Bé gái may mắn đó là cháu V.S.P (12 tháng tuổi, Phonxay, Xam Neua,Hua Phan, Lào). Trước khi được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái này đã điều trị tại Bệnh viện trẻ em Viên Chăn (Lào). Các bác sĩ ở đây cho biết, 1 tháng trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện ho, khó thở. Bé được khám và điều trị tại bệnh viện địa phương tại Lào. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu vẫn không tiến triển phải chuyển thở oxy gọng mũi và đặt dẫn lưu màng phổi.

1 tuần trước khi nhập Bệnh viện trẻ em Viên Chăn, tình trạng khó thở của bé P tăng lên, dẫn lưu ra khí liên tục, X-quang ngực có bóng khí lớn ở phổi phải, đè đẩy tim và trung thất sang bên đối diện.

Trước diễn biến ngày càng xấu của bệnh nhi, ngày 21/04/2020, các bác sĩ bệnh viện Viên Chăn đã tiến hành hội chẩn từ xa với đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cứu sống bé gái người Lào 1 tuổi với khối nang phổi khổng lồ - Ảnh 1.

Gia đình cháu V.S.P tặng hoa vui mừng đón cháu khỏe mạnh chuẩn bị ra viện

Chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhi V.N.P, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Nội soi trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra kết luận: Bệnh nhi có khối nang phổi khổng lồ thùy trên phổi phải, chèn ép trung thất và phổi trái, có chỉ định mổ cấp cứu.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định bệnh nhi cần được nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để tiến hành phẫu thuật sớm.

Khó khăn đặt ra cho các bác sĩ lúc này là ở thời điểm ấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi rất kém, trẻ phải thở máy. Thêm vào đó, đại dịch Covid gây ảnh hưởng đến tình hình thông tuyến giữa các quốc gia, Việt Nam đang thực hiện nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đứng trước tính mạng của người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn giữ vững quyết tâm vận chuyển cháu bé về Việt Nam điều trị.

Với sự phối hợp của Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ngày 3/05bệnh nhi được vận chuyển đến cửa khẩu Cầu Treo sau khi đã được làm xét nghiệm Covid-19 âm tính cho bệnh nhân và bố mẹ đi kèm. Tại nơi đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bố trí sẵn một chiếc xe cấp cứu, sẵn sàng vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện Nhi theo lịch trình và sự giám sát chặt chẽ về quy trình cách ly của Bộ Y tế.

Trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng: Tỉnh, khó thở, thở oxy gọng mũi 10 l/p SpO2 92 – 97%, lồng ngực P phồng, gõ vang, thông khí kém, có rút lõm lồng ngực, mạch nhanh.

Sau khi nhập viện, tình trạng khó thở của bệnh nhân tăng lên, dẫn lưu ra khí liên tục, SpO2 tụt. Cháu bé được chuyển ngay lên khoa Hồi sức Ngoại chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy. Khi tiến hành chụp cắt lớp lồng ngực của bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh nang khí lớn thùy trên phổi phải, và làm xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngày 5/5. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tại khoa Hồi sức tích cực, tình trạng sức khỏe của cháu V.N.P đã tiến triển tốt lên. 1 ngày sau phẫu thuật, tuy trẻ vẫn phải thở máy nhưng phổi thông khí tốt, SpO­2 đạt 95%, dẫn lưu ra khoảng 150 ml dịch hồng, không có khí. Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bé V.N.P đã rút nội khí quản, phổi thông khí rõ, thở oxy gọng mũi5l/p, SpO­2 95%, dẫn lưu ra 20 ml dịch hồng, không ra khí.

Ngày 8/5 tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định và được chuyển đến chăm sóc tại khoa Quốc tế. Ngày 15/05, sức khỏe của cháu P hoàn toàn bình phục. Dự kiến bệnh nhi sẽ được ra viện ngày 17/05 sau khi kết thúc 14 ngày cách ly.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duy Hiền - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, chuyến xe cấp cứu đã đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện, ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra thành công mang lại tương lai tươi sáng hơn cho bệnh nhi. Sự thành công của ca mổ này thể hiện sự quyết tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi, đồng thời khẳng định cho tình đoàn kết tương trợ bền chặt giữa 2 quốc gia Việt Nam - Lào.

Nang phổi bẩm sinh là bệnh lý dị dạng đường thở do sự phát triển bất thường của mầm khí phế quản trong bào thai, tạo nên những nang trong lồng ngực hoặc trong phổi, tùy kích thước của nang có thể gây khó thở ở trẻ mới sinh. Cấu trúc nang có thể dạng đặc hoặc lỏng. Tỉ lệ mắc bệnh lý bẩm sinh này chiếm 1/5000 trẻ sinh ra và xuất hiện ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ.

Triệu chứng bệnh giống với các bệnh lý hô hấp khác như: ho khò khè, khó thở, sốt… do đó rất dễ bị bỏ quên. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần và phát hiện nhờ chụp X-quang phổi, chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp điện toán (CT scan).Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng như áp-xe phổi (khi bội nhiễm), tràn khí màng phổi (khi nang khí vỡ), thậm chí nặng nề hơn nữa là tử vong.

Dị dạng nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20. Do đó trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi nói chung và bệnh nang phổi bẩm sinh nói riêng, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh. Khi phát hiện con mình có các triệu chứng ho, khò khè kéo dài, viêm phổi thường xuyên tái phát cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sỹ kiểm tra và chỉ định điều trị kịp thời.