Khai thác tiền sử bệnh ghi nhận, bệnh nhi sốt 4 ngày, nhức đầu, đau cơ. Ngày thứ 4, bệnh nhi hết sốt, đau bụng, lừ đừ, tay chân lạnh nên được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch khó bắt, huyết áp khó đo, tỷ lệ hồng cầu trong thể tích máu toàn phần (Hct) 52%, tiểu cầu 12.000/microL.
Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tuy nhiên tình trạng không cải thiện, nôn ra máu, tiêu phân đen nên được hội chẩn chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh).
Tại đây, bệnh nhi còn biểu hiện sốc, Hct 16%, khó thở, thở co kéo. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 4 tái sốc, sốc kéo dài, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa nặng, dư cân/béo phì.
Bệnh nhi tiếp tục được truyền dịch chống sốc, huyết áp động mạch xâm lấn, hỗ trợ thở CPAP, sau đó đặt nội khí quản giúp thở, đo áp lực bàng quang, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc.
Mặc dù tình trạng huyết động có cải thiện nhưng bệnh nhi tiếp tục đi tiêu phân đen, Hct 18-22% mặc dù đã truyền 2.500ml hồng cầu lắng, 900ml huyết tương tươi động lạnh, 20 đơn vị kết tủa lạnh, 12 đơn vị tiểu cầu đậm đặc.
Bệnh nhi được hội chẩn đã chuyên khoa, quyết định nội soi đường tiêu hóa trên cấp cứu, ghi nhận phình vị niêm mạc viêm xuất huyết, thân vị niêm mạc viêm xuất huyết, hang môn vị viêm mạc viêm xuất huyết, hành tá tràng có 1 ổ loét kích thước 7x8mm, rỉ máu thành dòng.
Các bác sĩ tiến hành bơm rửa dạ dày và cầm máu cho bệnh nhi. Sau thủ thuật kiểm tra thấy ổ loét không rỉ máu thêm.
Bệnh nhi tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp thở máy, truyền thuốc giảm xuất tiết dạ dày, không cần truyền máu thêm, Hct 35-37%. Kết quả sau gần một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.
Các bác sĩ lưu ý: Phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ vào bệnh viện:
- Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì.
- Đau bụng.
- Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen.
- Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.