Phía sau những bức ảnh nhà kính lên đèn lung linh là sự thay đổi về khí hậu và hệ sinh thái của Đà Lạt
Khoảng thời gian gần đây, làng hoa Thái Phiên hay đường đi Trại Mát là những khu vực được bạn trẻ kháo nhau đến để chụp ảnh về đêm. Bởi hàng nghìn nhà kính lên đèn đã tạo nên không gian lung linh mờ ảo và cho ra đời những khoảnh khắc lãng mạn mà ít nhiều ai cũng muốn sở hữu.
Theo thống kê sơ bộ, hiện tại có khoảng 4.400 ha nhà kính, 1.200ha nhà lưới ở Đà Lạt và các vùng nông nghiệp lân cận. Trong khi đó tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt chỉ hơn 10.000 ha. Những con số này nghe có vẻ khô khan và chẳng liên quan gì đến việc... chụp ảnh check-in nhưng đó là một thực trạng đáng báo động về sự thay đổi môi trường và cảnh quan của thành phố ngàn hoa.
Nhiều khu vực nhà kính, làng hoa trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách Đà Lạt trong thời gian qua.
So với 5 năm trước, diện tích nhà kính lúc này đã cao gấp 5 lần. Khách du lịch có lẽ không mấy quan tâm nhưng những người sống lâu năm ở Đà Lạt đều có thể cảm nhận được những mảng màu xanh của cây cối, rừng núi thuở nào đã dần bị thay đổi thành màu trắng lóa của "dòng sông bạc" – của hàng nghìn nhà kính tràn lan.
Hiện nay, nhà kính mọc lên tới đâu, rừng thông dần biến mất tới đó. Trong khi đó, ngay tại những vùng nông nghiệp: phường 11, 12, 9, 5 nhà kính đang vây lấy mọi ngóc ngách và biến nơi đây thành những lò hấp và là máng nước xối thẳng xuống kênh mương hoặc vùng thấp khiến tình trạng ngập úng, sạt lở đất ngày một gia tăng.
Hình ảnh nhà kính phủ một màu trắng ảm đạm lấp mảng xanh của Đà Lạt.
Nhà kính chen chúc giữa các khu dân cư Đà Lạt gây ra tình trạng hỗn loạn quy hoạch.
Còn quá ít mảng xanh trong thành phố Đà Lạt, thay vào đó là màu trắng bạt ngàn.
Nhà kính mọc từ đồi này qua đồi khác khiến chúng ta không còn nhận ra đây là thành phố ngàn thông
Tại những khu du lịch trong lòng thành phố: hồ Than Thở, Đồi thông hai mộ, thung lũng tình yêu, nhà kính bao vây khiến du khách không khỏi choáng ngợp.
Không gian sống bị siết chặt và bao vây từ tứ phía
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết: "Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính, nhà lưới tràn lan từ trong lòng thành phố đến vùng vành đai mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây. Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và "sức khỏe" hệ sinh thái của Đà Lạt.
Nhà kính trong nông nghiệp sẽ có 3 tác động ảnh hưởng gây hại chính cho môi trường: đó là làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước".
Những "con sóng bạc" đang là nỗi đe dọa đối với hệ sinh thái Đà Lạt
Người Đà Lạt đang phải học cách sống chung với ngập úng mùa mưa
Nhìn vào cách thức bố trí nhà kính như ở Đà Lạt hiện nay, bạn sẽ thấy Đà Lạt "nóng". Nóng vì nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt.
Theo người dân sống tại những vùng này, sống ở trong vùng toàn nhà kính mới thấy khổ thế nào. Nắng thì nóng hầm hập không một chút gió, mưa thì nước tràn ngập vào nhà cửa, đường xá. Nhiều lúc ở Đà Lạt mà phải lội nước.
Những năm gần đây, những trận lũ liên tiếp xuất hiện ở hạ nguồn suối Cam Ly. Nhà kính đã bao phủ một diện tích lớn đất đai tạo nên một vùng lớn không có khả năng thấm, thoát nước với hệ số thấm gần bằng 0. Toàn bộ nước mưa đổ ra suối trong một thời gian ngắn đã gây ra lũ.
Ông Phạm S (phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Đà Lạt là TP xanh và nhà kính đã lấy đi mảng xanh ấy và làm mất mỹ quan TP. Đã có những khuyến cáo từ sớm về việc cải tạo cây xanh, đất dốc thì không nên làm nhà kính. Tuy nhiên, nông dân không ai nhường ai cả. Yếu tố lợi nhuận đã chi phối họ trước biến đổi môi trường.
Chúng tôi đã chọn ra và phát triển những cây trồng có giá trị cao nhưng không dùng đến nhà kính như cây siêu quả Magic S. Cạnh đó là khẩn trương trồng rừng, trồng cây lớn nhanh có độ che phủ cao. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Đà Lạt khảo sát xác định những cây nên trồng không dùng nhà kính và ngược lại.
Về lâu dài, dựa theo quy hoạch chúng tôi tổ chức bổ sung mảng xanh để vãn hồi tình hình hiện nay. Cái cần nhất là một nghiên cứu để hình thành một khung pháp lý quản lý hoạt động nông nghiệp và chúng tôi đang triển khai".
Mọi ngóc ngách tại Đà Lạt bị nhà kính xâm chiếm dữ dội.
Ngày qua ngày, những nhà kính vẫn âm thầm mọc lên từ dưới lên cao khiến cây xanh dần mất đi.
Nhà kính bao vây khu du lịch hồ Than Thở.
Do lượng nước đổ về quá nhiều không thoát kịp, các kênh mương tại TP Đà Lạt đều nằm trong tình trạng quá tải gây ngập cục bộ.
Người Đà Lạt thời gian qua đã quen với việc lội nước.
Sau những trận mưa, hàng loạt vườn tược của người dân bị ngập úng vì nước không thoát kịp. Đây là hệ quả của việc nhà kính mọc lên tràn lan, toàn bộ lượng nước cùng lúc đổ thẳng xuống cống, mương gây ngập.