Ngày 11/9, đại diện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã cứu sống một trường hợp bệnh nhi béo phì nhiễm COVID-19 nguy kịch.

Bệnh nhi là bé Nguyễn P. H., mới 14 tuổi nhưng nặng đến nặng 100kg. H. nhập viện vì khó thở và tím tái. 3 ngày đầu bé sốt 38 độ C, ho ít nhưng ngày càng nặng lên kèm khó thở, tím tái.

Bệnh nhi được nhập khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1 sau khoảng 7 ngày bệnh trong tình trạng suy hô hấp nặng với thở nhanh 50 lần/phút, tím môi, SpO2 giảm nặng chỉ còn 50%.

Ngay lập tức bé được hỗ trợ hô hấp với oxy mask có túi dự trữ 15 lít/phút.

Ảnh chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên.

Với kinh nghiệm trong điều trị bệnh COVID-19, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), nghi ngờ do COVID-19 mặc dù kết quả test nhanh SARS-CoV-2 âm tính.

Đúng như dự đoán, kết quả xét nghiệm RT-PCR sau đó của bé đã khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Cứu sống bé nặng 100 kg mắc COVID-19 nguy kịch, SpO2 chỉ còn 50% nhưng kết quả test nhanh lại âm tính - Ảnh 1.

Một trường hợp trẻ mắc COVID-19 điều trị tại TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi nặng dần không đáp ứng với thở oxy mask. Tổn thương phổi diễn tiến nhanh gây mờ toàn bộ phổi, tổn thương gan, tổn thương các cơ quan do phản ứng viêm rất mạnh. Cộng với cơ địa dư cân, béo phì là yếu tố nguy cơ cao diễn tiến nặng,  khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn!.

Sau đó, bé được chuyển vào khoa Hồi sức thở máy, dùng kháng viêm liều cao, kháng đông, kháng sinh phổ rộng, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng…

May mắn sau 5 ngày đêm điều trị tích cực, tổn thương phổi và tổn thương các cơ quan cải thiện dần, bé hết sốt, được cai máy thở.

Hiện tại bé tỉnh táo, ăn uống được, có thể thở oxy ngắt quãng và hy vọng bé có thể được xuất viện trong những ngày tới khi tình trạng hô hấp ổn định và kết quả xét nghiệm âm tính.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh COVID-19 ở trẻ em đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tuy nhiên đối với các trẻ trên 10 tuổi có các yếu tố nguy cơ cao như dư cân béo phì hoặc bệnh lý nền nặng thì thường diễn tiến nhanh với suy hô hấp do tổn thương phổi nặng.

Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, hụt hơi, thở nhanh hoặc tụt SpO2 đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hô hấp kịp thời.

Bên cạnh đó việc điều trị nhanh chóng bằng kháng viêm, kháng đông, kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế cũng góp phần nhanh chóng giảm tổn thương các cơ quan, giảm chuyển độ nặng và tử vong của bệnh nhân.