến anh cảm thấy ám ảnh. 

"Có duy nhất một điều mà tôi không thích ở Hà Nội đó là ô nhiễm khói bụi. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân, đặc biệt là trẻ em. Phải mất một khoảng thời gian tôi mới thực sự quen được với cảnh xe cộ đông đúc vào mỗi giờ cao điểm.

Nhưng tôi cảm thấy đó chỉ là "mặt trái của đồng xu" - mặt phải của Hà Nội là phong cảnh rất đẹp, đặc biệt là sự phong phú và tinh thần tự do về sinh kế của mọi người." Anh nói.

Yêu phở bò, bún chả, thích đi "trà chanh chém gió" và luôn hãnh diện với bạn bè vì được tan ca lúc 5 giờ chiều

Để cải thiện thu nhập, anh Manabu đã tham gia các khoá đào tạo về công nghệ thông tin và đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau vài tháng anh bắt kịp nhịp độ công việc, thu nhập dần cải thiện.

Tuy nhiên, cảm thấy không phù hợp với tính chất công việc này, năm 2018, anh Manabu nghỉ việc và cùng hai người bạn mở công ty công nghệ thông tin. Một năm sau anh rút lui, cùng một người khác mở trung tâm dạy tiếng Nhật. Hoạt động được nửa năm, trung tâm phải đóng cửa vì kém hiệu quả.

Tháng 3/2019, anh được mời về làm Hiệu trưởng trung tâm đào tạo tiếng Nhật tại một công ty chuyên xuất khẩu lao động ở Gia Lâm, Hà Nội. Công việc mới này anh được hỗ trợ chi phí ăn ở nên nguồn thu nhập từ đó cũng tăng lên đáng kể.

5 năm sống ở Việt Nam, 4 lần chuyển việc cùng vô số trải nghiệm "đắng cay ngọt bùi" đã giúp anh Manabu dạn dĩ hơn rất nhiều. Khi được hỏi 'Liệu có bao giờ anh có ý định sẽ quay trở về Nhật Bản không?'. Anh Manabu chỉ mỉm cười và lắc đầu đáp

"Khi ở Nhật không phải tôi không cảm thấy hạnh phúc tuy nhiên từ khi chuyển đến Việt Nam, tôi mới dần cảm nhận ra rằng hạnh phúc đích thực là gì. Cuộc sống ở Việt Nam rất tốt, tôi hầu như không gặp chút khó khăn nào. 

Ở đây chỉ cần thấy cô làm phở buổi sáng mỗi ngày thôi cũng thấy hạnh phúc. Khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi đã có cảm giác đây không phải là nước ngoài. Đó là cảm giác tâm linh hay gì đó, nhưng thực sự cảm thấy rất an nhiên.

Tôi muốn được sống ở Việt Nam mãi mãi, thậm chí sẽ dự định cưới vợ và lập gia đình ở Việt Nam luôn." Anh cười.

photo-1

Anh Manabu cùng bạn đi du lịch Sapa vào tháng 12/2019.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, người đàn ông Nhật Bản cho biết, anh vẫn duy trì cuộc sống độc thân và áp dụng lối sống tối giản, tập trung giữ mọi thứ thật đơn giản và thực tế chỉ với những nhu cầu thiết yếu nhất có thể.

"Cuộc sống của tôi ở khá đơn giản nên hiện tại 1 tháng tôi chỉ tốn khoảng 3-4 triệu/tháng cho việc chi tiêu cá nhân, tôi ít khi sắm sửa đồ đạc, phần lớn thời gian ở công ty nên cũng không tốn quá nhiều chi phí.

Mỗi ngày tôi đều duy trì lối sống thức dậy vào 6 giờ sáng, học tiếng Việt khoảng 15-30 phút, sau đó hơn 7 giờ sẽ bắt đầu đi làm. Tối khoảng 18 giờ tôi sẽ về nhà, đi tập thể dục, sinh hoạt cá nhân và đi ngủ. 

Hà Nội có rất nhiều quán cà phê, quán ăn và nhiều nơi khác để thăm thú, những địa điểm tôi thường lui tới hàng năm trời thường là vì các bạn nhân viên ở đây rất dễ thương. Đặc biệt bún chả và phở bò ở Việt Nam rất ngon, tôi có thể ăn bún chả nhiều ngày trong tuần, tôi cũng thích "trà chanh chém gió" với bạn bè ở Hồ Gươm và hồ Tây mỗi dịp cuối tuần.

Một điều mà tôi rất thích khi làm việc ở đây đó là tôi có những người đồng nghiệp rất tuyệt vời và ấm áp với tôi cho dù vốn tiếng Việt của tôi còn khá hạn chế.

Phong cách làm việc chốn công sở ở Việt Nam thoải mái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tuy nhiên tôi vẫn áp dụng 50% cách làm việc ở Nhật Bản để hoàn thành đúng deadline công việc được giao, luôn đi làm đúng giờ; còn 30% sẽ giảm tải một chút để bản thân không bị gò bó, nặng nề trong một khuôn phép nhất định, chính xác hơn là 'nhập gia tùy tục'.

Lâu lâu đến muộn một chút cũng không sao, mọi người vẫn rất vui vẻ, thoải mái với điều đó, không áp lực như ở Nhật". 

Người đàn ông Nhật Bản cho biết thêm, học tiếng Việt tuy khó nhưng chính điều đó lại khiên anh cảm thấy hứng thú và ngày càng yêu mến thêm đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt là trong quá trình anh theo học chương trình Thạc sĩ ngành Việt Nam học, vừa học vừa làm, có những lúc muốn bỏ cuộc vì tất cả bài học đều bằng tiếng Việt ở trình độ khá cao so với anh nên rất khó để theo kịp bài. Chưa kể việc làm luận văn cũng là một thử thách buộc anh phải cố gắng gấp đôi các bạn cùng lớp.

"Học tiếng Việt và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam là một trong những điều hữu ích nhất mà tôi từng làm trong đời. Càng tìm hiểu về ngôn ngữ, tôi càng thấy người Việt Nam thân thiện, dễ mến, đáng tôn hơn và khiến tôi bắt đầu cảm thấy mình Việt Nam hơn. Quan trọng nhất, tôi càng hiểu thêm về cách mọi người cảm nhận và suy nghĩ.

May mắn trong quá trình học tập tôi đều nhận được sự giúp đỡ của giảng viên và bạn bè nên tôi đã an toàn vượt qua."

photo-1

photo-1

Anh Kaneya Manabu vinh dự khi nhận bằng thạc sĩ ngành Việt Nam học vào tháng 7/2020.

Khi được hỏi về thử thách khó khăn khi học tiếng Việt, người đàn ông Nhật Bản cho biết anh đã mất khoảng hơn một năm để học cách phát âm "tròn vành rõ chữ" để người Việt hiểu được những gì anh nói.

"Nếu không thể phát âm đúng thanh điệu, thì rất khó để tiếp tục học tiếng Việt. Tôi vẫn còn một chặng đường dài để có thể nói tiếng Việt trôi chảy. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ đạt được điều đó và có thể nói chuyện như người Việt Nam", anh tự tin cho biết.

 Song hành với công việc ở công ty, từ năm 2019, anh Manabu đã mở một kênh Youtube cá nhân chia sẻ về hành trình gắn bó với Việt Nam, đồng thời dạy tiếng Nhật và kinh nghiệm sống cho người Việt tại Nhật Bản.

Hiện tại, kênh Youtube của anh đã có gần 100.000 người đăng ký và theo dõi. Các video của anh đa phần mong muốn người xem hiểu thêm về các kỹ năng, kinh nghiệm và bổ trợ tiếng Nhật, kiến thức cần biết khi đến trải nghiệm sống ở vùng đất mới.

"Tôi mong muốn có thể những thông tin hữu ích đến cho nguời Việt để giúp họ hiểu về văn hóa, phong tục cũng như luật pháp ở Nhật Bản trước khi sang học tập và làm việc." Anh cho hay.

204A7527

Trong thời gian tới, anh Manabu mong muốn được phát triển kênh YouTube cá nhân như cầu nối giúp người Việt ở Nhật có thêm kinh nghiệm sống, giúp đỡ những người có lao động cần tìm việc làm ở nơi xứ người. Đồng thời truyền cảm hứng, để những người có hoài bão, ước mơ dám theo đuổi theo con đường đã chọn.

"Cảm ơn những con người Việt Nam đã cho tôi biết đến ý nghĩa của sự gần gũi gia đình và gắn kết cộng đồng giúp tôi biến nơi đây thành ngôi nhà thực sự trong tim mình." Anh Kaneya Manabu mỉm cười.