Theo bản tin trên tờ British Medical Journal, người phụ nữ này sau khi phát hiện những triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, đã tăng lượng nước uống hàng ngày lên rất nhiều: trung bình cứ 30 phút, bà lại uống hơn 237ml nước. Bằng cách này, người phụ nữ hi vọng có thể giúp làm sạch được các cơ quan trong cơ thể, từ đó, tiêu diệt tình trạng viêm nhiễm. 

Tuy nhiên, bà nhanh chóng bị ốm nặng tới mức buộc phải nhập viện King’s College trong tình trạng hàm lượng muối trong máu thấp tới mức đáng báo động – đây là một hội chứng có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

ngộ độc nước
Uống nước tưởng chừng là thói quen vô hại nhưng nếu không cẩn thận cũng có thể dẫn đến tử vong.

Tình trạng của bệnh nhân 59 tuổi bị ngộ độc nước vẫn tiếp tục xấu đi sau khi nhập viện. “Trong khoảng thời gian được đưa tới phòng cấp cứu, người phụ nữ liên tục run rẩy toàn thân và tỏ ra cực kỳ hoảng hốt. Bà nôn mửa nhiều lần, không ngừng run và cho thấy khó khăn rõ rệt trong việc nói năng, diễn đạt”. 

Sau trường hợp cấp cứu do ngộ độc nước nói trên, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ đặt ra vấn đề: Liệu có một mức an toàn cho việc uống nước hay không. Đồng thời, họ kêu gọi những bằng chứng khoa học cụ thể hơn, xác đáng hơn để giúp mọi người quyết định bao nhiêu nước là quá nhiều. 

Cũng trên tờ British Medical Journal, hai bác sĩ Laura Christine và Maryann Noronha nêu quan điểm: “Chúng ta thường xuyên khuyên bệnh nhân phải uống nhiều nước và không để cơ thể mất nước khi sức khoẻ của họ không thực sự tốt. Nhưng, những lời khuyên đó thực sự có ý nghĩa gì? Đâu là nguy cơ tiềm ẩn của những lời khuyên tưởng chừng như vô hại này?”.

ngộ độc nước
Bệnh viện King's College tại London.

Ngộ độc nước là một triệu chứng đã được ghi nhận chi tiết trong trường hợp người bệnh chơi các môn thể thao sức bền và có sử dụng một số loại thuốc nhất định, bao gồm MDMA (thuốc lắc) - vốn có thể gây ra những cơn khát quá độ.

Tuy nhiên, ngộ độc nước có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu và trong một số ca nghiêm trọng, xuất hiện phù nề não, nhầm lẫn, co giật, bất tỉnh và tử vong.

Bệnh nhân với hàm lượng muối thấp bất thường, kết quả của chứng hạ natri máu (hyponatremia) hay ngộ độc nước, có tỷ lệ tử vong gần 30%.

Tờ tạp chí y khoa trên cũng trích dẫn lời kể của bệnh nhân 59 tuổi: “Tôi có những ký ức chắp vá, rời rạc về việc được đặt cho những câu hỏi. Tôi hiểu nhưng có vẻ không thể nào tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi đó và cảm thấy vô cùng căng thẳng, khó chịu. Tôi nhớ đã nhìn thấy gương mặt chồng tôi lúc đó trông rất đau khổ, tuyệt vọng - điều đó đáng sợ hơn cả việc đang xảy ra bởi vì thực sự tôi không biết, cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cũng nhớ hình ảnh bàn tay tôi run kinh khủng ngay trước mắt tôi và tôi tự hỏi tại sao tôi không thể ngừng rung tay. Và rồi, tôi nhận ra cả cơ thể tôi cũng đang run rẩy không tài nào kiểm soát nổi”.

Bác sĩ Imran Rafi, phụ trách nhóm nghiên cứu và các cải tiến y khoa lâm sàng tại Royal College of GPs, cho biết, giữ cho cơ thể không mất nước là điều cần thiết. Nhưng không có một gợi ý chắc chắn 100% nào về việc mọi người nên uống bao nhiêu nước. “Uống đủ nước có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ cơ thể khoẻ mạnh, cả về thể chất và tinh thần. Người bệnh đúng là nên giữ cho lượng nước hấp thụ cao hơn khi bị ốm, đặc biệt trong những trường hợp bệnh gây ra tình trạng mất nước. 

Chúng ta nên khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước hơn nếu họ có triệu chứng mất nước – như cảm giác khát – bao gồm khát khi thời tiết nóng bức hoặc khi tập luyện - hoặc nước tiểu có màu sậm. Dù không có một chỉ định tuyệt đối nào về lượng nước nên uống để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh, điều chủ chốt cần đảm bảo là phải giữ cơ thể đủ nước – theo đó, nước tiểu có màu trong là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đủ nước.

ngộ độc nước

Trường hợp người phụ nữ 59 tuổi nhập viện vì ngộ độc nước cho thấy, việc uống quá nhiều nước có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân và đây là điều mà các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng như bệnh nhân nên lưu ý”. 

BS Duy Anh, Phòng khám BV E Hà Nội, cũng cho rằng uống nước quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, nước không thải ra kịp sẽ ứ lại trong các tế bào, gây phù mạch, phù tế bào, với các biểu hiện chậm chạp, buồn nôn, đau đầu. Uống quá nhiều nước còn dẫn đến tình các tế bào sẽ bị căng phồng gây phù não. Chứng phù não gây co giật, hôn mê, ngưng thở, thoát vị thân não, thậm chí tử vong.

Cơ quan chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Anh (Public Health England) khuyến nghị người dân nên uống 6-8 cốc nước mỗi ngày. Trong khi đó, hướng dẫn của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chỉ khuyên mọi người nên “uống nhiều nước”.

Theo BS. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia), uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc mà cần uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Theo BS.CKII Vũ Vân Anh, trẻ sơ sinh đến hết giai đoạn 6 tháng đầu đời, cơ bản và chủ yếu về nguồn dinh dưỡng không gì khác ngoài sữa mẹ. Chỉ một số ít trường hợp bất khả kháng, mẹ không thể cho con bú, trẻ sẽ được nuôi bằng sữa công thức. Thời điểm này trẻ không cần uống nước mà bổ sung sữa  thay thế.