Rất khó để tìm kiếm sự hoàn hảo trong một buổi phỏng vấn xin việc, bởi dù có chuẩn bị kỹ đến đâu bạn cũng sẽ mắc phải lỗi sai. Đây là điều dường như khó lòng tránh khỏi. Đến muộn hơn so với giờ phỏng vấn, vô tình "nói xấu" công ty cũ của bạn... gần như chắc chắn sẽ làm hỏng ấn tượng đầu tiên của bạn với HR..., chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng có một lỗi phỏng vấn ít người để ý đến nhưng có thể khiến bạn không "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng đó chính là: Quên cung cấp ví dụ cụ thể trong câu trả lời của bạn.

Holly Lee - cựu lãnh đạo tuyển dụng tại Amazon, Meta và Google, nói rằng đây là "lý do số một" khiến mọi người không đạt được kỳ trong trong buổi phỏng vấn xin việc.

"Những người không cung cấp ví dụ hoặc là quá tự tin, hoặc là nghĩ rằng lý lịch của họ đã có đủ căn cứ về quá trình làm việc nên trong buổi phỏng vấn, họ chỉ đưa ra một câu trả lời mơ hồ, cụt lủn, không cung cấp ví dụ về những cống hiến của họ cho công ty thế nào", Holly Lee cho biết.

Cựu lãnh đạo tuyển dụng tại Amazon, Meta và Google: Đây là lý do số 1 khiến bạn thất bại khi đi xin việc, cần tránh ngay! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chẳng hạn, người phỏng vấn có thể hỏi bạn: "Tác động lớn nhất mà bạn đã tạo ra trong sự nghiệp của mình vào thời điểm này là gì?".

Nếu bạn trả lời bằng một dòng ngắn gọn như: "Tôi đã giúp công ty tiết kiệm 1 triệu đô la nhờ một dự án" hoặc "Tôi đã làm cho quy trình tuyển dụng của chúng tôi hiệu quả hơn" mà không cung cấp bối cảnh hoặc thông tin chi tiết cụ thể, thì có thể nói phần trả lời của bạn là... thất bại.

Lee cho biết thêm, việc bỏ qua việc cung cấp các ví dụ cụ thể về điểm mạnh, đóng góp và tác động của bạn trong các công việc trước đây có thể ảnh hưởng đến cơ hội nhận được offer vì nó báo hiệu cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người không chu đáo hoặc không đáng tin cậy.

"Không có ứng viên nào là hoàn hảo, nhưng bạn phải chứng minh những gì bạn đã làm để tạo dựng niềm tin và ảnh hưởng tích cực đến người đang phỏng vấn bạn. Đưa ra những câu trả lời mơ hồ, cụt lủn gây ra sự thiếu tin tưởng, điều đó cho HR thấy rằng bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng và không chủ động có tiếp cận công việc", Holly Lee nói thêm.

Lời khuyên là gì?

Bạn có thể chuẩn bị ít nhất 3-5 ví dụ cụ thể về điểm mạnh và điểm yếu của mình, những thách thức bạn đã vượt qua trong sự nghiệp, những thành tựu gần đây.

Lee nói: "Mẹo mà tôi có thể đưa ra là hãy đảm bảo rằng ví dụ bạn đang cung cấp cho nhà tuyển dụng có liên quan đến công việc mà bạn đang phỏng vấn. Nếu nó hoàn toàn không liên quan đến vị trí việc làm mà bạn đang hướng tới hoặc công ty mà bạn đang phỏng vấn, thì tôi, với tư cách là người phỏng vấn, sẽ cảm thấy khó chịu".

Cựu lãnh đạo tuyển dụng tại Amazon, Meta và Google: Đây là lý do số 1 khiến bạn thất bại khi đi xin việc, cần tránh ngay! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng phương pháp "STAR": Situation (tình huống), Task (nhiệm vụ), Action (hành động) và Result (kết quả) khi nêu các ví dụ của mình trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra một giải pháp, Lee khuyên: Bạn đã đạt được kết quả gì trong một dự án gần đây hoặc bằng cách áp dụng các kỹ năng của mình vào một vai trò? Sau đó, hãy lật ngược vấn đề: Bạn học được gì từ kết quả đó, ai có liên quan và bối cảnh là gì?

Lee nói: "Sự chuẩn bị đó có thể giúp bạn xây dựng sự tự tin để khi bước vào một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể cảm nhận được sự tin tưởng bên trong bạn. Những ứng viên có ngọn lửa lửa là những người chúng tôi muốn tuyển dụng".

Theo CNBC