Ngày 11/6, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cơ sở 3 cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho người bệnh L.T.T. (45 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM).

Chị T. đến khám vì đau vùng mặt bên phải. Ban đầu, chị T. bị đau từng cơn, sau đó tần suất và mức độ đau thường xuyên hơn, đau cả khi chạm nhẹ lên mặt hoặc khi ra ngoài trời nắng, đau kèm các cơn co giật cơ mặt.

Suốt 2 tháng nay, chị T. đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán đau dây thần kinh số 5 bên phải. Tuy triệu chứng của bệnh có giảm khi điều trị bằng thuốc nhưng cứ ngưng thuốc là chị T. lại bị đau.

Sau khi đi khám, bác sĩ đã phối hợp uống thuốc và laser châm các huyệt Giáp tích cổ, các huyệt vùng mặt phải cho chị T.

Trải qua 1 liệu trình điều trị trong 2 tuần, chị T. không còn bị co giật cơ vùng mặt, tần suất và mức độ đau giảm nhiều nhưng chạm nhẹ vào mặt vẫn còn đau.

Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc và thực hiện laser châm thêm 2 liệu trình nữa. Nhờ vậy bệnh đã cải thiện rõ rệt, chỉ còn những cơn dị cảm thoáng qua vùng mặt vài giây rồi hết.

Một trường hợp khác là anh T.V.M. (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương).

Cứu người phụ nữ bị căn bệnh chạm nhẹ lên mặt cũng gây đau - Ảnh 2.

Bác sĩ xác định huyệt và cố định vị trí kim châm.

Bệnh nhân làm nghề tài xế hơn 10 năm nay, gần đây thấy tê 2 bàn tay, lan lên cẳng tay, cứ lái xe khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ là tay bên phải của anh M. lại bị tê nhiều hơn.

Sau khi đi khám tại địa phương, anh M. được cho thuốc uống giảm tê nhưng chỉ được 2 tuần thì bị đau vùng thượng vị, ợ chua nên phải tự ngưng thuốc. Lo lắng đến BV ĐHYD cơ sở 3 thăm khám.

Tại đây, bác sĩ kê cho anh 1 bài thuốc thang và phối hợp liệu trình laser châm. Hiện bệnh nhân đã không còn triệu chứng tê nữa.

Cứu người phụ nữ bị căn bệnh chạm nhẹ lên mặt cũng gây đau - Ảnh 3.

Điều trị đau thần kinh liên sườn bằng laser châm.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày của BV cho biết, so với phương pháp châm cứu cổ truyền, ưu điểm của việc dùng tia laser châm cứu (laser châm) là có thể châm chính xác đến các huyệt mà không phải dùng kim.

Laser dùng châm thường có công suất thấp và không gây nhiễm trùng. Ánh sáng laser tập trung cao vào các mô dẫn đến hiệu ứng kích thích sinh học và hiệu ứng bù trừ mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Đồng thời, phương pháp này không gây ra các tổn thương ở các điểm châm do đó không gây đau, không chảy máu, không tạo vết thương ngoài da, nhiễm trùng hoặc nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác cho người bệnh.

Laser châm thích hợp cho trường hợp giảm đau ở người bệnh mạn tính, người bệnh cao tuổi có chỉ định hạn chế dùng thuốc giảm đau, trẻ em...

Cứu người phụ nữ bị căn bệnh chạm nhẹ lên mặt cũng gây đau - Ảnh 4.

Laser châm giúp điều trị đau lưng do căn cơ.

Bên cạnh đó, liệu pháp này cũng có thể sử dụng một cách linh hoạt để điều trị cho các vùng khác nhau trên cơ thể.

Laser châm với sự kết hợp của y học hiện đại và y học cổ truyền ngày càng được ứng dụng rộng rãi với lĩnh vực điều trị khá phong phú như da liễu, tai mũi họng, bệnh lý mạch máu, cơ xương khớp, kích thích lành vết thương và thẩm mỹ.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có các chống chỉ định như tiền ung thư, u ác tính, người bệnh động kinh, suy tim, cường giáp, người bệnh sau điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao kéo dài....

Vì vậy, người bệnh cần được bác sĩ khám và tư vấn kỹ lưỡng trước khi thực hiện.