Chiều nay 24/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo báo cáo, ngày 24/8, TP Đà Nẵng ghi nhận 153 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tính từ 10/7 lên con số 3.149 ca.

TP Đà Nẵng đang ở ngày thứ 9 thực hiện việc "ai ở đâu thì ở đó" để tiến hành xét nghiệm toàn dân. Thành phố cũng đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình và tiếp tục lấy mẫu đợt 3 (từ 22/8 đến ngày 26/8).

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn đều được vào cơ sở y tế để chữa trị, theo dõi và quản lý. Trên địa bàn có 21 trường hợp tử vong và 57 trường hợp bệnh nhân có diễn biến rất nặng, nguy kịch.

Đà Nẵng dự kiến kéo dài thêm 10 ngày 'ai ở đâu ở đó' - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng trả lời câu hỏi tại buổi họp báo chiều nay 24/8 - ảnh Nguyễn Thành

Thành phố đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng đã phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng nhiều ca bệnh F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 liên quan theo quy định.

Theo bà Yến, dự báo số lượng ca bệnh vẫn còn gia tăng trong thời gian tới nhờ công tác rà soát, xét nghiệm đang được triển khai thực hiện đúng với tình hình dịch. Nếu tiếp tục áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo rà soát các trường hợp mắc và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ được khống chế.

"Gần 9 ngày TP đã làm xét nghiệm toàn dân đã bóc rất nhiều F0 ra khỏi cộng đồng. Chủng vi rút Detla rất khủng khiếp. Trong thời gian tới, nếu thực hiện tốt "ai ở đâu thì ở đó", số F0 phát sinh sẽ rất ít. Đà Nẵng sẽ không chịu đựng nổi nếu số ca dương tính tiếp tục tăng lên, hệ thống y tế sẽ quá tải", bà Yến cho biết.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, qua 2 đợt xét nghiệm và đợt thứ 3 đang triển khai, số ca dương tính rất nhiều và TP đã tiên lượng trước được việc này. Một số tỉnh phía Nam đã quá tải chăm sóc chữa trị bệnh nhân và hậu quả rất khôn lường. Chiến lược chống dịch lâu dài, triệt để hay sống chung là bài toán rất khó với thành phố. Ngành Y tế mong muốn mọi người dân thực hiện nhuần nhuyễn 5K. Và cần thiết thêm 5K + kính chống bắn giọt.

"Nếu sống chung với COVID-19 phải nhuần nhuyễn việc thực hiện 5K+", bà Yến nói

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Tỷ lệ F0 bình quân tăng theo từng giai đoạn thành phố áp dụng chặt chẽ các biện pháp thực hiện. Tỷ lệ bình quân hàng ngày tương đối giao động. Có 2 chuỗi lây nhiễm nguy hiểm gồm chuỗi Cảng cá Thọ Quang, khu phong toả quận Sơn Trà và chuỗi chợ đầu mối Hoà Cường đã bắt đầu kiểm soát.

"Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" theo tinh thần Chỉ thị 05 và Quyết định số 2788 của UBND TP. Dự kiến sẽ thêm 10 ngày. Ngày mai UBND TP Đà Nẵng sẽ quyết định việc này", ông Minh cho biết.

Căn cứ kết quá xét nghiệm lần 3, thành phố sẽ phân chia các vùng có mức độ nguy cơ khác nhau để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cụ thể địa bàn có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối. Địa bàn có nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) thì thực hiện các biện pháp theo Quyết định 2788/QĐ-UBND, đồng thời bổ sung một số hoạt động được phép thực hiện nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân; thay đổi người làm việc tại các công sở, cơ quan. Các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động với tối đa 30% số người làm việc và đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”; hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước bố trí tối đa 10% số người làm việc.

Đối với địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) thì giao Chủ tịch UBND cấp quận, huyện áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và một số hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát động phong trào thi đua bảo vệ và mở rộng vùng xanh trong khu dân cư. Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động khi đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.

Liên quan đến việc cung cấp thực phẩm cho người dân trong thời gian tới, ông Minh cho biết: Sẽ cho nâng tổng số lao động tại các siêu thị lên 60%, được ưu tiên xét nghiệm 3 ngày 1 lần, tiêm vắc xin, công an cấp thẻ nhận diện, thực hiện "2 điểm đến 1 cung đường".

Liên quan đến hoạt động của shipper, ông Minh cho biết đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đăng ký nhu cầu với Sở Công thương để tổng hợp lên danh sách, xét nghiệm, tiêm vắc xin, cấp thẻ nhận diện cho đội ngũ này. 

Ngoài ra, TP sẽ mở lại lò mổ Đà Sơn và trong điều kiện thích hợp sẽ mở lại một số chợ truyền thống.