Da mặt loang lổ vì dùng lá trầu không trị nám - Ảnh 1.

Một bệnh nhân phải vào viện điều trị vì dùng sai cách cao lá trầu không trị nám. Ảnh: BSCC

Mặt loang lổ như “bản đồ”

ThS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời gian gần đây, viện liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh “rước họa” vì làm đẹp bằng cao trầu không. Phần lớn trong số này khi tới thăm khám, da đều trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ còn ví những gương mặt “như bản đồ”.

Cách đây hơn một năm, chị N.T.V (45 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) phát hiện hai bên gò má nổi nám lấm tấm. Không tự tin, chị V tìm mọi cách trị những đốm nám này. Được mách dùng cao lá trầu không hiệu quả tốt, lại an toàn vì chiết xuất hoàn toàn từ lá tự nhiên, chị còn sáng tạo kết hợp bôi cao hàng ngày cùng một loại rượu ngâm với hy vọng làn da “sáng bật”.

Kiên trì được 1 tháng, da mặt chị V bắt đầu “biểu tình” khi đỏ lựng lên. Vùng sạm nám không mờ đi mà trở nên sậm màu, lan rộng. Chỉ ít ngày sau, các đốm màu trắng kích thước như hạt đậu xuất hiện trên da chị, khiến cả khuôn mặt trở nên loang lổ như “bản đồ”. Da thậm xấu khiến chị V kém tự tin, phải đeo khẩu trang cả ngày. Đi khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị được kết luận bị rối loạn sắc tố.

Các chuyên gia cho biết, khi các bệnh nhân đến khám, có trình bày lịch sử sử dụng cao trầu không, thường dùng hai loại: Một loại là sản phẩm “dân gian”, tự đun nấu và cô đặc từ lá trầu không, được sử dụng như một loại mặt nạ để điều trị sạm nám. Một loại khác là loại làm sẵn, không rõ thành phần có trong sản phẩm.

Theo BS Vũ Thái Hà, chị V chỉ là một trong hơn 10 bệnh nhân “khóc dở, mếu dở” vì tuỳ tiện dùng cao lá trầu không làm đẹp đến khám ở viện trong thời gian gần đây. Một trường hợp khác, chị L.T.Q (ở Hà Nội) cũng vì tin dùng cao lá trầu không để bôi da, trị nám, làm da trắng nên rất chăm chỉ bôi hàng ngày. Thời gian đầu, da chị trắng lên rõ. Nhưng cũng như chị V, 1 tháng sau đó, chị Q bắt đầu cảm thấy nóng rát, bốc hỏa tại vùng mặt như phụ nữ tiền mãn kinh. Không chỉ thế, vết nám, tàn nhang lan xuống phía cằm. Đi hỏi người bán hàng, chị nhận được lời giải thích do cao bắt đầu có tác dụng thẩm thấu vào da, phải dùng lâu dài, da sẽ sáng đều. Tuy nhiên 2 tháng sau, chị Q buộc phải nhập viện để điều trị vì da chị bị phân chia như “quả địa cầu” khi có cả vùng nám má màu nâu dày đậm thành mảng, loang xuống gần cằm, lại có vùng da trắng nhỏ lốm đốm, lỗ chỗ đan xen trên mặt.

Với những trường hợp mắc rối loạn sắc tố như trường hợp chị V, chị Q trên đây, BS Vũ Thái Hà cho biết, điều khó khăn là khi bôi cao lá trầu không, các vùng da trên mặt dễ bị giãn mạch, điều trị rất khó. Lúc này trên da mặt bệnh nhân có những chỗ tăng sắc tố, có loại mất hẳn sắc tố. Nhưng nếu can thiệp ngay điều trị nốt tăng sắc tố sạm đen, nâu thì sẽ ức chế việc tăng sắc tố trở lại. Các chuyên gia phải tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi sắc tố da, điều trị mất sắc tố trước và sau đó ức chế các vết sạm nám trên gương mặt. Với chị V, sau một năm kiên trì điều trị bằng cách tuần nào cũng phải tới viện, các đốm trắng trên da của chị đã biến mất, nhưng phần rạm nám chỉ có thể giảm được tới 40%.

Lý giải nguyên nhân khiến các biện pháp dùng thành phần lá trầu không này khiến da trắng ban đầu, BS Vũ Thái Hà cho biết, trong lá trầu không có chứa chất gây độc tế bào da nhất thời. Nếu sử dụng trong thời gian ngắn, sớm dừng lại thì có thể cải thiện được tình trạng sạm nám gia tăng, tuy nhiên, nếu để kéo dài sẽ khó khăn trong điều trị, thậm chí không đạt được kết quả. Do đó, vị bác sĩ này khuyến cáo, chị em không nên sử dụng các phương pháp này.

Khổ sở khi điều trị viêm da do “nghiện corticoid”

Ngoài việc sử dụng các loại cao trầu không bôi da, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận không ít các bệnh nhân nhập viện do kem, mỹ phẩm trộn làm trắng, khiến da bị viêm, gây hiện tượng trứng cá đỏ, mặt bệnh nhân lúc nào cũng “rừng rực”, cảm giác giống như người ở giai đoạn tiền mãn kinh.

Điển hình như chị V.T.P (40 tuổi, ở Hà Nội). Từ nhiều năm nay, chị P chỉ sử dụng duy nhất một loại kem dưỡng da. Vài tháng gần đây, chị có hiện tượng nóng rát vùng mặt, lúc nào da mặt cũng bỏng rát, mặt đỏ phừng phừng, nhiều khi đỏ liên tục cả ngày.

Dù bị vậy nhưng chị P vẫn cố tự xử lý tại nhà. “Nước xịt khoáng tôi phải để trong tủ lạnh hàng ngày, xịt lên da liên tục mới hòng làm dịu các cơn nóng bỏng rát”, chị P kể lại. Mất 1 tháng, cảm giác và triệu chứng mặt đỏ không giảm, chị mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.

“Thời điểm vào viện, gương mặt bệnh nhân đỏ lừ, hai bên má, cằm, vùng mũi màu đỏ tươi, có rất nhiều giãn mạch trên vùng màu đỏ đó, cảm giác làn da rất bỏng rát, xuất hiện nốt li ti từng đợt. Bệnh nhân cũng không dám đánh phấn hay dùng thêm một mỹ phẩm nào khác, bởi cứ bôi mỹ phẩm vào là da lại mẩn lên, gây bỏng rát hơn”, BS Vũ Thái Hà kể.

Với những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, dùng các kháng sinh để làm dịu triệu chứng viêm da, bỏng rát da. Một số trường hợp dùng thuốc chống viêm giảm đau. Sau khi điều trị đỡ triệu chứng thì mới điều trị phục hồi da, phục hồi sắc tố da bằng các kỹ thuật hiện đại như laser…

Theo các bác sĩ, các loại kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi thường có chất corticoid. Lúc đầu mới sử dụng bôi thì làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh, khiến người dùng “tưởng bở”, nhưng sau đó, nếu lạm dụng dùng lâu dài sẽ có tác dụng phụ, sắc tố da bị ảnh hưởng, gây nên triệu chứng viêm da do mỹ phẩm.

BS Vũ Thái Hà khuyến cáo, khi dùng mỹ phẩm có corticoid trong một thời gian dài, người dùng rất dễ mắc chứng “nghiện corticoid”, làn da bị phụ thuộc vào corticoid và lúc dừng lại đột ngột (để điều trị) có thể da sẽ bị mẩn ngứa, các triệu chứng viêm da tăng lên. Bệnh nhân phải điều trị vài tháng, có khi kéo dài cả năm mới khỏi hoàn toàn. Vì thế, quan trọng nhất trong điều trị viêm da, đặc biệt do corticoid là phải kiên trì. Bệnh nhân phải được tư vấn, động viên tâm lý không bỏ cuộc, nhất là trong thời gian đầu.