Cứu sống bé trai bị hội chứng viêm đa hệ thống nặng liên quan COVID-19 biến chứng sốc, suy hô hấp nặng - Ảnh 1.

Bệnh nhi được theo dõi điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Khai thác bệnh sử ghi nhận: Bệnh nhi bệnh 7 ngày, trong đó, ngày 1 - 5 sốt cao 39 - 40 độ C, liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Ngày 6 - 7, bệnh nhi còn sốt cao, than đau bụng quanh rốn, ói 4 - 5 lần ra thức ăn, dịch trong không máu, nổi hồng ban ở tay, chân bụng, đỏ mắt, tay chân lạnh nên nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, ghi nhân bệnh nhi lừ đừ, sốt cao 39,5 độ C, thở nhanh 38 lần/phút, tim đều phổi không ran, bụng chướng nhẹ, có đỏ nhẹ 2 mắt, hồng ban da ở tay chân, bụng.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 và xét nghiệm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 681 BAU/ml, chứng tỏ bệnh nhi bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó vì bệnh nhi chưa tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19.

Kết quả siêu âm bụng ghi nhận mạch vành tăng sáng, giãn nhẹ. Xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh.

Các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 thể có sốc nên được chống sốc với dịch truyền, sử dụng thuốc vận mạch sớm, truyền corticoid liều cao, chống đông, kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ hô hấp thở oxy sau đó thở áp lực dương liên tục CPAP.

Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, đường huyết, hạ sốt, dinh dưỡng. Kết quả sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.

Trong thời gian từ 1/10/2021 - 22/2/2022. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận 92 trường hợp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, trong đó có 11,9% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan...

Các bác sĩ lưu ý: Phụ huynh khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói… hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị thích hợp. Ngoài hội chứng viêm đa hệ thống trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa.

Phần lớn các trẻ (77,2%) trong nghiên cứu tại bệnh viện khi khai thác tiền sử phụ huynh đều không biết trẻ mắc COVID-19 trước đó.