Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Medlatec, Adenovirus có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp thông thường khác, khiến việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm bệnh càng tăng.
Dưới đây là một số hướng dẫn phân biệt từ chuyên gia:
Một số dấu hiệu chung thường gặp khi nhiễm virus gây bệnh ở đường hô hấp:
- Ho, ho dai dẳng, một số trường hợp nghiêm trọng có thể ho ra máu.
- Khó thở, thở khò khè, thở rít hoặc thở gấp.
Đối với những trường hợp bệnh do Adenovirus:
Ngoài cơ quan hô hấp, Adenovirus còn có thể gây ra những ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, biểu hiện của người bệnh sẽ rất đa dạng. Tùy vào vị trí virus tác động mà các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải sẽ khác nhau:
- Khi virus tác động và gây bệnh viêm đường hô hấp cấp sẽ gây ra một số triệu chứng như đau và sưng họng, sưng hạch bạch huyết, ho và sốt cao. Thông thường, những biểu hiện cấp tính này có thể kéo dài trong thời gian từ 3 đến 4 ngày. Đối với những trường hợp không được chăm sóc đúng cách và xử trí kịp thời, có thể dẫn đến viêm phổi, thậm chí suy hô hấp và tử vong.
- Trường hợp virus gây viêm họng cấp: Bệnh nhi có biểu hiện đau họng, ho nhiều, chảy nước mũi, sốt. Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường kéo dài trong khoảng 7 đến 14 ngày. Nếu không có biện pháp kiểm soát rất dễ bùng phát thành dịch.
- Viêm họng kết mạc do virus Adeno sẽ xuất hiện những biểu hiện giống với viêm họng cấp và kèm theo các triệu chứng khác như đỏ mắt, chảy dịch bên trong nhưng không gây đau.
- Viêm phổi do virus Adeno có thể gây ra một số dấu hiệu bệnh như ho, sổ mũi và đột ngột bị sốt cao. Nếu không được khắc phục kịp thời, những tổn thương ở phổi có thể lan rộng, dẫn tới những di chứng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong cao, nhất là đối với những bệnh nhi có bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch.
- Bệnh viêm kết mạc mắt: Adenovirus cũng có thể tác động đến mắt và gây ra tình trạng đau mắt đỏ hay chính là viêm kết mạc mắt. Tình trạng này khá phổ biến vào mùa hè do trẻ bị lây nhiễm bệnh khi bơi lội ở các bể bơi công cộng. Những biểu hiện phổ biến của bệnh là tình trạng mắt đỏ ở một hoặc hai bên. Nếu không được xử trí kịp thời, có nguy cơ cao bị bội nhiễm.
- Bệnh viêm dạ dày: Loại virus đặc biệt này cũng có khả năng tác động đến hệ thống đường tiêu hóa và dẫn đến tình trạng viêm dạ dày, viêm ruột. Một số triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh có thể kể đến như đau đầu, buồn nôn, sốt, tiêu chảy kéo dài nhiều ngày. Virus sẽ theo đường phân đào thải ra khỏi cơ thể.
- Viêm bàng quang: Virus Adeno có thể xâm nhập vào niệu đạo của trẻ và làm tăng nguy cơ viêm bàng quang. Bên cạnh đó, Adeno cũng có thể xâm nhập vào tử cung và gây bệnh.
- Viêm gan: Trong thời gian gần đây, một số nhà khoa học cho rằng rất có thể loại virus này có thể liên quan đến bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ. Tuy nhiên, để có được những kết luận chính xác hơn, các nhà khoa học cần thêm thời gian nghiên cứu.
Chẩn đoán Adenovirus như thế nào để đảm bảo chính xác?
Nếu chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng, nhiều bậc phụ huynh sẽ vô cùng khó khăn để nhận biết con em mình có nhiễm virus Adeno hay không. Chính vì thế, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nhất là khi các ca bệnh nhiễm Adenovirus đang tăng nhanh như hiện nay, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và hướng dẫn phương pháp điều trị bệnh. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến hiện nay:
- Test nhanh bằng mẫu bệnh phẩm phân: Phương pháp này dễ thực hiện và có thể mang đến kết quả chỉ sau 60 phút chờ đợi.
- Test Realtime PCR: Phương pháp này sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch tỵ hầu. Thời gian trả kết quả là sau 3 đến 4 ngày từ thời điểm thực hiện xét nghiệm.
Có vaccine Adenovirus chưa và điều trị bệnh bằng phương pháp nào?
- Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine Adenovirus, vì thế công tác phòng bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Theo các chuyên gia, cha mẹ nên phòng bệnh cho trẻ bằng những phương pháp dưới đây:
+ Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời, nên cho trẻ bú kéo dài đến năm 2 tuổi.
+ Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đúng cách khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm.
+ Đảm bảo không gian vui chơi, phòng ngủ của bé luôn được sạch, thoáng.
+ Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
+ Chú ý vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đối với những trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối.
+ Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay.
+ Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nếu cho trẻ ra ngoài, nên đeo khẩu trang cho trẻ.
+ Mẹ cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Đối với những trẻ đã nhiễm bệnh, mẹ cần chú ý những điều sau:
+ Nên đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có những biểu hiện bất thường. Đồng thời tiến hành cách ly cho trẻ để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
+ Điều trị theo biểu hiện bệnh: Hạ sốt khi trẻ bị sốt, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, uống thuốc kháng virus trong trường hợp cần thiết và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách bù điện giải
+ Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định hỗ trợ hô hấp bằng biện pháp thở oxy hoặc thở máy.
+ Trong trường hợp trẻ bị bội nhiễm viêm phổi có thể áp dụng điều trị bằng thuốc kháng sinh.