Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhi có biểu hiện nổi phỏng nước toàn thân; tiếp đến 2 ngày sau, bệnh nhi xuất hiện sốt cao, mệt nhiều kèm ho, khó thở. Lo lắng trước tình trạng của bệnh nhi, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để thăm khám và điều trị.
BSCKII. Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng kích thích, thở oxy qua mask không đáp ứng, SpO2 90%, nốt phỏng nổi gồ trên da toàn thân, thở nhanh, gắng sức nhiều, phổi nhiều ran ẩm 2 bên, tim nhịp nhanh tần số 169 lần/ph.
Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, thủy đậu bội nhiễm. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi thở máy để hỗ trợ hô hấp, điều trị Acyclovir đường tĩnh mạch, IVIG và cho trẻ bệnh nhi sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch.
Sau 8 ngày thở máy, điều trị tích cực, bệnh nhi được rút ống nội khí quản. Sau 23 ngày được các bác sĩ chăm sóc và điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, tự thở, môi hồng, phổi 2 bên thông khí đều, các nốt trên da đã bong vảy và được cho ra viện.
Thủy đậu ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm lành tính thường gặp. Mặc dù vậy, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vaccine. Vì vậy, người dân cần chú ý tiêm phòng thủy đậu theo khuyến cáo, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao.