Trần Thị Ngân (sinh năm 1999) tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương năm 2022, lĩnh vực Marketing ngành Xuất nhập khẩu Nông sản, thực phẩm. Ngân xuất sắc giành được 5 học bổng toàn phần ngay cả khi chưa có bằng từ trường đại học.
Nữ sinh nhận được 5 học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ tại châu Âu gồm: Học bổng Erasmus Mundus của Uỷ ban Liên minh châu Âu tại Đức, Thuỵ Điển, Bỉ và Ý; Học bổng Wageningen University (#1 in Agriculture on QS Rankings) tại Hà Lan; Học bổng Eiffel Excellence của Chính phủ Pháp; Học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Học bổng International Excellence của Đại học Padova, Ý...
Trong đó, hai học bổng từ đại học Wageningen tại Hà Lan tài trợ đến 62.500 Euro cho hai năm học và Erasmus Mundus từ Ủy ban Liên minh Châu Âu là 49.000 euro, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng cho hai năm học.
Ngân tin rằng những học bổng các bạn đạt được chính là nhờ vào sự chuẩn bị và tích luỹ của suốt những năm đại học, cấp ba. Nữ sinh có một số gợi ý để các bạn sinh viên với mục tiêu du học sẽ không lãng phí thời gian.
1. Nghiên cứu và lên danh sách các học bổng mục tiêu: Dựa vào sở thích cá nhân, mục tiêu ngắn - dài hạn, đâu là những châu lục bạn quan tâm, mức học bổng nào là phù hợp với khả năng tài chính.
Cách apply thông minh là lựa chọn mục tiêu trước, sau đó mới đi xây dựng hồ sơ sao cho phù hợp nhất với châu lục đó, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp bạn dễ đạt mục tiêu hơn. Ví dụ như các bạn muốn nộp học bổng Pháp, vậy thì hãy học tiếng Pháp ngay thôi để tăng độ mạnh hồ sơ, đừng để đến phút cuối cùng.
2. Giữ GPA ở mức cao nhất có thể: Điều này hiển nhiên với các học bổng merit-based (Merit-based là một dạng hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên dựa vào thành tích học tập hoặc hoạt động ngoại khóa), điểm học tập cao là yếu tố luôn được cân nhắc trước nhất, nếu có ranking tốt là điểm cộng rất lớn.
3. Tham gia các hoạt động Nghiên cứu khoa học: Tham gia các khoá đào tạo của trường về việc nghiên cứu học thuật, viết bài cho các hội thảo khoa học của khoa, thi các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của trường, ra publication (xuất bản) cùng, làm trợ lý nghiên cứu cho thầy cô.
Bất kỳ trường đại học nào, đặc biệt là các đại học nghiên cứu đều muốn sinh viên của họ có khả năng nghiên cứu và học thuật tốt. Các bảng xếp hạng danh tiếng như QS Ranking cũng có tiêu chí "Tham chiếu khoa học", để thấy rằng khả năng nghiên cứu của bạn có thể sẽ đóng góp cho Ranking của trường. Như vậy, khả năng nghiên cứu rõ ràng là một điểm cộng lớn, đặc biệt khi bạn chỉ mới đang theo học đại học.
4. Tham gia các hoạt động ngoại khoá/cuộc thi: Chọn hoạt động ngoại khoá cũng cần có chiến lược cụ thể. Nhìn vào các học bổng bạn đang nhắm đến, bạn có thấy những tiêu chí nào HB đang tìm kiếm ở ứng viên của mình. Từ đó, hãy chọn ra các hoạt động ngoại khoá có thể đóng góp vào bộ hồ sơ, đó có thể là: Hoạt động tình nguyện quốc tế - để thể hiện kỹ năng cá nhân với các học bổng quan tâm về tính đa dạng như ở EU; hoạt động theo lĩnh vực các bạn quan tâm: Môi trường/giáo dục/y tế,..; hoạt động hướng về 17 mục tiêu phát triển bền vững. Các cuộc thi cho sinh viên từ các trường đại học cũng là một ý tưởng hay để bạn cải thiện hồ sơ của mình.
5. Thi các chứng chỉ quốc tế: Ngoài những chứng chỉ ngoại ngữ phải có như IELTS, các bạn cũng nên bổ sung các chứng chỉ có thể giúp hồ sơ nổi bật hơn như GMAT, GRE hay chứng chỉ chuyên ngành ACCA.
Các chứng chỉ này sẽ cần nhiều thời gian chuẩn bị để có kết quả cao, vậy nên đừng đợi đến phút cuối apply mới đi thi, các bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước.
6. Phát triển các dự án cá nhân: Với những bạn hướng đến trở thành một ambassador/spokesperson (đại sứ/người phát ngôn) cho học bổng trường các bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân bằng việc phát triển Youtube, Tiktok riêng.
7. Networking với các anh chị Alumni: Một điều rất quan trọng là các bạn sẽ luôn cần đến sự hỗ trợ của anh chị để đi xa hơn. Hãy tìm kiếm các anh chị từng tham gia các học bổng bạn quan tâm để chia sẻ dự định, cũng như xin lời khuyên, giữ động lực, xin insight của học bổng.
8. Tham gia các hoạt động du học: Ở các sự kiện này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các trường đại học trong khu vực, được gặp gỡ các đại diện trường, đại diện quỹ học bổng từ Việt Nam để được hỗ trợ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
9. Tham gia trao đổi sinh viên/chương trình quốc tế ngắn hạn: Với các học bổng tiêu biểu như Erasmus+, SEED, UGRAD, YSEALI, etc; các bạn có thể trải nghiệm ở những quốc gia bạn dự định theo đuổi học bổng thạc sỹ, cũng coi như có thành tựu để hồ sơ các bạn mạnh hơn. Hầu như các trường ĐH đều có những trường đối tác ở các châu lục khác nhau, cụ thể hơn hãy liên hệ với phòng Hợp tác quốc tế của trường ĐH bạn đang theo học.
10. Xây dựng mối quan hệ với thầy cô, để nhờ thầy cô tư vấn chọn nơi học, làm nghiên cứu và cả xin thư giới thiệu.
"Cuộc hành trình vạn dặm có dài đến đâu cũng sẽ bắt đầu bằng một bước chân. Nếu các bạn thực sự mong muốn điều gì, hãy suy nghĩ về việc bạn sẽ hạnh phúc thế nào khi đặt chân đến đó", Ngân chia sẻ.